Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là sẽ làm tất cả để đảm bảo Vòng chung kết World Cup 2018 ở lại với đất nước Đông Âu này,ồngchấtkhókhăntrướcviệcchuẩnbịáo vs estonia qua đó cải thiện hình ảnh đất nước mình, cũng như hình ảnh của chính ông. Các cuộc thi đấu tầm cỡ thế giới trước nay luôn thu hút sự quan tâm toàn cầu về nước chủ nhà. Và giải đấu danh tiếng nhất nhì thế giới này, sẽ mang lại uy tín, sự công nhận từ quốc tế, cơ hội quảng bá hình ảnh và cả những khoản đầu tư khổng lồ cho Nga, đất nước đang bị khủng hoảng kinh tế tàn phá.
Hồi năm 2010, xứ sở Bạch Dương giành quyền đăng cai Vòng chung kết 2018 với những lời hứa cam kết đại tu hệ thống giao thông công cộng, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất thể dục thể thao hiện đại bậc nhất, cũng như sửa sang hạ tầng một số thành phố tổ chức các trận đấu.
Họ dự kiến sẽ chi 660 tỷ Ruble (khoảng 12 tỷ USD) vào công tác chuẩn bị, bao gồm xây mới 6 sân vận động, các khách sạn, phòng tập và cơ sở y tế. Ngoài ra, chi phí mở rộng, cải tạo sân bay và đường sắt cao tốc cũng rất tốn kém, nhưng được đánh giá là tối cần thiết để giảm bớt thời gian đi lại giữa 11 thành phố đăng cai thi đấu, mà nơi xa nhất là Yekaterinburg cách Thủ đô Moskva xấp xỉ 2.000 cây số.
Nhưng những kế hoạch nói trên đến nay đã bị ảnh hưởng đáng kể. Lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga do việc thu nạp Crimea và trách nhiệm của nước này trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, cũng như việc đồng Ruble mất giá và giá dầu sụt giảm mạnh, tất cả đã góp phần làm cho nền kinh tế nước Nga trượt dài trong suy thoái từ năm ngoái đến nay.
Tuần trước, Chính phủ Nga vừa thông qua kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho World Cup một khoản là 3,5 tỷ Ruble (62,5 triệu USD). Đây chỉ là lần cắt giảm mới nhất của đất nước này. Kể từ đầu năm 2015, các nhà tổ chức Vòng chung kết Bóng đá thế giới đã dẹp bỏ kế hoạch xây mới 25 khách sạn hiện đại, giảm số lượng trung tâm tập luyện tại mỗi thành phố đăng cai từ 4 xuống 3 trung tâm, đồng thời giảm bớt sức chứa của các sân vận động để tiết kiệm chi phí xây dựng.
Sân vận động Luzhniki tại Moskva, nơi diễn ra trận khai mạc và cả trận chung kết có sức chứa 81.000 chỗ ngồi, giảm 8.000 chỗ so với bản thảo ban đầu. Michal Karas, Tổng biên tập trang web Stadium Database tiết lộ rằng rất nhiều tính năng công nghệ cao từng được thiết kế cho các sân vận động mới đều đã bị loại bỏ, do đồng Ruble quá yếu dẫn đến việc nhập khẩu đắt đỏ hơn nhiều.
“Vấn đề lớn nhất là đặt hàng nguyên vật liệu từ nước ngoài”, ông Michal Karas nói. “Các sân bóng đá này được thiết kế bởi các công ty phương Tây, nên hầu như họ đều cần đến các nguyên vật liệu tiên tiến nhất ở châu Âu”. Hiện vật liệu xây dựng được lấy trực tiếp từ các nhà cung cấp ở Nga. Bộ trưởng Thể thao Vitaly Mutko cho biết do đồng nội tệ suy yếu, chi phí xây dựng có thể đội lên thêm đến 30-40%.
Mặc dù đã có khá nhiều sự cắt giảm, việc xây dựng sân vận động hầu hết đều đúng tiến độ. Các nhà tổ chức hi vọng rằng họ sẽ đáp ứng kịp hạn chót của FIFA để tổ chức giải đấu quốc tế tiền World Cup là Confederations Cup vào giữa năm 2017. Trong số các sân được xây mới hoặc sửa chữa, có 3 sân đã hoàn tất, 8 sân khác đang hoàn thiện.
Ngoài bài toán chi phí, nước Nga còn đang “đau đầu” với sự cố 6 quan chức cấp cao của FIFA bị bắt giữ do tham nhũng tại Zurich, Thụy Sĩ hồi cuối tháng 5 vừa qua, và Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố từ chức sau đó ít ngày. Vụ việc này làm dấy lên những cáo buộc rằng quan chức một số nước đã được gợi ý đưa hối lộ hàng triệu USD để đổi lấy phiếu bầu cho Nga quyền đăng cai World Cup. Moskva ngay lập tức bác bỏ điều này, và cho rằng đây là “sự vu khống trắng trợn của phương Tây”.
Paul Roderick Gregory, tiến sĩ kinh tế đồng thời là nhà nghiên cứu Nga học tại Viện Hoover cho rằng: "Với nước Nga, không gì có thể tồi tệ hơn là mất World Cup 2018. Người Nga có thể sống mà không có thực phẩm nhập khẩu và không đi tắm biển, nhưng họ không thể chịu đựng được nếu bị gắn với tiếng xấu là một quốc gia bất hảo, không xứng được đăng cai Vòng chung kết World Cup", Gregory viết trên tạp chí Forbes.
Trong một diễn biến mới nhất, phát ngôn viên FIFA Walter de Gregorio nói rằng, sẽ không có chuyện tước quyền đăng cai của nước Nga, và kỳ World Cup sắp tới vẫn được tổ chức theo kế hoạch. Vấn đề là xứ sở Bạch Dương sẽ phải tính toán hết sức cẩn thận để tránh dẫm phải vết xe đổ của Brazil, nước chủ nhà World Cup 2014 sau 1 năm trời vẫn đang chật vật tìm cách thu hồi vốn./.
Ngọc Vũ (theo Reuters/Business Insider)