(CMO) Ông Phạm Tấn Kiệt, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân nuôi cá bống mú trên diện tích 450 m2, mỗi đợt thu hoạch hơn 100 kg cá, thu trên 35 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 20-25 triệu đồng.
Ông Kiệt cho biết: "Cách đây hơn 2 năm, sau khi tìm hiểu thị trường các sản phẩm thuỷ sản nước lợ và mặn, thấy cá bống mú có đầu ra tương đối ổn định hơn các đối tượng khác, giá bán lại khá cao. Từ đó, tôi quyết định tìm hiểu qua báo, đài, các lớp tập huấn, hội thảo, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi về kỹ thuật nuôi đối tượng này. Năm 2015, tôi đào 450 m2 đất vườn thành ao nuôi cá bống mú, thả khoảng 320 con. Sau 4-5 tháng nuôi (trộn lẫn giữa cá giống lớn và cá nhỏ), gia đình thu hoạch hơn 100 kg cá (giá thương phẩm 210.000 đồng/kg), lãi trên 20 triệu đồng".
Nuôi cá bống mú mang lại thu nhập cao cho ông Phạm Tấn Kiệt. |
Từ thành công năm đầu tiên, ông Kiệt mạnh dạn mua cá giống về thả thêm 100 con, nâng tổng số đàn cá đến nay trên 400 con. Mỗi năm ông thu trên 100 triệu đồng.
Ông Kiệt chia sẻ: “Nuôi cá bống mú không khó, quan trọng nhất là phải chọn con giống đạt chất lượng. Trong quá trình nuôi, định kỳ trộn men tiêu hoá, dinh dưỡng và một số thuốc để ngừa bệnh. Đồng thời, định kỳ lấy nước từ ngoài sông vào ao nuôi và phân cỡ cá để nuôi riêng, tránh tình trạng cá lớn ăn cá nhỏ, làm tăng tỷ lệ hao hụt".
Không dừng lại ở mô hình nuôi cá bống mú, trên bờ ao ông Kiệt tận dụng trồng nhiều loại cây ăn trái như thanh long, chuối và thả nuôi hơn 100 con gà nòi để tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Việt Khái Phạm Hoàng Lil cho biết: “Hiện nay, nhiều nông dân trong xã đã áp dụng thành thạo các mô hình sản xuất tổng hợp như tôm - cua kết hợp, tôm - rau màu trên liếp vuông tôm, nuôi heo kết hợp thả cá… đem lại hiệu quả rất khả quan, góp phần cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó có mô hình nuôi cá bống mú của hộ anh Kiệt. Sắp tới, Hội Nông dân xã vận động bà con mở rộng mô hình nuôi cá bống mú ra thêm 2 ấp, Gò Công và Cơi Sáu”./.
Trương Mỹ