Xin Tổng cục trưởng cho biết vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS đối với tiến trình cải cách hiện đại hóa Hải quan Việt Nam?
Việc thực hiện Dự án VNACCS/VCIS có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa to lớn đối với ngành Hải quan, góp phần đổi mới phương thức quản lý, thói quen và kinh nghiệm quản lý theo phương pháp quản lý tiên tiến. Bên cạnh đó, việc triển khai Hệ thống này góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hoá hải quan giai đoạn 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 là Hải quan Việt Nam đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.
Việc thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng DN, sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Điều đó được thể hiện ở những nội dung sau:
Một là, khi áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ giúp rút ngắn thời gian thông quan. Theo tính toán kỹ thuật, thời gian xử lý thông quan trung bình đối với hàng luồng Xanh của Hệ thống sẽ không quá 3 giây. Bên cạnh đó, nhiều việc trước đây được thực hiện trong thông quan nhưng khi thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS, các nội dung này được chuyển sang khâu kiểm tra sau thông quan. Điều đó, tiết kiệm thời gian và chi phí thông quan cho DN.
Hai là, thủ tục hải quan được chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc tế. Theo đó, DN sẽ thực hiện thủ tục hải quan chuẩn mực hơn, minh bạch hơn. Điều này rất quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế. Chỉ tiêu thông tin khai báo không thay đổi so với hiện nay (chỉ tiêu trong khai báo thủ tục hải quan điện tử E-customs hiện nay là 130 chỉ tiêu, trong khi đó chỉ tiêu khai báo trong Hệ thống VNACCS/VCIS là 108 chỉ tiêu đối với tờ khai xuất khẩu và 135 chỉ tiêu đối với tờ khai nhập khẩu).
Ba là, Hệ thống VNACCS/VCIS hỗ trợ khai tự động rất nhiều chỉ tiêu như: Tự động xác định thuế suất cho từng mã HS, kể cả thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các thỏa thuận và tự tính thuế cho từng dòng hàng cũng như từng tờ khai, khai thông tin trước và có thể sửa đổi thông tin nhiều lần… Đây là một lợi ích rất to lớn đối với DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Trong khi đó với thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải tự tra cứu mức thuế suất tại Biểu thuế XK, Biểu thuế NK và nhập dữ liệu này vào hệ thống, sau đó thủ tục hải quan điện tử mới tính toán ra số tiền thuế của lô hàng.
Khi thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS, DN hạn chế được sai sót trong quá trình nhập dữ liệu nên không phải khai đi khai lại nhiều lần (do sai sót). Đồng thời cả DN và Hải quan sẽ giảm được việc phụ thuộc vào văn bản, giấy tờ như hiện nay bởi các hệ thống văn bản đã được mã hóa, cập nhật vào hệ thống, ví dụ như biểu thuế XK, Biểu thuế NK...
Bốn là, Hệ thống VNACCS/VCIS tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của DN tự động: khai báo và chấp nhận vận chuyển bảo thuế, khai bổ sung, đăng ký danh mục miễn thuế đảm bảo thực hiện nhanh chóng và minh bạch các yêu cầu của DN.
Năm là, Hệ thống VNACCS hướng đến mô hình một cửa (trong đó xử lý tập trung là một điều kiện tiên quyết), hạn chế sử dụng hồ sơ giấy thông qua áp dụng chữ kí điện tử… Do vậy, lợi ích của DN ngoài được hưởng từ triển khai Hệ thống VNACCS còn được hưởng lợi ích lâu dài khi triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa.
Bên cạnh đó, Hệ thống VNACCS/VCIS cho phép khai báo trước hóa đơn điện tử. Điều này hỗ trợ DN trong việc khai báo và tiến hành thủ tục hải quan. Chức năng này cho phép các DN đã sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử kết nối để truyền thông tin hóa đơn cho cơ quan Hải quan và DN cũng có thể dùng chức năng này để quản lý và in hóa đơn cho DN mình nếu thấy các tiêu chí trên VNACCS phù hợp. Việc này giúp DN tránh được nhầm lẫn khi khai các nội dung hóa đơn trên tờ khai và có thể kết nối để nhập thông tin tự động vào tờ khai.
Đối với cơ quan Hải quan, Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cải cách, hiện đại hóa theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan, cụ thể như sau:
Một là, khi triển khai Hệ thống VNACCS, sẽ hướng đến phương pháp quản lý DN thay vì phương pháp quản lý thiên về hàng hóa như hiện nay. Hệ thống VNACCS cung cấp nhiều tính năng hiện đại để quản lý người khai hải quan bao gồm cả DN và cá nhân. Trong đó DN quản lý cả quá trình sáp nhập, chia tách với hơn 500 chỉ tiêu, quản lý đến từng người khai hải quan cụ thể (tên, số giấy phép khai hải quan...), xếp hạng rủi ro DN chi tiết hơn (7 hạng thay vì 3 hạng như hiện nay) nên sẽ tăng cường tính tuân thủ. Ngoài ra, Hải quan Việt Nam vẫn nâng cấp các hệ thống quản lý rủi ro, quản lý vi phạm hiện tại để đảm bảo công tác quản lý hải quan được chặt chẽ.
