Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các sở,ởisắcđầunăkết quả giải ấn độ ban, ngành và địa phương trong tỉnh nên ngay trong tháng đầu năm 2023, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc; qua đây tạo đà thuận lợi cho tỉnh tiếp tục có nhiều bứt phá mới trong năm nay.
Do tiêu dùng thiết yếu vào dịp tết có nhu cầu cao nên hàng hóa lương thực, thực phẩm trong tháng 1 tăng 13,65% so với tháng trước.
Những kết quả ấn tượng
Một trong những điểm nhấn quan trọng thể hiện sự quyết tâm của UBND tỉnh trong chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vào cuối năm nay là trong tháng vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành 1.396 văn bản về kế hoạch, quyết định, chương trình, chỉ thị,… liên quan đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng 229 văn bản so với cùng kỳ. Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trong tỉnh thực hiện các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Trung ương, nhất là công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Vụ lúa Đông xuân trên địa bàn tỉnh đang được kỳ vọng trúng mùa, bán được giá.
Ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thông tin: Đến cuối tháng 1 vừa qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 3.414/3.600 tỉ đồng, đạt 94,84% kế hoạch. Về nguồn vốn đầu tư công năm 2023 đã phân bổ được 4.952 tỉ đồng, giá trị giải ngân đến cuối tháng 1 là 723 tỉ đồng, đạt 14,6% kế hoạch. Hiện các chủ đầu tư đang tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 nên nguồn vốn năm 2023 chưa giải ngân nhiều. Theo kế hoạch thì năm 2023, tỉnh sẽ thành lập 10 tổ chỉ đạo về các dự án trên địa bàn, trong đó điểm mới năm nay là các tổ sẽ thực hiện chỉ đạo toàn diện chứ không phải chỉ đạo vài nội dung như trước, đồng thời UBND tỉnh cũng đề ra chi tiết các mốc thời gian phải đạt tiến độ công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công kéo dài năm 2022 và nguồn vốn phân bổ năm 2023. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đề nghị các chủ đầu tư hết sức quan tâm về các mốc thời gian theo quy định của tỉnh nhằm đảm bảo đạt tiến độ theo yêu cầu.
Cùng thể hiện sự quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, cho hay: Ngoài triển khai tốt các nhiệm vụ thường xuyên theo chức trách được giao thì đơn vị đang tập trung thực hiện các công việc liên quan đến Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến đường cao tốc. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang tập trung ra quân thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa cho người dân.
Về lĩnh vực nông nghiệp, trong tháng qua cũng đạt nhiều kết quả khởi sắc. Trong đó, diện tích xuống giống lúa Đông xuân 2022-2023 đạt hơn 75.500ha, vượt hơn 500ha so với kế hoạch. Hiện tại, nông dân đã thu hoạch hơn 200ha, năng suất bình quân đạt 7,25 tấn/ha. Đặc biệt, giá lúa đang ở mức cao khi dao động từ 6.600-7.100 đồng/kg, qua đây góp phần tạo sự phấn khởi cho bà con đã, đang và chuẩn bị cắt lúa. Ngoài ra, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước tính được 1.936ha, tăng 1,24% so với cùng kỳ, đạt 21,27% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh được đa dạng và phong phú. Đối với cây ăn trái, diện tích thu hoạch trong dịp tết là 3.091ha, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, ước có khoảng 7.650 sản phẩm trái cây tạo hình (vẽ chữ lên trái) để phục vụ chưng tết. Đối với rau màu có tổng số 2.433ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ, đồng thời nông dân đã xuống giống 840.701 chậu hoa, kiểng chưng tết các loại, tăng 59,1% so với cùng kỳ.
Cùng với ngành nông nghiệp thì giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện được 2.660 tỉ đồng, tăng 13,70% so với cùng kỳ; hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng diễn ra sôi động do trùng dịp Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa dồi dào, đa dạng về chủng loại và mẫu mã để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được 4.698 tỉ đồng, tăng 9,03% so với tháng trước, đạt 9,12% kế hoạch năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện được 84,96 triệu USD, tăng 2,05% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước được 984,26 tỉ đồng, đạt 8,88% dự toán HĐND tỉnh giao và tổng chi ngân sách địa phương được 810 tỉ đồng, đạt 8,17% dự toán HĐND tỉnh giao.
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, đánh giá: Các nhóm hàng hóa được dự tính có mức tăng trưởng cao so với tháng trước bao gồm: Hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,65%, đây là loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vào dịp tết có nhu cầu cao; hàng may mặc tăng 14,52%; đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 15,62%; xăng dầu tăng 11,21%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, nhiều sở, ngành và địa phương trong tỉnh cũng nêu lên không ít những vấn đề còn khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là tình hình thời tiết bất thường, xuất hiện mưa trái mùa nên phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến thị trường hoa, cây cảnh tết và trái cây phục vụ nhu cầu chưng tết. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu giảm so với tháng trước do tháng 1, số ngày doanh nghiệp hoạt động ít hơn so với tháng trước (nghỉ Tết Nguyên đán). Đồng thời bệnh sốt xuất huyết và tay - chân - miệng tuy có giảm so với tháng trước nhưng còn tăng cao so với cùng kỳ, trong đó hiện có 132 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết và có 44 ca mắc mới bệnh tay - chân - miệng.
Đề ra nhiều mục tiêu quan trọng
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại để tạo bước tiến trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp quan trọng trong thời gian tới. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Trong tháng 2 này, nông dân tại nhiều cánh đồng lúa Đông xuân trong tỉnh sẽ bước vào đợt thu hoạch rộ nên có khả năng thiếu máy cắt tại một số nơi. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương cần rà soát và sớm báo cáo tình hình để có sự hỗ trợ kịp thời. Mặt khác, sở cũng đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của đơn vị xây dựng giải pháp phát triển 30.000ha vùng lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính để tạo ra sản phẩm an toàn xuất khẩu sang châu Âu theo chỉ đạo chung của Bộ NN&PTNT; đồng thời tập trung phát triển thủy sản cá ruộng, cá ao và thủy cầm.
Giống như Sở NN&PTNT, ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, chia sẻ: Đơn vị đang quan tâm, hỗ trợ cung ứng lao động cho doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động sau dịp Tết Nguyên đán; đồng thời công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động cũng được đơn vị thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, đơn vị sẽ tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như chú trọng các hoạt động hưởng ứng tháng hành động “Vì an toàn vệ sinh lao động năm 2023”.
Cùng với sở, ngành tỉnh thì các địa phương trong tỉnh cũng đề ra những nhiệm vụ quan trọng. Đó là tập trung chỉ đạo, theo dõi tình hình sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch. Chú trọng công tác phòng ngừa dịch bệnh trên người và cây trồng, vật nuôi; đồng thời thường xuyên rà soát, kiểm tra và chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, sạt lở, phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó là thực hiện tốt công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước nhằm phục vụ kịp thời công tác điều hành kinh tế - xã hội, giải quyết chế độ an sinh, phúc lợi xã hội...
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC