Bài cuối: TIẾNG NÓI NGƯỜI TRONG CUỘC
Như đã phản ánh, công tác phát triển đảng viên là một trong những khó khăn lớn mà hầu hết các chi bộ cơ sở trong tỉnh đang gặp phải. Từ ngày 12-20/4/2018, Đoàn khảo sát 507 của Tỉnh uỷ Cà Mau đã có chuyến khảo sát thực tế công tác này tại một số huyện trong tỉnh. Kết quả khảo sát đã ghi nhận nguồn kết nạp đảng viên ở các địa phương hiện còn rất ít, thậm chí một số ấp đã cạn nguồn. Số lượng đảng viên được kết nạp hàng năm đều thấp hơn chỉ tiêu nghị quyết cấp uỷ đề ra.
Xem xét tiêu chuẩn và chỉ tiêu kết nạp đảng viên
Dù hết sức linh hoạt trong công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên nhưng xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn vẫn đang đối mặt với nguy cơ cạn nguồn phát triển Đảng. Bí thư Đảng uỷ xã Hàng Vịnh Lâm Anh Đức cho hay, mặc dù chỉ tiêu phát triển đảng viên mới hàng năm của xã đều đạt theo nghị quyết, nhưng thực tế chỉ có 3-4 trong tổng số 12 chi bộ hoàn thành chỉ tiêu này. Nguyên nhân là do phần đông người tham gia công tác ở ấp không đảm bảo về trình độ học vấn, còn người đủ trình độ thì không tham gia.
Bí thư Chi bộ Ấp 3, xã Hàng Vịnh Lữ Hồng Phúc thông tin thêm: “Ấp có một số đối tượng có thể phát triển Đảng, có tâm huyết cống hiến cho địa phương và cũng rất tha thiết được đứng vào hàng ngũ Đảng, nhưng đều lớn tuổi và hạn chế về trình độ văn hoá, không đáp ứng tiêu chuẩn quy định của đảng viên (trình độ văn hoá để kết nạp Đảng là phải có bằng tốt nghiệp THCS hoặc tương đương trở lên, theo quy định tại Điều 1, Khoản 2, Quy định số 45 ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng - PV). Với những cô chú này, việc vận động đi học bổ túc rất khó, phần vì lớn tuổi, phần vì phải lo kinh tế gia đình.
Cán bộ Ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh đến tận hộ dân điều tra các tiêu chí hộ nghèo. |
Chị Lữ Hồng Phúc cho biết: “Nhân chuyến khảo sát của Tỉnh uỷ vừa qua, tôi đã trình bày khó khăn này. Đồng thời, đề xuất tỉnh, Trung ương xem xét hạ quy định về trình độ học vấn đối với những đối tượng kết nạp Đảng có năm sinh từ 1950 trở lên, bởi đối với những đối tượng này ngày trước điều kiện học hành đâu phải dễ dàng, thuận lợi như bây giờ. Đề xuất này đã được Ban Tổ chức Tỉnh uỷ ghi nhận, hứa sẽ báo cáo Trung ương xem xét”.
Bí thư Đảng uỷ xã Hàng Vịnh Lâm Anh Đức còn đề xuất: “Cấp trên xem xét không nên giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới vì nếu giao chỉ tiêu mà không hoàn thành thì tổ chức Đảng không hoàn thành nhiệm vụ; Nếu cấp dưới cố gắng để đạt chỉ tiêu thì đôi khi chất lượng không đảm bảo theo quy định”.
Cũng từ kết quả khảo sát công tác phát triển Đảng ở cơ sở, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ ghi nhận khó khăn trong công tác quản lý đảng viên đi làm ăn xa, thường xuyên bỏ sinh hoạt chi bộ, ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp loại đảng viên cuối năm. Vấn đề này, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét giao Ban tổ chức Tỉnh uỷ tham mưu xây dựng quy chế quản lý, nhận xét đối với số đảng viên đi làm ăn xa địa phương cư trú, xa chi bộ sinh hoạt Đảng. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét chỉ đạo UBND tỉnh nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả nhằm thu hút lao động làm việc tại địa phương, trong đó có một bộ phận đảng viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.
