Nhìn lại năm 2015 vừa mới qua đi,ịchASEANkhởisắlich bong y ngành du lịch của các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều có bước khởi sắc, báo hiệu tương lai phát triển đầy triển vọng của ngành “công nghiệp không khói” này khi Cộng đồng ASEAN vừa mới hình thành.
Khách du lịch thăm một ngôi đền ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Nguồn: THX/TTXVN
Năm 2015, các cuộc xung đột, khủng bố tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nổi lên nhất là cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong các thành viên ASEAN, cũng có một số quốc gia tình hình an ninh có lúc chưa ổn định, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ngành du lịch của một số nước ASEAN vẫn có những bước khởi sắc, góp phần phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, đa dạng, thiên nhiên tươi đẹp và người dân hiền hòa, mến khách, Malaysia đã thực hiện một chiến lược du lịch trong những năm gần đây và đã trở thành một quốc gia lý tưởng để tham quan trong khu vực và trên thế giới. Lễ hội là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của nền văn hóa Malaysia. Nước này đã lấy năm 2015 là Năm của các lễ hội nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm lôi cuốn cùng các lễ hội đa dạng mang đậm màu sắc đa văn hóa của quốc gia này. Trong nửa đầu năm 2015, Malaysia đã đón khoảng 12 triệu lượt du khách. Tuy những tháng cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng của ngành “công nghiệp không khói” bị giảm sút hơn, nhưng Malaysia vẫn được nhiều hãng xếp hạng du lịch uy tín đánh giá là một trong những điểm đến được yêu thích hàng đầu ở khu vực.
Lào là một quốc gia có dân số gần 7 triệu người, nhưng Lào có ngành du lịch được xếp là một trong 11 lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở đất nước “Triệu Voi” này. Trong những năm gần đây, ngành du lịch ở Lào là ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất. Lượng du khách đến Lào tăng liên tục trung bình khoảng 18% trong giai đoạn 1994-2014. Trong năm 2015 vừa qua, Lào đón khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế, mang lại doanh thu khoảng 640 triệu USD.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi những bất ổn chính trị năm 2014 và vụ đánh bom ở thủ đô Bangkok hồi tháng 8 vừa qua, nhưng ngành du lịch Thái Lan đã nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng. Trong năm nay, Thái Lan đón khoảng trên 30 triệu lượt du khách, cao hơn so với năm ngoái và doanh thu ước đạt khoảng 62 tỉ USD. Hàng năm, ngành du lịch đã đóng góp khoảng 10% GDP của quốc gia này.
Campuchia tiếp tục nổi lên là điểm đến hấp dẫn du khách, với tăng trưởng du lịch bình quân hàng năm khoảng 13,5%. Dân số khoảng 15,4 triệu người, nhưng năm 2014 đã đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế và trong năm vừa qua đã đón khoảng 5 triệu lượt du khách và dự đoán quốc gia này sẽ đón khoảng 7,5 triệu lượt khách vào năm 2020. Ngành du lịch Campuchia đã tạo ra hơn 500.000 công việc trực tiếp, chiếm 16% GDP vào năm 2013, đóng góp 3 tỉ USD vào nền kinh tế trong năm 2014 và kỳ vọng có thể đạt 5 tỉ USD vào năm 2020.
Philippines là quốc gia có tiềm năm lớn về phát triển du lịch. Trong những năm gần đây, nước này đã thực hiện một chiến lược đột phá tạo ra sức bật cho ngành du lịch. Lượng du khách đến Philippines liên tục gia tăng trong những năm qua. Năm 2013, nước này đạt 4,6 triệu lượt khách, tăng 9,56% so với năm 2012, mang lại nguồn thu 4,4 tỉ USD và năm 2014 đạt 4,83 triệu lượt người, doanh thu hơn 4,8 tỉ USD. Với đà tăng trưởng này, năm qua nước này đón khoảng 5 triệu lượt du khách và đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt du khách vào năm 2020. Dự kiến, từ ngày 18 đến 22-1-2016, Philippines sẽ tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN lần thứ 35 nhằm thúc đẩy khu vực Đông Nam Á trở thành điểm đến du lịch trên toàn cầu. Trong thời gian diễn ra Diễn đàn Du lịch ASEAN, Bộ Du lịch Philippines sẽ giới thiệu bốn trung tâm du lịch lớn của nước này gồm Palawan, Cebu, Davao và Bohol.
Trong năm 2014, khu vực ASEAN đã đón được 97,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 3% so với năm 2013, trong đó có 28,5 triệu lượt khách nội khối. Năm 2015, số lượng khách quốc tế đến ASEAN sẽ tiếp tục tăng, góp phần giúp các nước ASEAN phát triển kinh tế, xã hội.
Du lịch phát triển không chỉ góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế của mỗi nước, mà còn thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc các nước, giúp bảo tồn, phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hội trong Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh chiến lược phát triển du lịch riêng của mỗi quốc gia, các nước ASEAN đang hoàn tất chiến lược phát triển du lịch trong giai đoạn 2016-2025, nhằm đưa ASEAN trở thành điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới trong thập kỷ tới.
TRUNG HƯNG tổng hợp