Sau lễ đón,ủtướngNguyễnXuânPhúcvàThủtướngBỉthamdựhọpbálich bd duc hai bên đã tiến hành hội đàm. Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã cùng gặp gỡ báo chí thông báo một số kết quả của cuộc hội đàm.
Thông tin với báo chí, hai Thủ tướng nhấn mạnh cuộc hội đàm thành công tốt đẹp và hai bên đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết hai Thủ tướng nhất trí cho rằng đây là thời điểm quan trọng để thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ, doanh nghiệp hai nước.
Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ, đặc biệt là thương mại và đầu tư lẫn nhau.
Thủ tướng Charles Michel thông tin thêm hai bên đã cùng thảo luận về hợp tác trên lĩnh vực hàn lâm, đào tạo giáo dục và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực này.
Hai bên cũng đã thảo luận về khuôn khổ thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU). Bỉ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Về hợp tác đa phương, trên cương vị Chủ tịch Nghị viện châu Âu năm 2019 sắp tới, Bỉ cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021.
Hai nước sẽ cùng nhau hỗ trợ để thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Biển Đông; cùng lên tiếng phản đối các hành động đơn phương, vi phạm hòa bình, luật pháp quốc tế.
Trên tinh thần hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, Thủ tướng Charles Michel chia sẻ Bỉ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp Việt Nam thúc đẩy một nền nông nghiệp sạch với quy trình về an toàn thực phẩm.
Về phần mình, thông tin đến báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chuyến thăm Vương quốc Bỉ lần này của Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt vì diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tại hội đàm hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao thông vận tải; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ hai bên nhấn mạnh đến vấn đề phát triển đại học để trao đổi những kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam; khẳng định rằng hợp tác toàn diện, hiệu quả là mục tiêu rất quan trọng trong quan hệ hai nước.
Cùng với đó là hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm và dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi.
Theo Thủ tướng, đã có nhiều dự án đầu tư của Bỉ tại Việt Nam thành công và Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của Bỉ kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại hội đàm, Bỉ cũng thống nhất sẽ hỗ trợ cho Việt Nam để thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, qua đó tạo điều kiện phát triển thương mại đầu tư giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo đã mời Thủ tướng Charles Michel thăm Việt Nam và Thủ tướng Bỉ đã vui vẻ nhận lời; thể hiện tình hữu nghị và mối quan hệ tốt đẹp giữa Bỉ và Việt Nam.
Cả hai Thủ tướng đều cho biết, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến các cơ quan, doanh nghiệp hai nước ký kết một số văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm, cảng biển và một số lĩnh vực khác bao gồm: Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ về lĩnh vực nông nghiệp; Bản ghi nhớ hợp tác nâng cao năng lực vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan Liên bang về an toàn thực phẩm Bỉ (FASFC); Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế tham vấn chính trị song phương giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Bỉ.
Hai Thủ tướng cũng đã chứng kiến các doanh nghiệp hai nước ký kết hai văn kiện hợp tác bao gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu cảng hàng rời thông minh tại Hải Phòng giữa Công ty Hateco (một doanh nghiệp phát triển và vận hành trung tâm logistics thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam) và Tập đoàn Rent-A-Port của Bỉ và Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu đầu tư, phát triển cảng biển giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Rent-A-Port.