Ông Đinh Hiếu Nghĩa,ơmnướcvàgiải cúp liên đoàn anh Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, khẳng định, hiện tại vẫn chưa có một chế tài nào đủ mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm này ngoài việc xử phạt hành chính.
Kiểm tra là... dính
Khoảng 1 giờ sáng ngày 4/6, lực lượng Thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau bất ngờ ập vào nhà ông Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1975), ngụ ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), bắt quả tang ông Tuấn và người làm của mình đang tiến hành bơm nước vào heo (số lượng 2 con).
Có mặt tại nhà ông Tuấn, chúng tôi ghi nhận, trước khi bơm, heo được chủ cơ sở dùng dây buộc chặt mõm, sau đó dùng ống bơm nước trực tiếp vào cho đến khi heo chết mới thôi. Việc làm này nhằm làm tăng trọng lượng thịt sau khi giết mổ.
Qua kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể (số 61E8003071) của ông Tuấn cho thấy, ông Tuấn chỉ đăng ký bán thịt heo, chứ không đăng ký giết mổ.
Lực lượng Thanh tra chuyên ngành (thuộc Thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau) đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở của ông Tuấn ở hai lỗi: Cố tình đưa nước vào động vật (heo sống) trước khi giết mổ nhằm gian lận trong kinh doanh (vi phạm khoản c, điểm 2, điều 15, Nghị định 40/2009 NĐ – CP); không đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định đối với cơ sở giết mổ động vật (vi phạm điểm a, khoản 3, điều 17, Nghị định 40/2009 NĐ – CP).
Bắt quả tang cơ sở giết mổ trái phép đang bơm nước vào heo
Mức phạt đối với hành vi vi phạm của ông Tuấn là 7,5 triệu đồng (phạt bơm nước vào heo 3,5 triệu đồng; phạt lỗi không đảm bảo vệ sinh thú y 3 triệu đồng).
Ông Cao Mạnh Hùng, Thanh tra viên (Thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau), cho biết, đối với heo có trọng lượng 100 kg, nếu không bơm nước số lượng thịt cho ra sau khi giết mổ khoảng 84 kg, còn khi bơm nước vào thì số lượng thịt sẽ tăng lên hơn 90 kg.
Tuy nhiên, thịt heo sau khi chế biến không còn đảm bảo chất lượng, nếu để quá 8 giờ thịt sẽ hôi thối. “Bằng hình thức này các chủ cơ sở kinh doanh thu lợi từ 400 đến 500 ngàn đồng/con heo”. Ông Hùng nói.
Tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: “Tôi bơm nước vào heo chỉ để dễ làm ruột sau khi giết mổ thôi, chứ heo này mua tại địa phương nên thịt rất chắc, nước không thấm vào được”.
Cũng theo Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, đối với lượng heo nhập tỉnh, trước khi giết mổ ít nhất heo bị bơm nước hai lần. Khi người nuôi xuất chuồng đàn heo đã bơm nước để tăng trọng lượng, đến khi thương lái mua về cũng phải bơm nước thêm lần nữa trước khi giết mổ.
Ông Cao Mạnh Hùng khẳng định, gần như 100% cơ sở kinh doanh đều vi phạm khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện các chủ kinh doanh áp dụng nhiều hình thức vi phạm tinh vi hơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra. Mặt khác, nếu phát hiện cơ sở vi phạm bao nhiêu lần cũng chỉ áp dụng khung phạt hành chính 3- 4 triệu đồng.
Sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa
Trước đó, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra lần 3 đối với cơ sở giết mổ của ông Lữ Văn Triều ở ấp 9, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, cả 3 lần ông Triều đều vi phạm (bơm nước vào heo). Cơ sở giết mổ của ông Triều, trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 20 con heo thịt.
Trước tình trạng vi phạm ATVSTP ngày càng tăng, vừa qua Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật và Ban Quản lý các chợ tiến hành kiểm tra và lấy 25 mẫu (gồm 10 mẫu thịt heo, 5 mẫu thịt gà, 10 mẫu rau, củ, quả) để kiểm nghiệm các chỉ tiêu Salbutamol (chất tăng trọng), Salmonella sp (vi sinh) đối với mẫu thịt heo và thịt gà; chỉ tiêu Endosulphan (chất cấm) đối với mẫu rau, củ, quả... nhằm ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Qua kiểm tra có đến 10 mẫu thịt heo không đạt chất lượng, nhiễm vi sinh Salmonella sp.
Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết: “Không cần biết chất lượng nước bơm vào heo có sạch hay không sạch, nhưng chất lượng thịt sẽ giảm. Ngoài ra, để giữ được nước trong heo thì phải làm cho heo mê man trên 1 giờ, nhằm cho nước thấm vào thịt nên chắc chắn trong đó phải có hóa chất. Tuy chưa xác định được cụ thể loại hóa chất nào, nhưng chắc chắn thịt heo bơm nước cũng nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng ít nhiều”.
Theo Nông nghiệp Việt Nam