“Cách ly” tại nhà
Đó là cách nói đùa của nhiều phụ huynh đi làm mà phải để con ở nhà. “Ông bà nội,bảng xếp hạng vô địch quốc gia phần lan ngoại không ở gần nên vợ chồng tôi phải khóa cửa “nhốt” con để đi làm. Tuy rất lo điện đóm hay con nghịch ngợm không có người giám sát nhưng đành chịu vì không còn cách nào khác” - chị Lê Thị Lý làm văn phòng tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, nhà ở khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng (Đồng Xoài) in bài tập từ mạng cho các con ôn tập dịp nghỉ vì dịch Covid-19
Chị Nguyễn Thị Hà là giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài. Dịp này được ở nhà với con nhưng chị vẫn tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ việc làm sạch tổ yến cho nhà hàng xóm. Đồng thời chị in bài tập trên mạng giao con làm. Thỉnh thoảng chị chạy về kiểm tra. Chị giao con lớn đang học lớp 6 kèm em trai học lớp 2 làm toán, viết chữ và tập làm văn là cách vừa giúp con không quên kiến thức vừa để con giám sát lẫn nhau. Chị Hà chia sẻ: “Giao bài cho con học để bớt thời gian xem tivi, điện thoại chứ cũng không áp đặt quá nhiều để con không cảm thấy chán nản, mệt mỏi”.
Thời điểm này chị Trần Thị Chánh (khu phố 5, phường Tiến Thành) ở nhà làm nội trợ nên có thời gian quản lý con chặt chẽ. Tuy nhiên với chị, cái khó là không thể cứ bắt con học hoài nhưng để con xem tivi, điện thoại hay tìm cách cho con vui chơi, giải trí đều khó, vì không biết cách nào để con cảm thấy hứng thú lâu dài...
Anh Phạm Minh Hoàng công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh thì luôn tranh thủ thời gian nghỉ sau trực để chơi với con. Mỗi buổi sáng và chiều, anh cùng đạp xe, thả diều, tập thể dục với con. Nhờ đó mà con ít tiếp xúc với máy vi tính, điện thoại mà tình cảm cha con lại càng gắn bó khăng khít và hiểu nhau hơn.
Nỗi lo Covid-19
Thời gian con nghỉ học, có lẽ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là lo lắng nhiều hơn cả. Đa số từ tỉnh xa tới lập nghiệp, ở trọ, rất ít công nhân được ở cùng ông bà nội, ngoại để có người trông con. Nhiều vợ chồng công nhân không biết gửi con cho ai nên đành thay nhau nghỉ trông con, thậm chí luân phiên để trông luôn con hàng xóm.
Ai cũng phải tìm giải pháp gửi con phù hợp công việc nhưng do dịch bệnh nên cơ sở công lập đóng cửa, phụ huynh cũng không dám đưa con đến cơ sở tư thục. Vậy là đành “nhốt” con trong nhà để đi làm. Tuy nhiên, không thể an tâm khi con quá hiếu động hoặc ham xem các chương trình qua các thiết bị điện tử... “Công nhân đi làm phải đúng giờ, chăm con cũng không được bỏ bê nên vợ chồng em cảm thấy rất đuối. Nếu dịch kéo dài... kéo theo lịch nghỉ học của con thì người lao động không biết xoay xở ra sao. Nỗi lo trông con còn hơn nỗi lo dịch...” - chị Lê Thị Hằng, công nhân Công ty TNHH Auntex, Khu công nghiệp Đồng Xoài I bộc bạch.
Vợ chồng chị Nhữ Thị Minh từ Nghệ An vào Bình Phước làm công nhân tại Công ty TNHH Grand Gain, Khu công nghiệp Đồng Xoài II đã hơn 4 năm. 2 con đang học tiểu học, vợ chồng chị lo lắng: “Nhận thông báo con nghỉ học đến hết tháng 2, vợ chồng tôi mừng vì con được an toàn nhưng lo làm sao trông con? Ăn ngủ đã đành nhưng công nhân đi làm cả ngày, làm sao giám sát được hoạt động của con. Nếu suốt cả tháng con “dán” mắt vào tivi khéo lại cận thị?”.
Anh Nguyễn Văn Lành, chồng chị Minh chia sẻ thêm: May sao thời gian này người hàng xóm cùng dãy trọ có bà ngoại lên trông con nhỏ, vợ chồng tôi gửi chung luôn, phụ bà ít tiền để yên tâm đi làm. Thức ăn thì nhờ bà mua ngoài quán cơm cho tiện”.
Nhà trường đã kết nối chặt chẽ với phụ huynh để giúp học sinh học tập. Học sinh bậc trung học trở lên thì giao con học trực tuyến, tối về phụ huynh kiểm tra. Tuy nhiên với trẻ tiểu học, mẫu giáo, để quản được con đã rất trần ai nói gì đến cùng học. Tuy giáo viên chủ nhiệm của nhiều trường đã lập zalo nhóm cho phụ huynh để gửi các thông tin bài tập cho học sinh. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để in bài, giám sát việc học của con. Còn với phụ huynh quá bận với công việc cơ quan, công ty... đã giao luôn máy tính, điện thoại cho con, chưa biết hiệu quả học tập thế nào nhưng luôn thường trực nỗi lo con “nghiện” game hay vào các trang web không phù hợp lứa tuổi trẻ em...
1.001 chuyện rắc rối xung quanh Covid-19 nhưng lại không thể tìm được giải pháp khả thi. Có lẽ tất cả mọi người lúc này chung tâm trạng là mong dịch bệnh sớm qua đi, mọi sinh hoạt lại bình thường trở lại.