Đất nước Venezuela, một trong 5 thành viên sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC bị dự đoán sẽ tăng trưởng âm 3,3% trong năm nay, kết quả tồi tệ nhất trong số 93 quốc gia được Bloomberg phân tích.
Theo sau họ là Brazil với con số cũng rất đáng thất vọng 2,5%. Quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ này vừa bị tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor's hạ tín nhiệm xuống mức ‘rác’. Tiếp nữa là đất nước đang ngập trong nợ công Hi Lạp (-1,8%), và Nga - quốc gia đang có mối quan hệ với Liên minh châu Âu xuống đến mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh (-0,5%).
Các nước chịu cảnh suy thoái
Đây là nhóm mà chắc chắn không một quốc gia nào muốn “tham gia”. Trong năm 2016, nhóm này có thể sẽ chứng kiến một số bất ngờ. Trong danh sách có sự góp mặt của Đài Loan, một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất châu Á. Theo dự đoán, xác suất quốc gia này tăng trưởng âm trong ít nhất 2 quý của 2016 là 50%. Tỷ lệ tăng trưởng của họ năm qua đã giảm rất nhanh từ 4% trong quý I xuống âm 0,6% ở quý III do xuất khẩu sang Trung Hoa đại lục suy yếu.
Ukraine – một trong những nước nền kinh tế lao đao nhất năm 2015 – được kỳ vọng năm nay sẽ tăng trưởng 1,2%. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn khá bi quan khi cho rằng xác suất rơi vào suy thoái của họ trong 12 tháng tới là 60%, ngang với quốc gia đang phải đối mặt với rất nhiều bất ổn về chính trị và xã hội là Argentina.
10 nước có tăng trưởng GDP dự đoán thấp nhất năm 2016 - Ảnh: Bloomberg
Châu Mỹ Latin
Nam Mỹ sẽ trải qua năm 2016 khá “bi đát”. Quốc gia “đội sổ” là Venezuela gặp khó khăn đủ đường: hàng hóa cơ bản như quần áo, thuốc men đều khan hiếm, bất ổn chính trị leo thang, đồng nội tệ bolivar mất giá tới 700%... Nhưng nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất vẫn là giá dầu sụp đổ - loại năng lượng chiếm đến 96% nguồn thu ngoại tệ của đất nước sẽ có năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng GDP âm.
Trên khắp châu lục, tình hình cũng không sáng sủa nhiều hơn đối với các quốc gia khác. Brazil cũng ở trong cảnh suy thoái hết sức nặng nề tương tự như Venezuela, với GDP dự đoán sẽ xuống đến mức thấp kỷ lục kể từ năm… 1901. Hai tổ chức xếp hạng tín dụng nổi tiếng bậc nhất là Standard & Poor's và Moody's trong những tháng cuối của 2015 đều đã lần lượt hạ triển vọng tín nhiệm Brazil xuống mức ‘rác’.
Tại “hàng xóm” của Brazil là Argentina, tổng thống mới đắc cử Mauricio Macri đang vấp phải rất nhiều thách thức nếu muốn vực dậy nền kinh tế nước này, ngăn chặn đà GDP sụt giảm trong năm nay. Ngay sau buổi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng trước, ông đã thực hiện hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng và chống lãng phí, thâm hụt ngân sách đất nước.
Châu Âu
Hi Lạp kết thúc năm 2015 với gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ Euro đến từ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cùng những nỗ lực đáng ghi nhận để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Trước mắt, năm 2016 đối với quốc gia này vẫn đầy thách thức. GDP Hi Lạp dự kiến sẽ tăng trưởng âm 1,8%, khiến cho hàng trăm tỷ USD đất nước này đang mang nợ càng khó để chi trả. Thêm vào đó, họ vẫn phải gồng mình xử lý những căng thẳng trên biên giới khi làn sóng người tị nạn từ Syria vẫn tiếp tục dồn sang.
Nước Nga cũng sẽ lại được nhắc đến như là một trong những quốc gia chịu tăng trưởng kinh tế âm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm ngoái, xứ sở bạch dương đã có GDP -3,6%, và chỉ có một phép màu mới giúp cho họ thoát khỏi đợt suy thoái nặng nề nhất trong suốt hơn 2 thập kỷ qua. Lệnh trừng phạt của Mỹ và EU áp đặt lên Nga do việc chiếm đóng Crimea và trách nhiệm của nước này trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, cũng như giá dầu thế giới tiếp tục trượt dài đang phủ bóng đen lên quốc gia có gần một nửa ngân sách đến từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt này.
Trong danh sách 10 nước có GDP tăng kém nhất còn phải kể đến Phần Lan và Thụy Sĩ. Đất nước Bắc Âu gặp phải 2 vấn đề rất “nhức đầu” là nợ công và nạn thấp nghiệp cao kỷ lục. Mặt khác, sự suy yếu của doanh nghiệp đầu tàu Nokia và tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng của nước láng giềng Nga cũng đẩy Phần Lan vào thế khó. Trong khi đó, tại quốc gia thanh bình nhất thế giới Thụy Sĩ, việc ngân hàng Trung ương nước này SNB tiến hành bỏ trần tỷ giá, duy trì lãi suất tiền gửi ở mức âm vẫn sẽ làm tê liệt ngành công nghiệp du lịch và xuất khẩu.
Châu Á
Trong danh sách 10 nước đứng cuối bảng xếp hạng dự đoán của Bloomberg, châu Á góp mặt với đại diện Nhật Bản. Những tháng cuối của năm 2015, quốc gia này lại rơi vào tình trạng giảm phát, ảnh hưởng tiêu tực đến các chính sách kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương BOJ. Tình hình này khiến cho nội các của chính phủ buộc phải chấp nhận một ngân sách kỷ lục cho năm tài khóa 2016 trị giá đến 798 tỷ USD, đồng thời kỳ vọng những kích thích về tài chính và cải cách thị trường lao động sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở đất nước Đông Á này.
Trong danh sách của Bloomberg, Việt Nam đứng thứ nhì từ trên xuống, với dự đoán tăng trưởng GDP lên đến 6,6%, chỉ xếp sau Ấn Độ với mức tăng 7,4%./.
Ngọc Vũ (theo Bloomberg)