Hai là, Hệ thống VNACCS/VCIS được tự động hóa tối đa ở các khâu như tự xác định thuế suất, tự tính thuế, phân tích tính toán giá trị hàng hóa: tự động thanh toán thuế và thông quan. Các nghiệp vụ khai báo, chế độ quản lý hải quan dựa theo tiêu chuẩn hơn 100 loại hình XNK trước đây được thay thế bằng 40 mã được chuẩn hóa trên hệ thống… Điều này giúp cho việc quản lý nhà nước của Hải quan dễ dàng, minh bạch nhưng hiệu quả hơn.
Ba là, các quy trình thủ tục được đơn giản hóa, chuẩn hóa, áp dụng tối đa công nghệ thông tin nên vừa giảm tải áp lực công việc cho cán bộ, công chức, vừa hỗ trợ tối đa công tác giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nói chung cũng như hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập, tái xuất nói riêng.
Bốn là, việc thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS hướng đến triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, giảm thiểu giấy tờ do sử dụng chữ ký số. Đây là động lực để đẩy mạnh cải cách hành chính nằm trong chủ trương chung của Chính phủ. Đặc biệt là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, tập thể Lãnh đạo Tổng cục Hải quan - đơn vị chủ dự án.
Hệ thống VNACCS/VCIS đã được triển khai thực hiện chính thức như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?
Sau quá trình chuẩn bị, từ ngày 1-4-2014, Hệ thống VNACCS/VCIS chính thức đi vào vận hành. Đến nay, đã có 10 Cục Hải quan tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh và Quảng Ngãi) với 40 chi cục Hải quan tham gia triển khai chính thức Hệ thống. Qua quá trình triển khai chính thức, các đơn vị đã đảm bảo đúng theo kế hoạch triển khai của Tổng cục Hải quan. Các mặt công tác chuẩn bị cho việc vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS bao gồm: Chuẩn bị bộ máy nhân sự, cơ sở hạ tầng trang thiết bị máy móc, hệ thống mạng, đường truyền… đều đáp ứng để phục vụ việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS. Qua thực tế, bước đầu Hệ thống VNACCS/VCIS đã được đưa vào vận hành ổn định, không phát sinh nhiều lỗi về hệ thống, các chi cục triển khai tiếp theo, các đơn vị đã chủ động triển khai. Cơ bản các vướng mắc đã được tháo gỡ và xử lý kịp thời.
Để triển khai thành công VNACCS/VCIS, theo Tổng cục trưởng, trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục tập trung vào những công việc quan trọng nào?
Trong thời gian tới, ưu tiên hàng đầu của Tổng cục Hải quan là kiên trì và đảm bảo triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS theo đúng mục tiêu, lộ trình đặt ra.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù Tổng cục Hải quan đã có rất nhiều nỗ lực trong việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS, nhưng trong giai đoạn đầu triển khai, cả CBCC hải quan và DN đều bỡ ngỡ nên đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, giải pháp quan trọng hàng đầu của chúng tôi là sẽ nỗ lực hết sức mình hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với DN và các bên liên quan để xử lý các vướng mắc phát sinh một cách nhanh chóng, kịp thời với các biện pháp linh hoạt, mềm dẻo, đảm bảo triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS ổn định. Hàng ngày, chúng tôi đều tổng hợp, phân tích, phân loại vướng mắc phát sinh để hỗ trợ DN kịp thời nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan và cộng đồng DN trong việc triển khai Hệ thống: Hoàn thiện danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý; đẩy nhanh tiến độ đăng ký tham gia hệ thống VNACCS/VCIS và đăng ký sử dụng chữ ký số, tuyên truyền, đào tạo giúp DN nắm vững các quy định tại Thông tư 22/2104/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn có liên quan và sử dụng thành thạo kỹ năng khai báo; đẩy mạnh việc thực hiện thu, nộp thuế bằng phương thức điện tử. Đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng, góp phần thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế; đảm bảo hạ tầng mạng ổn định, đảm bảo kết nối của DN đến cơ quan Hải quan và hoạt động của hệ thống VNACCS/VCIS; đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống VNACCS/VCIS.
Về lâu dài, cả cơ quan Hải quan và DN cần tiếp tục đào tạo để có một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp trong khai báo hải quan. Điều rất quan trọng nữa là phát triển đội ngũ đại lý hải quan.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!