CẦN CÓ CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH
BPO - Từ đầu năm 2020 đến nay,ckết quả siêu cúp tây ban nha Bình Phước dừng cấp phép khai thác cát trên sông Đồng Nai để lập lại trật tự khai thác nguồn tài nguyên có hạn này. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tiếp diễn, gây bức xúc trong nhân dân. Được biết, UBND tỉnh đã có quyết định giao quyền quản lý, khai thác cát trên sông Đồng Nai cho Binh đoàn 16, Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước quản lý khai thác 9km và Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Trường Phát 5km nhằm tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến nay các đơn vị này vẫn chưa được tiếp cận quản lý và khai thác cát.
Không để doanh nghiệp tư nhân hoành hành
Trước đây, hầu hết việc khai thác cát trên sông Đồng Nai do các công ty tư nhân thực hiện và việc phân định địa giới, quản lý khai thác chưa thực sự chặt chẽ. Do đó, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra. Điều này đã gây thất thoát tài nguyên cát, làm sạt lở nhiều diện tích đất và cây trồng của nhân dân. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu phương án quản lý nguồn tài nguyên cát trên sông Đồng Nai. Tại Văn bản số 103/BC-STNMT ngày 23-6-2021, Sở TN&MT đã có báo cáo tình hình thỏa thuận và cấp phép thăm dò, khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng.
Để thực hiện đúng quy định của Luật Khoáng sản, hai tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng đã thống nhất việc quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác cát trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh. Tại đoạn sông giáp ranh, mỗi tỉnh được cấp tối đa 2 giấy phép, mỗi giấy phép có thời hạn không quá 5 năm, tối đa 2 phương tiện, công suất không quá 10.000m3/năm. Vị trí khai thác phải được định vị và thả phao theo quy định; phương tiện khai thác phải được gắn thiết bị định vị, camera hành trình; phương tiện khai thác được đăng kiểm, người lái phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định; thời gian khai thác bắt đầu từ 6 giờ đến 18 giờ. Tuyệt tối không được khai thác vào ban đêm. Đối với bãi tập kết cát, phải được gắn camera, trạm cân, công khai các thông tin, tổ chức, cá nhân để thuận tiện cho chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát. Trong trường hợp để xảy ra sạt lở bờ sông phải khắc phục bồi thường thiệt hại cho người dân.
Dọc hai bên bờ sông Đồng Nai đoạn từ xã Thống Nhất đến xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng bị sạt lở nghiêm trọng, vết tích còn mới
Về phân chia khu vực để quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác sẽ được phân chia thành 5 đoạn với tổng chiều dài 45,5km. Trong đó, Bình Phước sẽ được giao quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác đoạn 1 và đoạn 4 dài 19km. Cụ thể, đoạn 1 thuộc khu vực xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng có chiều dài 5km, UBND tỉnh Bình Phước được giao quản lý, cấp phép khai thác nửa sông thuộc địa phận của tỉnh và đã giao Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước hoàn thiện hồ sơ thủ tục để được cấp phép khai thác. Đoạn 4, thuộc khu vực xã Thống Nhất và xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng có chiều dài 14km được cấp 3 giấy phép thăm dò và đã phê duyệt trữ lượng. Trong đó, khu vực 1 và khu vực 2 dài 9km, UBND tỉnh đã cấp 2 giấy phép thăm dò cho Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước và 1 giấy phép cho Công ty TNHH MTV 16 thuộc Binh đoàn 16; khu vực 3 có chiều dài 5km, UBND tỉnh giao Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Trường Phát thăm dò, khai thác từ năm 2009 và đã hết hạn vào ngày 31-12-2018. Do hai tỉnh chưa thống nhất thỏa thuận nên công ty hiện chưa được gia hạn để tiếp tục khai thác.
Đối với đoạn số 2, chiều dài 8,4km thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng và xã Đồng Nai Thượng thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước đã xin chủ trương thăm dò, khai thác khoáng sản cát xây dựng. Tuy nhiên, hai tỉnh cũng chưa thống nhất được thỏa thuận.
Cần cơ chế quản lý hữu hiệu, chế tài đủ mạnh
Thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định, quy chế phối hợp, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Song song đó, hằng năm UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cụ thể, chi tiết với sự tham gia liên ngành để kịp thời xử lý tình hình khai thác khoáng sản bất hợp pháp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TN&MT khó khăn hiện nay là một số đơn vị chưa lập thiết kế mỏ, chưa bổ nhiệm hoặc đã bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ nhưng chưa phù hợp, chưa lập báo cáo định kỳ về hoạt động khai khoáng hoặc báo cáo chậm… Trong khi đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng vùng sâu, xa, công tác quản lý của chính quyền địa phương còn yếu và thiếu kiên quyết để lén lút hoạt động…
Để quản lý và phát huy tốt giá trị tài nguyên khoáng sản, nhất là nguồn cát xây dựng trên địa bàn tỉnh, theo lãnh đạo Sở TM&MT, ngoài việc cần thực hiện nghiêm Quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 29-7-2015 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; mục IV, Quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 9-7-2018 của UBND tỉnh về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, sở còn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 23-3-2020 của Chính phủ.
Sở TN&MT lưu ý, các trường hợp phức tạp, vượt thẩm quyền, ngoài tầm kiểm soát, đã tổ chức lực lượng và có biện pháp xử lý nhưng không thể giải quyết thì cần báo cáo UBND cấp trên để có hướng giải quyết. Riêng hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh thực hiện việc tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 31 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24-2-2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Trước mắt, Sở TN&MT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản để nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp đối với việc chấp hành quy định bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; tiếp tục tổ chức, tham gia các đoàn thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản để kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này.
Hiện giải pháp đã có nhưng tình trạng khai thác cát trái phép chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Người dân băn khoăn và đặt câu hỏi, tại sao hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra trong thời gian dài mà chưa được giải quyết dứt điểm? Từ thực tế nêu trên, các ngành chức năng cần phải có giải pháp đủ mạnh để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong quản lý, khai thác cát. Điều này nhằm tránh gây thiệt hại nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh, hạn chế bức xúc trong nhân dân và để lại những hệ lụy xấu cho xã hội.