Trong 5 ngày đàm phán tại Washington (từ 16 đến 20/8), các nhà đàm phán đã thảo luận những nội dung gây tranh cãi nhất của NAFTA. Tuy nhiên, Mỹ đã không đưa thêm những yêu cầu chi tiết trong lĩnh vực sản xuất xe con và xe tải như các tín hiệu đưa ra trước đó mà xoáy vào việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại song phương mới và hủy cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quy định trong chương 19. Các nhà đàm phán Mỹ và Canada đã đưa ra hai văn bản có nội dung khác biệt về chương 19, cho thấy rõ quan điểm rất khác nhau trong vấn đề này. Trước đó Canada nhiều lần khẳng định sẽ từ bỏ đàm phán và rời khỏi NAFTA nếu chương 19 bị huỷ bỏ.
Chương 19 cho phép các nước thành viên NAFTA kháng cáo quyết định của một nước khác liên quan đến việc áp thuế nhập khẩu mang tính trừng phạt. Lâu nay, phần lớn Canada giành chiến thắng trong các vụ kiện đối với Mỹ, nhất là các vụ liên quan đến mặt hàng gỗ mềm xuất sang Mỹ. Do chiếm lợi thế trong phần lớn các vụ kiện với Mỹ, Ottawa luôn coi cơ chế giải quyết tranh chấp trong chương 19 là “công cụ bảo vệ không thể thiếu” trước các biện pháp áp thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá của Mỹ. Nếu không có cơ chế này, tranh chấp sẽ được giải quyết tại hệ thống tòa án Mỹ và chắc chắn sẽ gây bất lợi lớn cho Canada cũng như Mexico. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng cơ chế giải quyết của NAFTA trái với luật pháp Mỹ và vi phạm chủ quyền của nước này.
Ngoài chương 19, các nhà đàm phán 3 nước cũng đưa ra đề xuất về mua sắm công, một trong những chủ đề gây tranh cãi khá nhiều. Washington muốn các công ty của Mỹ được tiếp cận nhiều hơn với các dự án mua sắm của Chính phủ Canada và Mexico, trong khi vẫn giữ quyền áp dụng “Đạo luật mua hàng Mỹ” để ngăn các công ty của hai nước láng giềng ký kết các hợp đồng bán hàng lớn cho Chính phủ Mỹ. Hiện tại, các cuộc thảo luận về mua sắm chính phủ mới chỉ tập trung vào các thủ tục đấu thầu và yêu cầu minh bạch, chứ chưa đề cập đến yếu tố tiếp cận thị trường, bao gồm cả “Đạo luật mua hàng Mỹ”. Song Washington đã bắn tín hiệu sẽ không từ bỏ vấn đề này. Về quy tắc xuất xứ sản phẩm, các nhà thương thuyết Mỹ không đưa ra bất cứ cách tiếp cận cứng rắn nào. Tuy nhiên, phát biểu khai mạc vòng đàm phán, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đe dọa Washington sẽ tìm kiếm các quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Ông cũng cho biết Washington muốn xây dựng các quy tắc đặc trưng Mỹ, quy định tỷ lệ sử dụng công nhân Mỹ. Hầu hết các nội dung Washington tìm kiếm chưa được giải quyết trong vòng đàm phán này, mà sẽ phải chờ đến các vòng tiếp theo. Trong số đó có chủ đề về hệ thống quản lý nguồn cung của Canada trong ngành công nghiệp trứng, sữa và chăn nuôi gia cầm.
Vòng đàm phán thứ nhất vừa qua có thể coi là khúc dạo đầu thận trọng cho một quá trình thương lượng được dự báo sẽ khá cam go và đầy thách thức khi các mục tiêu và tham vọng của 3 đối tác có nhiều khác biệt trong khi lợi ích đan xen quá lớn. Theo kế hoạch, vòng thảo luận tiếp theo sẽ diễn ra ở Mexico từ ngày 1 đến 5/9, vòng 3 diễn ra ở Canada vào cuối tháng 9 và vòng 4 sẽ quay lại Mỹ trong tháng 10. Tuy nhiên, một số quan chức cho rằng cuộc đàm phán đã diễn ra quá nhanh và các vấn đề vẫn chưa được giải quyết tận gốc rễ. Giới chuyên gia thương mại cũng nhận định tốc độ đàm phán là quá nhanh trong khi khối lượng công việc khổng lồ và các nước đều có lập trường riêng trong những vấn đề chủ chốt. Dự báo, phía trước là con đường đầy "chông gai", những lợi ích riêng khó có thể dung hòa trong “một sớm, một chiều”.