Trong trí nhớ của những cán bộ chiến sỹ hải quan thời kỳ giữa những năm 1980,àiAnhhùnglựclượngvũtrangnhândânNguyễnTàbong da online Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Tài là người lãnh đạo cương nghị, nghiêm khắc và sâu sát trong điều hành, chỉ đạo.
Vốn là người có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo trong ngành Công an, ông được Đảng và Nhà nước giao trọng trách giữ cương vị Tổng cục trưởng khi Tổng cục Hải quan mới được thành lập trực thuộc Chính phủ (trên cơ sở Cục Hải quan Trung ương thuộc Bộ Ngoại thương). Lần giở lại những tấm ảnh kỷ niệm 20 năm về trước, ông kể:
Khi Tổng cục Hải quan được thành lập với vai trò, vị trí được nâng cao hơn, đồng chí Phạm Hùng, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có thông báo nhiệm vụ mới của tôi và dặn dò là cần phải đề ra các biện pháp quản lý hải quan để thiết lập lại trật tự hoạt động XNK để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, song cũng phải đảm bảo trật tự an ninh quốc gia.
Nhận nhiệm vụ mới, vị Tổng cục trưởng đầu tiên ý thức được trách nhiệm của mình và bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch phát triển ngành Hải quan. Thời kỳ đó, kỷ cương trong hoạt động XNK lỏng lẻo, hoạt động sản xuất trong nước còn eo hẹp và khó khăn, tình hình buôn lậu rất phức tạp, vì vậy vai trò của ngành Hải quan được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chú trọng. Phải làm gì và làm như thế nào? Câu hỏi luôn nung nấu trong suy nghĩ của người lãnh đạo ngành như một thói quen của một cán bộ an ninh nhiều năm hoạt động cách mạng. Đồng chí Phạm Hùng lúc đó có lưu ý: Công an đấu tranh địch ta rõ ràng, còn có người bị hư hỏng. Hải quan môi trường hoạt động tiếp xúc thường xuyên với hàng và tiền, dễ bị mua chuộc nên cần phải quan tâm xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh.
Chẳng thế mà khi tôi hỏi điều gì được ông quan tâm chú trọng nhất trong công tác chỉ đạo điều hành Tổng cục Hải quan thời kỳ đó, ông Nguyễn Tài cho rằng đó là cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ chiến sỹ vững về chuyên môn, trong sáng về đạo đức phẩm chất. Trong câu chuyện của ông, vấn đề xây dựng lực lượng thường được ông nhắc đi nhắc lại.
Thời kỳ đầu thành lập thiếu cán bộ, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chủ trương tuyển dụng một số cán bộ từ ngành Công an, Quân đội chuyển sang. Có số lượng, Tổng cục Hải quan bắt đầu rà soát trình độ, tổ chức đào tạo, tập huấn cho anh em các quy chế quy trình nghiệp vụ hải quan. Hồi đó, các quy định quy chế về hải quan chưa hình thành cụ thể và hệ thống. Ông cùng với lãnh đạo Tổng cục và cán bộ chủ chốt các đơn vị lao vào xây dựng quy trình công tác hải quan. Tại phòng họp tầng 3 ngôi nhà 159 Bà Triệu - Hà Nội lúc bấy giờ là trụ sở của Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Nguyễn Tài và lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã điều hành nhiều cuộc họp quan trọng với cán bộ hải quan lâu năm ở các Hải quan địa phương để xây dựng, bàn thảo thống nhất quy trình quy chế công tác cũng như bố trí lực lượng đối với các loại hình cửa khẩu. Sau khi thống nhất ý kiến thì phân công soạn thành văn bản để hướng dẫn thi hành. Thời kỳ đó, bắt đầu thành lập Trường Nghiệp vụ Hải quan, ông Nguyễn Tài chủ trương tất cả các cán bộ lãnh đạo hải quan địa phương dù đã lâu năm đều phải về trường để học. Bởi ông lập luận: Người lãnh đạo mà thua kém trình độ nhân viên cấp dưới (được đào tạo bài bản, có hệ thống) thì không thể lãnh đạo tốt được. Ngoài ra ở các cơ quan đều tổ chức tập huấn tại chỗ những phần chính yếu về các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.