Nói về việc quản lý đảng viên đi làm ăn xa, thường xuyên xin miễn sinh hoạt Đảng, chị Lữ Hồng Phúc trăn trở: “Ấp 3 có 2 trường hợp như vậy, cứ 6 tháng 2 đảng viên này lại làm đơn xin miễn sinh hoạt 1 lần, theo quy định thì chi bộ phải giải quyết. Nhưng tình trạng này kéo dài e rằng ảnh hưởng đến việc quản lý và đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm”.
Bí thư Chi bộ ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước vừa nhiệt tình công tác địa phương, vừa tích cực phát triển kinh tế gia đình. |
Phó Ban Tổ chức Huyện uỷ Đầm Dơi Phan Minh Khoẻ cho rằng, do quy định làm ăn xa được miễn sinh hoạt Đảng 11 tháng, hết hạn họ lại xin miễn tiếp. Không quy định miễn bao nhiêu lần, không khéo sau này tới tuổi họ vẫn được nhận huy hiệu Đảng thì thiếu công bằng với các đảng viên khác.
Muốn xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh nhất thiết phải phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ kế thừa và quản lý tốt đảng viên nơi cư trú. Chính vì vậy, công tác tạo nguồn kết nạp Đảng cần phải được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện bằng việc xây dựng những mô hình hiệu quả tập hợp thu hút đoàn viên, hội viên tham gia, gắn kết với sinh hoạt tại địa bàn cư trú, tạo nguồn cảm tình Đảng, giới thiệu cho tổ chức Đảng chăm bồi, kết nạp.
Bí thư Huyện uỷ U Minh Trương Đăng Khoa cho biết: “Cũng như các địa phương khác, U Minh đang đối mặt với khó khăn trong công tác phát triển đảng viên và nguồn lực kế thừa ở các ấp. Tỉnh uỷ đã có chỉ thị về tạo nguồn phát triển đảng viên, nhưng xem ra việc này rất khó khi nguồn kinh phí hoạt động và chế độ thù lao còn quá thấp”.
Cần chế độ đãi ngộ tương xứng
Trước khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã đến nhiều địa bàn cơ sở từ khóm, ấp vùng ven TP Cà Mau đến các xã, ấp vùng sâu, ven biển, ven rừng của tỉnh. Và một thực tế mà chúng tôi ghi nhận được là đội ngũ cán bộ ấp, đặc biệt là bí thư chi bộ đa phần đều lớn tuổi, thậm chí có người đã xấp xỉ tuổi thất thập. Điều đáng quý đây là những cán bộ, đảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm với công tác địa phương, làm việc với tinh thần cống hiến chứ không làm vì chế độ sinh hoạt phí quá thấp, không đủ để đổ xăng xe đi vận động, tuyên truyền. Người có kinh tế ổn định thì phụ tiền nhà vào, người còn khó khăn cũng cố gắng khắc phục để hoạt động tốt. “Làm việc Nhà nước, lãnh lương… vợ” là câu nói vui có phần hơi chua xót của hầu hết cán bộ ấp. Đã vậy, chế độ bảo hiểm y tế phải trích thù lao để mua, bảo hiểm xã hội thì không có. Kinh phí hoạt động được giao khoán cho 1 ấp, khóm chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, không đủ cho tất cả các hoạt động, phong trào của ấp.
