Cũng là tiếp dân,ấuhiểu21 thanh hóa nắm tình hình, lắng nghe dân, nhưng trong nhiều trường hợp lãnh đạo tỉnh đã chọn cách: “Bà con cứ ở đó, tôi xuống với bà con, lắng nghe bà con !”.
Với vai trò là người đứng đầu, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành (thứ 3 từ trái sang) luôn nêu gương trong việc tiếp dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, tâm tình của người dân.
Những buổi gặp gỡ, tiếp dân thân tình, những cuộc trao đổi ngay tại cơ sở kéo dài hàng giờ đồng hồ, mà ở đó người dân bày tỏ, lãnh đạo lắng nghe, để rồi không biết từ khi nào, tiếp và đối thoại với dân là “liều thuốc” hữu hiệu phòng được “bệnh” xa dân.
Gặp Bí thư Tỉnh ủy, giải tỏa được nỗi lòng của 20 năm
Một ngày đầu tháng 12, trong không khí thoảng hơi lạnh cùng ánh nắng vàng nhẹ lướt qua báo hiệu mùa xuân sắp về, phóng viên đến xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ gặp ông Nguyễn Văn Mười khi ông đang loay hoay lau dọn căn nhà còn thơm mùi vôi để chuẩn bị đón tết.
Ông Mười khoe, đây là căn nhà đại đoàn kết được Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành trao tặng.
Mời phóng viên vào nhà rồi cùng nhâm nhi bên tách trà nóng, ông Mười trầm ngâm một lát rồi kể về chuyện nhà, chuyện đời; nhớ như in buổi gặp Bí thư Tỉnh ủy mà theo ông chỉ một lần đã giải tỏa nỗi lòng chất chứa gần 20 năm qua.
Ông Mười có một thời gian dài đi tìm công lý…
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1976 khi cha mẹ ông Mười chia đều đất cho các con cùng canh tác, trong đó ông được chia gần 4 công. Đến năm 2002, ông N. (em cùng mẹ khác cha với ông Mười) kiện tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.
Chứng cứ mà ông N. cung cấp cho tòa là di chúc đề ngày 11-6-2001, thể hiện nội dung mẹ ruột để lại phần đất trên cho N. Trong khi đất này trước nay ông Mười sử dụng, đang đổi đất với hàng xóm cho tiện canh tác. Rồi ông Mười sau đó còn phải hầu tòa vì hàng xóm kiện đòi lại đất đã đổi.
Tháng 4-2007, Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ (cũ) tuyên buộc ông Mười trả lại đất cho hàng xóm vì phần đất ông Mười đem đổi theo di chúc thuộc về ông N.
Cho rằng bản án không đúng nên ông không chấp hành; rồi bị khởi tố về tội không chấp hành án…
Linh cảm mách bảo mình đúng nên ông Mười tiếp tục khiếu nại, yêu cầu Công an huyện trưng cầu giám định dấu vân tay của mẹ ông trên di chúc. Kết quả cho thấy: “Dấu vân tay trên tờ di chúc và các dấu vân tay làm mẫu so sánh không phải của cùng một người”.
Cầm kết quả, ông Mười mừng rơi nước mắt và liên tục gửi đơn đến các cơ quan tố tụng Trung ương, tỉnh đề nghị xem xét kháng nghị; tiếp tục kêu oan, đề nghị được minh oan.
Ông Nguyễn Văn Mười trong căn nhà mới được Bí thư Tỉnh ủy hỗ trợ chi phí sửa chữa.
Cuối cùng, hồ sơ vụ án được giao về Tòa án nhân dân thị xã Long Mỹ xét xử sơ thẩm lại, nhưng từ đó đến nay ông Mười chưa nhận được niềm vui trọn vẹn.
Ông Mười tiếp tục gõ cửa nhiều nơi, nhiều cơ quan tố tụng nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Và rồi, hôm nghe cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy thông tin được sắp xếp gặp Bí thư mà ông trằn trọc mất ngủ cả đêm, chờ mãi đến sáng để chạy ngay xuống Vị Thanh bày tỏ nỗi lòng. “Thật sự được Bí thư Tỉnh ủy mời, lắng nghe tâm tình, tôi vui lắm !, ông Mười kể lại.
Tại buổi gặp với Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, ông Mười như tháo được rút mắc trong lòng 20 năm qua.
Bí thư Tỉnh ủy kể rằng, đã dành một đêm để xem toàn bộ hồ sơ vụ việc của ông Mười, đồng thời nhấn mạnh, việc giải quyết các kiến nghị của công dân trong mọi trường hợp đều phải theo hướng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp tốt nhất cho công dân.
Với trường hợp của ông Mười, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh hướng dẫn ông Mười gửi đơn đến Tòa án nhân dân thị xã Long Mỹ để xem xét và có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết theo quy định pháp luật. Lưu ý, người dân đã phải chịu nhiều thiệt thòi, chờ đợi rất lâu, nên cần giải quyết một cách xác đáng, thấu lý đạt tình.
Thấu cảm nỗi lòng, gia cảnh sau buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy quyết định tặng ông Mười kinh phí sửa nhà vì biết ông quá khó khăn sau nhiều năm đáo tụng đình.
“Trong hành trình dài đi tìm lại công lý của tôi, may mắn đã tìm được gặp đúng nơi, đúng người. Có lẽ, hành trình của tôi chưa dừng lại, nhưng nay tôi đã có thêm động lực lớn lao để tiếp tục”, ông Mười phấn khởi bày tỏ.
Thời gian qua, với vai trò là người đứng đầu cấp ủy, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nguyện vọng của dân.
Hàng tháng, Bí thư Tỉnh ủy sắp xếp lịch làm việc và chọn ngày 25 hàng tháng để tiếp công dân. Cách làm là trước khi tiếp dân, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Nội chính nghiên cứu kỹ hồ sơ, đối chiếu quy định của pháp luật, thực tế vụ việc, tìm hiểu thêm ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, từ đó buổi tiếp dân được sắp xếp “gọn” nhưng “tinh”; chỉ những đơn vị trực tiếp có liên quan, có trách nhiệm trong vụ việc tham gia tiếp, tạo sự gần gũi, thân tình, không gây áp lực đối với dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh (đứng) trực tiếp đến đối thoại với các hộ dân tại thị trấn Cái Tắc.
Bà con cứ ở đó, tôi xuống với bà con
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc gần dân, trọng dân, luôn lắng nghe và giải quyết kịp thời mọi ý kiến của Nhân dân.
Trong vòng 10 năm, tuy công việc bề bộn, Người vẫn thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, đơn vị bộ đội... Người đi khắp mọi nơi để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính trung bình mỗi tháng, Người đi thăm, kiểm tra cơ sở 5 lần.
Gần dân thì có nhiều cách, mà một trong những cách để gần dân chính là làm tốt việc tiếp dân. Cũng là tiếp dân, nắm tình hình, lắng nghe dân, nhưng trong nhiều trường hợp lãnh đạo tỉnh đã chọn cách: “Bà con cứ ở đó, tôi xuống với bà con, lắng nghe bà con”. Đến tận nơi lắng nghe người dân cũng là cách mà người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp của tỉnh đang áp dụng.
Như chuyện UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với hơn 20 hộ dân ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A có phản ánh, khiếu nại về các chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, giai đoạn 1.
Buổi đối thoại bắt đầu vào lúc 8 giờ, nhưng mới 7 giờ kém, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh và nhiều ban, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở cùng với đông đảo đại diện các hộ dân đã có mặt tại UBND thị trấn.
Lãnh đạo tỉnh muốn có một buổi gặp gỡ, trực tiếp ghi nhận và giải quyết các thắc mắc của bà con. Còn người dân thì sẵn sàng gác lại công việc mưu sinh để đến dự với mong muốn gặp gỡ, đối thoại cùng lãnh đạo cao nhất của UBND tỉnh để nói lên bức xúc, khó khăn, trở ngại trong cuộc sống; được tận tai, tận mắt thấy được tinh thần, trách nhiệm của họ đối với dân.
