Năm 2011 kết thúc trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi trong loạng choạng,ếchâuÁHếtmưasẽhửngnắbóng đã trực tiếp nền kinh tế châu Âu đang đứng bên bờ vực thẳm và ngay cả Brazil - từng là một thành viên trong câu lạc bộ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao - cũng phải đối mặt với nguy cơ suy thoái. Chỉ còn châu Á lại là “ngọn hải đăng” hy vọng.
Thực vậy, các chỉ số tăng trưởng GDP cho người ta thấy hai xu hướng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, giữa một bên là phương Đông mới nổi và một phương Tây đang tụt dốc. Những hình ảnh về Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tới Bắc Kinh để gây quỹ cứu khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã phần nào cho thấy câu chuyện kinh tế năm 2011 - một châu Á giữ được ổn định và sức lan tỏa, trái ngược với châu Âu tăm tối.
Đúng là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại eurozone tới các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của châu Á không lớn như ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản thứ cấp tại Mỹ năm 2008-2009. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo thành công của châu Á sẽ không thể dễ dàng mà lặp lại trong năm 2012, đặc biệt là nếu châu Âu rơi vào suy thoái.
Ông Rob Subbaraman, Giám đốc kinh tế của Tập đoàn Nomura Hong Kong nhận định, năm 2012 sẽ là một “năm dao động” của châu Á. Ông nhấn mạnh: “Nền kinh tế bị tác động càng lớn bao nhiêu thì đà phục hồi sẽ càng mạnh mẽ bấy nhiêu”.
Ý tưởng cho rằng tin xấu sẽ sinh ra tin tốt đang trở thành chủ đề được các chuyên gia kinh tế nói đến nhiều trong thời gian qua, khi họ tổng kết tình hình kinh tế trong năm 2011. Đa số chuyên gia cho rằng Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Philippines sẽ chứng kiến những mức lãi suất thấp hơn trong năm tới. Các cuộc bầu cử ở Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hàn Quốc có thể sẽ khiến chính phủ nơi đây chi tiêu nhiều hơn.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm thúc đẩy cho vay nhiều hơn nữa. Nhưng đằng sau những giả thiết về việc các nhà hoạch định chính sách châu Á sẽ “lỏng tay” hơn, các chuyên gia không thống nhất được về việc từng quốc gia sẽ thoát khỏi tình trạng xáo trộn này như thế nào.
Thực vậy, nếu vấn đề nợ của châu Âu trở nên nghiêm trọng hơn và các ngân hàng trong khu vực này hạn chế cho vay, sẽ khiến châu Á trở nên dễ bị tổn thương trước một “cuộc di cư” bất ngờ của vốn. Theo ông Chua Hak Bin, một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Merrill Lynch, Singapore là nước nhiều khả năng bị tác động mạnh nhất vì vốn đầu tư của ngân hàng châu Âu lên tới 83% GDP. Đối với Malaysia, khoản đầu tư này đóng góp 25% GDP.
Rất khó đoán liệu các ngân hàng châu Âu có “giật phích cắm” và ngắt nguồn đầu tư hay không và việc này sẽ xảy ra khi nào hay ở đâu?
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất đối với các nước châu Á, và đây không đơn giản chỉ là một điểm hội tụ hàng hóa cho xuất khẩu. Các số liệu của Nomura cho thấy 58% hàng nhập khẩu của Trung Quốc phục vụ nhu cầu trong nước trong ba quý đầu năm 2011, tăng 44% so với đầu năm 2007. Điều này có nghĩa là các vấn đề bên trong Trung Quốc có tác động lớn tới phần còn lại của châu Á.
Những lo lắng lớn nhất tập trung vào việc Trung Quốc sẽ hạ nhiệt thị trường bất động sản, và tác động đến hoạt động cho vay của ngân hàng cũng như việc vay nợ của chính quyền địa phương. Về việc này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 2-12 cho biết giá nhà đất đã đến “điểm bước ngặt” và các ngân hàng đã quan tâm tới khả năng một phản ứng dây chuyền nếu giá sụt giảm 20%.
Nhiều nhà quan sát thị trường coi đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ nới lỏng một số hạn chế trong hoạt động mua bán nhà. Trung Quốc cũng đã giảm lượng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng lớn, một biện pháp giúp giải phóng từ 55 đến 63 tỷ USD cho hoạt động cho vay, và sẽ tiếp tục hạ thấp mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong nửa sau của năm 2012.
Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thương mại giữa các quốc gia trong khu vực cùng xu hướng tiêu dùng nội địa tăng do tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều sẽ giúp cho châu Á tránh khỏi hậu quả tồi tệ nhất của cuộc suy thoái toàn cầu.
Báo cáo của ADB cho rằng châu Á đã dựng lên một bức tường thành chống lại những khó khăn tại các thị trường phương Tây bằng cách “tăng cường thương mại và hòa nhập tài chính trong khu vực, và mở rộng quan hệ với các nền kinh tế mới nổi khác”. Vì vậy, châu Á sẽ là “ngọn hải đăng” hy vọng cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2012.
Bạch Dương