Chính vì vậy, mong muốn cải thiện kinh phí hoạt động và chế độ sinh hoạt phí là một đòi hỏi hoàn toàn chính đáng của đội ngũ đang làm nhiệm vụ ở cơ sở. Đây sẽ là động lực để những cánh tay nối dài của Đảng ngày càng vững vàng đưa mọi chủ trương, đường lối của Đảng đến với mọi tầng lớp Nhân dân./.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cà Mau Trần Ngọc Diệp: Tỉnh đang chờ chủ trương từ Trung ương Đối với cán bộ không chuyên trách, Cà Mau là một trong những tỉnh quan tâm rất lớn. Nghị định 92 (ngày 22/10/2009) và Nghị định 29 (ngày 8/4/2013) của Chính phủ, quy định số cán bộ không chuyên trách ấp, khóm tối đa 3 người, nhưng do tình hình thực tế, Nghị quyết 03/2013/NQ-HĐND ngày 10/7/2013 của HĐND tỉnh quy định hiện nay mỗi ấp có tới 10 người (đối với ấp trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự thì thêm 1 công an viên). Nghị định 29 cũng giao cho HĐND việc khoán quỹ phụ cấp cho cấp xã, không quá 1 hệ số lương tối thiểu/người, bao gồm 3% BHYT chi trả hàng tháng. Toàn tỉnh Cà Mau có 949 ấp, khóm. Hiện tại, tổng mức chi trả của tỉnh cho cán bộ không chuyên trách mỗi ấp, khóm là 6,4 hệ số lương tối thiểu/tháng (bí thư chi bộ và trưởng ấp là 0,8 hệ số lương tối thiểu/người, 8 chức danh còn lại 0,6/người). Trong đó, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 2/3 (theo quy định ấp có 3 chức danh, tức 2 hệ số lương tối thiểu). Phần còn lại 4,4 hệ số, ngân sách tỉnh phải chi trả. Thêm nữa, kinh phí hoạt động 2,5 triệu đồng/ấp, khóm/tháng cũng do ngân sách tỉnh tự cân đối. Trước năm 2013, nguồn kinh phí này là 1 triệu đồng/tháng, năm 2013 tăng lên 2,5 triệu (do năm đó thu ngân sách tăng nên HĐND tỉnh đã quyết định tăng thêm). Như vậy, hiện nay, với tổng số 949 ấp trong toàn tỉnh, lực lượng cán bộ không chuyên trách gần 2.000 người, mỗi năm nguồn ngân sách tỉnh phải chi khoảng 150 tỷ đồng (cao hơn mức chi cho cán bộ, công chức của tỉnh và huyện cộng lại). Con số này cho thấy gánh nặng ngân sách và sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách ấp, khóm. Qua nhiều đợt khảo sát hoạt động ấp, khóm cũng như tiếp xúc cử tri tại địa bàn dân cư, tỉnh cũng đã nhìn thấy và ghi nhận những khó khăn trong công tác ấp, khóm, trong đó mức hỗ trợ sinh hoạt phí dưới 1,0/người vẫn còn thấp. Tuy nhiên, hiện tại, HĐND tỉnh đã làm hết sức mình, vận dụng đúng những quy định của Trung ương, của tỉnh và với tình hình tài chính hiện tại, khó có thể khác hơn. So với nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Cà Mau là tỉnh có số cán bộ không chuyên trách ấp, khóm đông nhất (bình quân khu vực ĐBSCL là 5,9 người), kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của ấp, khóm 2,5 triệu đồng/tháng là khá cao. Theo quy định của Hiến pháp, nước ta có 4 cấp chính quyền gồm Trung ương, tỉnh, huyện và xã là chính quyền cơ sở (ấp không phải là một cấp chính quyền, không còn dấu, mộc). Theo đánh giá, chính quyền cơ sở cấp xã chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình, chưa sát dân, nhiều công việc lẽ ra của xã còn dồn về ấp. Chính vì thế, hiện tại ấp có quá nhiều chức danh mà chưa thể cắt giảm được. Tỉnh đang chờ chủ trương của Bộ Nội vụ sẽ rút gọn bộ máy của ấp theo đúng tinh thần Nghị định 92 và 29 của Chính phủ, nhưng sẽ cố gắng đảm bảo kinh phí cho ấp như hiện tại, không cắt giảm để cải thiện chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ không chuyên trách ấp, khóm; Đồng thời đưa hoạt động của xã, ấp, khóm đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn. |
Trang Anh - Thuỳ Trâm
Bài 1: LINH HOẠT, SÁNG TẠO NÂNG CHẤT HOẠT ĐỘNG
Bài 2: NAN GIẢI NGUỒN CÁN BỘ ẤP