Tuyệt chiêu bán bánh hết đát
Tại các chợ đầu mối Bình Tây,ệtchiêubánbánhkẹongoạihếtđác1 dem nay An Đông… các sạp đã trưng bày các sản phẩm bánh kẹo tết với nhiều thương hiệu, mẫu mã đa dạng. Ngoài các thương hiệu bánh quen thuộc, người bán còn giới thiệu các loại bánh nhập 100% từ Thái Lan, Malaysia... với giá từ 75.000 đến 110.000 đồng/hộp
Trong vai một khách hàng, chúng tôi chọn một hộp bánh ngoại 450 g. Trên hộp bánh có in đa ngôn ngữ như tiếng Thái Lan, tiếng Anh, tiếng Hoa và bên hông hộp dán nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng giá bán chỉ 78.000 đồng/hộp. Khi nghe thắc mắc vì sao bánh ngoại mà giá lại mềm như vậy, một nhân viên trong ngành bánh kẹo tiết lộ hạn sử dụng của mấy hộp bánh này thường là đến tháng 3, tháng 4 năm 2014. Như vậy chỉ còn vài tháng nữa là hết đát nên giảm giá mạnh để bán được hàng.
Bánh kẹo không rõ nhãn mác bày bán ngoài chợ
Ghé một sạp khác, tình trạng bánh ngoại với giá bèo vẫn phổ biến. Chỉ tay vào các hộp bánh bên ngoài cũng có ghi tiếng Anh, tiếng Hoa và một vài thứ tiếng khác, anh H., chủ sạp cho hay đây là bánh được công ty Việt Nam nhập nguyên hộp từ Malaysia về. Tuy nhiên, hạn sử dụng được in dưới đáy hộp cũng chỉ còn khoảng 12 tháng. Những người kinh doanh trong ngành cho biết có một số loại bánh ngoại cao cấp chỉ còn 6-12 tháng sử dụng được đưa về Việt Nam để thay đổi bao bì, bán với giá rẻ hơn 20%- 40% giá sản phẩm mới.
Trong vai người muốn mua bánh xá (bánh ngọt dạng cân ký) về để bán, một chủ sạp tại chợ Bình Tây hỏi ngay: “Em muốn mua bánh đã đóng gói hay mua theo ký?”. Ở đây có nhiều loại, từ vài chục cho hàng thường đến 60.000-70.000 đồng/kg đối với bánh cao cấp. Bánh ở đây được nhiều mối lái chuyển về các tỉnh để bán lẻ. Để trấn an bạn hàng, chủ sạp này tiết lộ mánh: “Đã là hàng xá thì muốn cho vào hộp thiếc, hộp giấy, mang thương hiệu nào mà không được. Chủ yếu là nhu cầu người mua”. Cho nên nếu người tiêu dùng không rành sẽ nghĩ đấy là hàng ngoại chất lượng cao dẫn đến bị mua lầm.
Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình
Bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần Bibica, cho biết có rất nhiều đơn vị trong nước mua bánh xá từ Malaysia không rõ chất lượng, nguồn gốc, đem về Việt Nam đóng gói, bán giá rẻ. Người tiêu dùng chỉ biết đó là bánh ngoại nhưng không có cơ sở nào để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điểm bất lợi cho việc cạnh tranh cùng ngành hàng tết của các doanh nghiệp nói chung.
Đại diện một doanh nghiệp bánh kẹo khác than phiền thị trường có một số các dòng bánh cao cấp công bố là nhập khẩu từ châu Âu. Tuy nhiên, thực chất được sản xuất tại châu Á và đóng gói ở Việt Nam. Có trường hợp những cơ sở kinh doanh nhỏ gom các loại bánh xá, đồng thời thu mua bao bì của các loại bánh có thương hiệu, các dòng bánh ngoại nhập để làm hàng nhái bán ra thị trường. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất bánh tết quy mô nhỏ do không dự đoán được thị trường hàng tết năm trước nên sản xuất thừa. Thay vì tiêu hủy, nhiều cơ sở cạo đi hạn sử dụng cũ, thêm “tuổi thọ” cho sản phẩm, bán ra thị trường chấp nhận mức giá rẻ hơn. Việc cạnh tranh thiếu lành mạnh này khiến doanh nghiệp cùng ngành khác gặp khó.
Trước sự việc trên, các doanh nghiệp cũng đưa ra một số giải pháp chống hàng kém chất lượng. Bà Thảo, Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần Bibica, dự báo năm nay sức mua thị trường không tăng cao, khả năng chỉ tăng khoảng từ 5% đến 10% sản lượng. Vì thế tuy “bánh ngoại đểu” xuất hiện ngày càng nhiều nhưng doanh nghiệp quyết tâm giành thế cân bằng bằng cách cạnh tranh bằng mẫu mã, giá bán. Còn theo ông Lưu Huỳnh, Trưởng phòng Marketing Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên, nhận định những sản phẩm hàng xá đội lốt hàng ngoại chiếm thị phần nhỏ, phần lớn được tiêu thụ ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay cũng rất thông minh, có đủ thông tin về sản phẩm chính hãng nên nếu hàng nhập khẩu mà họ cảm thấy không tin tưởng thì sẽ không mua.
Theo PLTP