【monza – fiorentina】Đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quản lý giá
Sửa để phù hợp thực tiễn
Dự thảo Nghị định tách quy định về thẩm quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triến nông thôn thành 2 khoản riêng để đảm bảo rõ ràng, bao gồm điều hòa cung cầu hàng hóa, kiểm soát hàng tồn kho; đăng ký giá và định giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. |
Đánh giá lại việc quản lý, điều hành giá theo Nghị định số 177, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này và Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị định theo thẩm quyền. Nhờ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá này được ban hành kịp thời, công tác quản lý và điều hành giá đã được thực hiện xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Công tác quản lý, bình ổn giá được thực hiện hiệu quả, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; nhất là trong những thời điểm thị trường có nhiều biến động về giá (như dịp lễ, tết Nguyên đán); giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, cước vận tải hành khách tuyến cố định, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi,... đã được thực hiện có hiệu quả và đồng bộ.
Bên cạnh đó, công tác định giá của Nhà nước đã được phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo giá do Nhà nước quy định đã góp phần chống lãng phí và tiết kiệm chi cho ngân sách Nhà nước, ngăn ngừa tình trạng độc quyền, tăng giá không hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và giảm trừ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá,...
Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giá, thuế, phí đã được tăng cường triển khai thường xuyên, hàng năm; qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về quản lý giá, thuế, phí và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần ổn định thị trường giá cả.
Các nội dung quản lý, điều hành giá khác theo quy định của Nghị định số 177 như hiệp thương giá, cơ sở dữ liệu về giá cũng đã được triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên, cuối năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Phí, lệ phí có hiệu lực kể từ 1-1-2017, trong đó có quy định 17 khoản phí trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá và giao Chính phủ quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền quy định giá và hình thức định giá. Quy định này đã đặt ra yêu cầu cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ quy định thẩm quyền và hình thức định giá đối với các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.
Nội dung quy định về thẩm quyền định giá của Nhà nước và hình thức định giá vốn đã là một trong những nội dung đã được quy định tại Nghị định số 177, nếu cùng nội dung này được quy định tại 2 Nghị định của Chính phủ sẽ dẫn đến không tập trung và các cấp, các ngành, địa phương khó theo dõi và triển khai thực hiện. Mặt khác, Nghị định số 177 có hiệu lực thi hành và được triển khai thực hiện hơn 2 năm đã bộc lộ một số bất cập về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện biện pháp bình ổn giá, định giá, kê khai giá,... cần nghiên cứu sửa đổi kịp thời cho phù hợp với thực tế nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về giá. Vì vậy, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho ban hành Nghị định theo hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177.
Bổ sung thẩm quyền định giá
Trong đề xuất trình Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến chuyển thẩm quyền hướng dẫn, tổ chức thực hiện một số mặt hàng bình ổn giá từ Bộ Tài chính sang các bộ, ngành theo phân công; bỏ một số quỹ bình ổn giá chưa phù hợp với thực tế điều hành; quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền quy định giá và hình thức định giá đối với 17 sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá; quy định cụ thể mặt hàng kê khai giá và cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện kê khai giá đối với một số sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá; bổ sung thêm quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Cụ thể về đăng ký giá, Bộ Tài chính đề xuất chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương tiếp nhận và rà soát biểu mẫu đăng ký giá và hướng dẫn đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm 2014, mặt hàng này đã được Chính phủ đưa vào thực hiện bình ổn giá, đây là mặt hàng duy nhất từ khi Luật Giá và Nghị định số 177 có hiệu lực thi hành đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện chủ trương và các biện pháp bình ổn giá. Việc triển khai thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thời gian qua đã đạt được kết quả tốt giúp ổn định mặt bằng giá sữa trên thị trường, giảm gánh nặng chi phí bất hợp lý cho người tiêu dùng do giá sữa tăng quá cao bất hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai và phối hợp giữa các cấp, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặt hàng này lại gồm nhiều thương hiệu, chủng loại khác nhau và khi bắt đầu thực hiện bình ổn giá thì danh mục này do Bộ Y tế quản lý nhưng chưa được ban hành. Bộ Công Thương quản lý cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài, qua đó có thể nắm được tình hình giá sữa NK của các thị trường, diễn biến giá, nguồn cung thị trường thế giới và đồng thời có hệ thống cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh. Do đó, khi Bộ Tài chính chủ trì thực hiện bình ổn giá sữa phụ thuộc nhiều vào công tác phối hợp của các bộ chuyên ngành. Tại địa phương, Sở Tài chính được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chủ trì triển khai, hướng dẫn công tác bình ổn giá sữa lúc đầu cũng gặp nhiều vướng mắc do chưa có Danh mục mặt hàng sữa do Bộ Y tế quản lý, việc kiểm tra, giám sát các tổ chức, cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn tỉnh rất khó khăn và phải dựa vào cơ quan Quản lý thị trường.
Về thẩm quyền, trách nhiệm quyết định áp dụng và thực hiện biện pháp bình ổn giá, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung thêm các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và Bộ Y tế để tăng thêm các công cụ điều tiết giá đối với mặt hàng bình ổn giá do các Bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn. Cụ thể: Tách quy định về thẩm quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triến nông thôn thành 2 khoản riêng để đảm bảo rõ ràng, bao gồm điều hòa cung cầu hàng hóa, kiểm soát hàng tồn kho; đăng ký giá và định giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, bổ sung thêm biện pháp định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định sửa đổi thẩm quyền của Bộ Tài chính áp dụng biện pháp đăng ký giá đối với các mặt hàng bình ổn giá trừ mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương.
Về vấn đề định giá đối với 17 sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, dự thảo Nghị định quy định như sau: Bộ Tài chính chủ trì định giá các mặt hàng thuộc thẩm quyền theo quy định tại Luật Giá, Nghị định số 177 và có ý kiến bằng văn bản đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền định giá của bộ, ngành nhằm đảm bảo việc định giá sản phẩm, dịch vụ công ích, sự nghiệp công gắn với kiểm soát chi ngân sách Nhà nước, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính.
Đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá có tính chất đặc thù, đặc tính kỹ thuật chuyên sâu do Bộ quản lý ngành chủ trì định giá và Bộ Tài chính phối hợp, giám sát để đảm bảo chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá của Bộ Tài chính theo quy định tại Luật Giá. Thẩm quyền và trách nhiệm định giá của Bộ trưởng các bộ được quy định đảm bảo hiệu quả và phù hợp thực tiễn hoạt động quản lý lĩnh vực của các bộ, ngành; đảm bảo không trái với quy định tại các Luật chuyên ngành.
Dự kiến, các quy định này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Phí, lệ phí, tức là ngày 1-1-2017.