Không khí đối thoại ban đầu diễn ra khá căng thẳng, đại diện các hộ dân bức xúc cho rằng, khi thực hiện dự án vào năm 2002, Nhà nước thu hồi đất và chỉ hỗ trợ tiền san lấp mặt bằng theo diện đất mương lộ, trong khi theo người dân đây là phần đất ở, các hộ đã sinh sống lâu đời.
Dân cũng phản ánh một số trường hợp thiếu minh bạch trong bồi thường, vì cùng loại đất nhưng có người được bồi thường hỗ trợ nhiều, người lại ít, vậy là chưa thỏa đáng.
Lắng nghe từng ý kiến, tâm tình của đại diện hộ dân và các cơ quan tham mưu, chia sẻ trực tiếp tại buổi đối thoại, ông Đồng Văn Thanh thông tin, UBND tỉnh sẽ phân công tổ công tác chủ trì đến làm việc với bà con nhằm rà soát tính pháp lý đất đai của từng trường hợp cụ thể. Giao Thanh tra tỉnh tiếp nhận, xử lý ý kiến của người dân về tình trạng thiếu minh bạch trong bồi thường.
“Tỉnh sẽ bồi thường, hỗ trợ nếu đất của người dân thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ đúng quy định pháp luật. Với các trường hợp cấp sai, sẽ tiến hành thu hồi và xử lý các trường hợp cán bộ sai phạm”, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.
Câu kết vừa dứt, một tràng pháo tay dài của bà con vang lên thể hiện niềm vui khó tả…
Ông Nguyễn Văn Minh, ở thị trấn Cái Tắc, bày tỏ: “Việc Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đến gặp gỡ, đối thoại, bà con chúng tôi rất mừng. Bởi lâu nay, mong mỏi của chúng tôi là được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, thấu hiểu, tìm giải pháp hài hòa, để bảo vệ quyền, lợi ích của người dân”.
Những cuộc tiếp dân, đối thoại, gặp gỡ có kết quả đẹp như thế không phải là chuyện hiếm ở Hậu Giang.
Nhiều buổi đối thoại được tổ chức ngay tại điểm nóng, có sự tham gia đầy đủ đại diện các ban, ngành, địa phương và mọi công dân đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình, cho thấy quyền làm chủ của Nhân dân luôn được đảm bảo nghiêm túc ở tất cả các cuộc gặp gỡ, đối thoại.
Hộ dân tại thị trấn Cái Tắc nêu ý kiến, nguyện vọng với lãnh đạo UBND tại buổi đối thoại.
Theo UBND tỉnh, cùng với quá trình đầu tư, xây dựng các công trình, dự án tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà là công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến quyền lợi, nhiều hộ dân phải rời bỏ ruộng vườn, nhường đất cho dự án, điều này không thể tránh khỏi phát sinh khiếu nại, tố cáo, bức xúc trong dân. Chính vì thế mà ông Đồng Văn Thanh nhiều lần nhấn mạnh: “Việc tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tâm tình của dân là công việc thường xuyên của hệ thống chính trị nhằm giải quyết những bức xúc, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với dân”.
Do đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh, để làm tốt công tác tiếp công dân, người đứng đầu cấp ủy, UBND các cấp nên chủ động bố trí thời gian, sắp lịch tiếp công dân định kỳ và đột xuất, không chỉ tiếp công dân tại cơ quan, mà có thể bố trí ngay tại cơ sở, tại điểm nóng, tạo mọi điều kiện để công dân gặp gỡ người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác này đối với các địa phương.
Thực tiễn chứng minh, nơi nào người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước quan tâm tiếp dân, đối thoại, gặp gỡ, thấu hiểu lòng dân, giải quyết rốt ráo, dứt điểm khiếu nại, bức xúc của người dân ngay từ đầu thì nơi đó sẽ không xảy ra điểm nóng, đời sống người dân thêm ấm no.
ĐÌNH BẢO