(CMO) Tiếp thị bán hàng, một nghề không quá xa lạ với nhiều người, từ những cử nhân chuyên ngành makerting, sinh viên chưa ra trường, hay những người chỉ tốt nghiệp THPT có năng khiếu về giao tiếp, sức khoẻ tốt vẫn có thể thực hiện. Thu nhập được trả theo doanh số bán hàng, chính vì thế người làm nghề cũng nhiều vất vả, lắm gian nan.
Nghề của sự kiên nhẫn và nhọc nhằn
Khi đã quyết định gắn bó với công việc này ngoài kỹ năng giao tiếp khéo léo còn phải chấp nhận những khó khăn vất vả như dầm mưa dãi nắng khi di chuyển hàng chục cây số đến từng vùng quê chào hàng bán sản phẩm.
Anh Huỳnh Hảnh tiếp thị sản phẩm sữa cho khách hàng ở cửa hàng tạp hoá. |
Dưới cái nắng gay gắt trên 30 độ, chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Văn Nguyên (Khóm 4, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) trên chiếc xe máy lấm lem bụi đường. Khuôn mặt đen sạm, đôi bàn tay thô ráp trải qua nhiều sương gió do đặc thù công việc mang lại khi phải len lỏi từng vùng quê để bán hàng. Anh Nguyên tâm sự: Anh tốt nghiệp cao đẳng kế toán nhưng khó tìm được việc làm do thiếu kinh nghiệm và bằng cấp chưa đủ điều kiện, anh quyết định xin vào làm nhân viên bán hàng cho Công ty Cổ phần dinh dưỡng Nuti Food ở TP Cà Mau. Tính đến nay, anh có hơn 4 năm gắn bó với nghề.
Nhiệm vụ của anh là bán hết đơn hàng của công ty giao, vì thu nhập ngoài lương anh được trả theo doanh số bán hàng. Vậy nên, công việc hàng ngày của anh là bán hàng từ thành thị đến những vùng quê xa xôi, hình thức làm việc với các bước chào hỏi khách hàng, trình bày sản phẩm và thuyết phục khách mua hàng. Mỗi ngày trên chiếc xe máy anh chạy hàng trăm cây số để bán hàng, nhưng không phải lúc nào cũng thuyết phục khách thành công. Anh Nguyên bộc bạch: “Tôi bán hàng theo tuyến nên ngày nào cũng chạy rong rong ngoài đường bất kể thời tiết như thế nào. Nhiều khi chạy cả ngày, năn nỉ gãy lưỡi mà chỉ nhận lại cái lắc đầu của khách rồi chở hàng về lỗ cả tiền xăng, chưa tính đến tiền ăn uống”.
Do tính chất công việc phải rong ruổi cả ngày nên việc ăn bụi, ngủ đường với những nhân viên tiếp thị là chuyện như cơm bữa. Anh Nguyên chia sẻ, không riêng gì anh mà hầu hết những người làm nghề này đều ăn cơm bụi, nghỉ trưa ở quán cà phê, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ.
Nhiều trải nghiệm
Để bán được sản phẩm, nhân viên tiếp thị phải có khả năng ăn nói khéo léo, nhưng nhiều lúc cũng gặp phải khách hàng khó tính, có cái nhìn ác cảm với nghề này. Anh Nguyên chia sẻ: “Có lần tôi đến tiếp thị cho một tiệm tạp hoá vùng nông thôn, bà chủ vừa thấy mặt tôi, chưa kịp giới thiệu đã xua tay đuổi. Vừa buồn vừa tủi thân, đành lủi thủi bỏ về”.
Tuy nhiên, vượt qua tất cả những vất vả, nhọc nhằn của công việc, những nhân viên bán hàng cũng tìm được niềm vui từ những chuyến rong ruổi từ thị trấn đến vùng sâu giúp họ có được sự trải nghiệm, am hiểu về thị trường, hàng hoá và văn hoá tiêu dùng của từng vùng quê.
Hay những lần chào bán sản phẩm, mềm dẻo thuyết phục khách giúp họ rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại, trau dồi khả năng giao tiếp. Anh Huỳnh Hảnh (Phường 8, TP Cà Mau), nhân viên tiếp thị bán hàng của Công ty sữa Hà Lan chi nhánh Cà Mau, chia sẻ: “Lúc trước tôi nóng tính lắm, làm chuyện gì cũng hấp tấp, nói chuyện thì cộc lốc. Từ khi làm nghề này, bản thân tự rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại, khả năng giao tiếp ngày càng tốt hơn, giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống”.
Và điều an ủi sau những vất vả, nhọc nhằn là nghề tiếp thị giúp họ có được nguồn thu nhập nhất định, trang trải cuộc sống. “Lương hàng tháng của tôi gần 8 triệu đồng, gồm lương cứng và doanh số đủ để tôi sống và gửi chút ít về cho cha mẹ”, anh Nguyên phấn khởi.
Xã hội phát triển không ngừng, mọi người đều tìm cho mình công việc phù hợp để xây dựng đời sống. Những nhân viên bán hàng cũng đang làm công việc chân chính để mưu sinh./.
Võ Thảo