Hoạt động vui chơi ngoại khóa của học sinh Trường tiểu học Lê Lợi. Ảnh: MC
Các trò chơi đều hấp dẫn và cuốn hút: Ô ăn quan,ýứctròchơidâbundesliga bảng xếp hạng chuyền thẻ, trồng nụ, trồng hoa, nhảy dây, chơi ù, trận giả, thả đỉa ba ba, đánh khăng, xoay cù, đánh bi, năm mười, chuyền thẻ... Bất cứ trong cặp sách nào của học trò ngày ấy đều có vài hạt sỏi, sợi dây thừng, quả vụ, viên bi, con cù, cây thẻ (giống cây đũa, nhưng nhỏ hơn). Giờ ra chơi là chúng tôi ríu rít trên sân trường.
Nghe đọc “Chuyền chuyền một/ chuyền chuyền hai...” đích thị là trò chơi chuyền thẻ của các bạn nữ. Vài cây thẻ trên tay và một quả bóng bàn nhựa nhỏ xinh, các bạn rủ nhau chơi ở bất cứ chỗ nào. Trò chơi giúp bạn rèn luyện đôi mắt và sự khéo léo cả đôi tay. Rải 10 cây thẻ trên một bên chân của mình rồi tung quả bóng lên. Khi đó, hai bàn tay bạn phải nhặt thẻ thật nhanh, mắt nhìn theo quả bóng, đón điểm rơi để nhận lại.Miệng đọc to câu nói trên. Nếu để rơi một trong hai thứ, bóng hoặc thẻ sẽ là người thua cuộc.
"Cút ca cút kít/ Làm ít ăn nhiều/ Nằm đâu ngủ đấy/ Nó lấy mất cưa/ Lấy gì mà kéo..." - Nghe bài đồng dao, mọi người biết ngay là các bạn nam đang chơi trò quay cù. “Con” cù được đẽo bằng gỗ, hình nón cụt. Có gắn một sợi dây. Lớp tôi ai cũng phục bạn Nguyên Khang, bạn ấy chơi trò này giữ được con cù quay rất lâu. Luôn là người thắng cuộc. Mỗi lần chơi, bạn ấy tính toán kỹ khoảng cách khi tung con cù và cách điều khiển con cù quay vòng cũng rất bài bản. Cũng đúng thôi, bạn ấy là học sinh giỏi toán nhất lớp.
Nghĩ về trò chơi ù, tôi nhớ lại bạn Tạ Tuyết Mai trong lớp. Bạn ấy rất khỏe, ai cũng thích về phe bạn ấy, vì đa số những lần chơi, không may bị “bắt” đều được bạn ấy giải cứu ngoạn mục. Trò này, mỗi phe khoảng 5 người. Để phân biệt người nào hoặc bên nào được quyền chơi trước đều thực hiện oẳn - tù - tỳ. Người thắng về một phe. Người thua về một phe. Phe thắng chơi trước. Lần lượt từng người một chạy về phía bên kia, miệng phát ra tiếng ù. Giơ tay ra để chạm trúng người của họ. Bên kia trong tư thế bắt giữ “kẻ thù”. Phải hết sức khéo léo, làm sao khi đã chạm trúng “kẻ thù” rồi phải nhanh nhẹn, uyển chuyển lúc trở về, tránh bị họ bắt lại, mà vẫn phát ra tiếng ù, là người chiến thắng. Phe nào có nhiều tù binh sẽ thất bại.
Dù tổ chức bất cứ trò chơi nào, lũ trẻ cũng dành thời gian cho trò chơi rồng rắn lên mây. Ai tham gia trò chơi đều thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn, khả năng đối đáp. Đoàn chơi có từ 6 đến 12 người. Có một người đóng vai thầy thuốc, giao lưu với bệnh nhân. Đoàn bệnh nhân (rồng rắn) ôm lưng, bám đuôi nhau nhau thành một hàng dọc rồi đọc bài đồng dao:
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có nhà hiển binh
Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không?
Nếu thầy thuốc trả lời "không" thì nhóm bệnh nhân hát mãi bài đồng dao ấy. Khi thầy thuốc trả lời "có" thì giữa hai bên đối đáp nhau thật vui nhộn. Khi thầy thuốc nhận được câu: "Tha hồ đuổi, từ rồng rắn". Cuộc đuổi bắt thú vị diễn ra giữa rồng rắn và thầy thuốc. Thầy thuốc tìm mọi cách chạm vào đuôi, tức là người cuối cùng của đoàn bệnh nhân thì người bị chạm phải dừng cuộc chơi. Người đúng đầu và cả đoàn rồng rắn phải đoàn kết lại để bảo vệ thành viên. Nếu trong đoàn rồng rắn, ai bị đứt ra khỏi đoàn thì không được tham gia trò chơi nữa...
Ngày ấy, thế hệ 6X chúng tôi trở về trước, không có điều kiện để học các môn bơi, võ và các môn thể thao khác, nhưng do được chơi nhiều trò chơi, vận động nhiều nên ai cũng khỏe mạnh. Có thể nói, chúng tôi dù sống ở bất kỳ môi trường nào cũng có thể vượt qua đầy nghị lực can đảm. Cũng là do các trò chơi luôn gần gũi, bảo vệ nhau nên chúng tôi đa số sống tử tế, quý mến nhau.
Giờ đều đã đến tuổi ông bà rồi, nhưng ai cũng luôn nghĩ về những trò chơi dân gian xưa cũ. Một thời gắn bó, đầy ắp ký ức tuổi thơ. Có những đêm nằm ngủ, trong giấc mơ của tôi luôn hiện về những trò chơi dân gian ấy.
Đinh Hoàng Xuân Hồng