Trạm cấp nước tập trung Tiểu khu 42,p nbóng đá ngày hôm qua thôn 10, xã Đắk Ơ nâng cấp năm 2020 nhưng hoạt động thời gian ngắn thì ngưng
Công trình cấp nước tập trung Tiểu khu 42 được xây dựng năm 2015, sau đó được đầu tư cải tạo, nâng cấp, gồm hệ thống trạm bơm, xử lý nước sạch và bơm lên đài cấp nước cho các hộ dân. Công trình hiện còn khá mới nhưng tại hệ thống trạm bơm, xử lý nước lại “cửa đóng then cài”, cỏ mọc um tùm, không còn hoạt động. Đại diện Ban quản lý thôn 10 cho biết, do các hộ dân nơi đây hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định, cùng với đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại và cho rằng việc cấp đất, cấp nhà, cấp nước sinh hoạt là của Nhà nước nên không đóng tiền điện. Vì thế, sau thời gian hoạt động không có tiền chi trả nên ngành điện buộc phải cắt.
Người dân Tiểu khu 42 sử dụng nước sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn
Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Nguyễn Minh Hóa cho biết: Những hộ dân ở Tiểu khu 42 trước đây thuộc các xã trên địa bàn huyện, đa phần là hộ nghèo, không có đất ở, nhà ở nên huyện xin chủ trương tỉnh lập quy hoạch Dự án 33 để đưa các hộ dân này về sinh sống. Ở khu vực này nhiều người nghèo, cận nghèo, việc làm ít nên việc đi làm thuê gặp khó khăn, vì thế, một số hộ dân đã chuyển về nơi ở cũ. Bên cạnh đó, những hộ trụ lại đi làm thuê, thu nhập bấp bênh nên việc đóng tiền điện rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, xã đã vận động các nguồn lực để san sẻ một phần cho người dân nhưng không nhiều.
Theo ông Hóa, khó khăn về việc thu tiền điện không là vấn đề lớn và có thể tìm mọi giải pháp để khắc phục, tuy nhiên vấn đề nan giải, nguyên nhân sâu xa khiến trạm cấp nước tập trung này phải đóng cửa là do nguồn nước không đảm bảo. “Lúc mới xây dựng trạm cấp nước tập trung thì hồ thủy lợi tại Tiểu khu 42 đảm bảo nguồn nước để cấp, tuy nhiên lâu dần bị bồi lắng, trong khi đó, mạch nước ngầm ngày càng khô kiệt. Cụ thể, mùa khô năm 2023-2024 vừa qua, hồ thủy lợi bị trơ đáy, không thể lấy nước lên để xử lý cấp cho dân” - ông Nguyễn Minh Hóa cho hay.
Theo ông Hóa, trạm cấp nước tập trung muốn hoạt động trở lại thì cần nạo vét lượng bùn đất bồi lắng hồ thủy lợi, cùng với đó là mở rộng hồ hướng thượng nguồn và tích trên đó thêm một hồ nữa. Và khi xây dựng, làm mới hồ ở thượng nguồn sẽ tính đến phương án lấy nước tại đây để xử lý phục vụ người dân, vì nguồn nước hồ hiện hữu không đảm bảo chất lượng. Đó là về lâu dài, còn hiện tại UBND xã đang có phương án dự phòng là bơm lấy nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho người dân, nhưng tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm trong mùa khô này.
Nguyên nhân, giải pháp đã được lãnh đạo địa phương tìm hiểu, phân tích, tính toán kỹ, tuy nhiên để thực hiện được là bài toán khó, vì tốn kém rất nhiều công sức, chi phí. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp sớm đưa trạm cấp nước hoạt động trở lại phục vụ lâu dài cho người dân.