Sau một thời gian, tuy vẫn còn ở mức độ đơn giản, ngành Hải quan đã ban hành các quy định, quy trình nghiệp vụ để thực hiện đối với từng loại hình xuất nhập khẩu ở sân bay, cảng biển, cửa khẩu đường bộ, bưu điện... Với những quy định đó, hoạt động XNK dần dần được thiết lập lại, quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường chống buôn lậu qua biên giới, góp phần bảo vệ an ninh kinh tế đất nước. Giờ đây, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan ngày càng được xây dựng cụ thể, rõ ràng, phong phú và được hệ thống hơn, song có thể nói những quy định thời kỳ đầu thành lập Tổng cục Hải quan là cơ sở quan trọng, bắt đầu cho quá trình tiến tới ngành Hải quan thống nhất, chính quy sau này.
Trong công tác xây dựng lực lượng, vấn đề giáo dục phẩm chất đạo đức, chống tiêu cực trong cán bộ được lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Tổng cục trưởng Nguyễn Tài đặt lên hàng đầu.
Vậy chống bằng cách nào? - Tôi hỏi.
Ông nói: Muốn chống tiêu cực được trước hết phải có nhân tố tích cực, lấy tích cực để đấu tranh đẩy lùi và xoá bỏ tiêu cực. Để chỉ đạo hoạt động trong ngành và chống tiêu cực có hiệu quả, phải thường xuyên kiểm tra và có mạng lưới kiểm tra việc thực hiện công việc của các cấp.
Quả thật, nhiều cán bộ hải quan thời đó còn nhớ một vị Tổng cục trưởng sâu sát với hoạt động Hải quan địa phương. Ngay trong năm đầu tiên giữ cương vị lãnh đạo, ông Nguyễn Tài đã đi thực tế tại khắp các đơn vị Hải quan để tìm hiểu về lĩnh vực có nhiều phức tạp này. Không ít lần qua những chuyến “vi hành” đột xuất tại cửa khẩu mà không báo trước cho các cục hải quan tỉnh, ông đã có thêm thông tin về cơ sở cũng như nắm bắt được cán bộ cấp cục có sâu sát hay không. Có lần ông kiểm tra đột xuất tại hải quan một cửa khẩu, đã phát hiện một nhân viên hải quan móc nối tiêu cực với doanh nghiệp, sau đó ông đã kịp thời chấn chỉnh lãnh đạo đơn vị và nhân viên đó.
Nghe ông kể về quá trình xây dựng lực lượng, giáo dục phẩm chất đạo đức, chống tiêu cực trong đội ngũ cán bộ hải quan, tôi hiểu rằng, những băn khoăn trăn trở của ông không chỉ có ý nghĩa trong thời kỳ đó mà càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách phát triển ngành Hải quan hiện nay.
Sự nghiêm túc sâu sát tường tận cơ sở ở người Tổng cục trưởng đầu tiên này có lẽ còn bởi những phát hiện của ông về điều kiện làm việc của một số đơn vị hải quan sau những chuyến đi thực tế. Mới được thành lập với chức năng nhiệm vụ và tổ chức được mở rộng, nhà làm việc ở nhiều cửa khẩu đường bộ còn lúi xùi, khó khăn cho thao tác nghiệp vụ, ảnh hưởng đến vị thế của cán bộ Hải quan. Với trách nhiệm của mình, Tổng cục trưởng Nguyễn Tài đã cùng với các cơ quan có liên quan như giao thông vận tải, cảng vụ, cơ quan dịch vụ bàn bạc giải quyết từng bước về trụ sở làm việc, nhà ở cho cán bộ hải quan. Cũng từ đây, những ý tưởng về trang bị máy móc phục vụ công tác nghiệp vụ hải quan đã bắt đầu xuất hiện trong ông.
Ông kể cho tôi nghe chuyến đi tham quan tại Hải quan Cuba nhân Hội nghị Hải quan các nước XHCN vào năm 1985, chuyến thăm Hải quan CHDC Đức năm 1987. Đoàn lãnh đạo Tổng cục Hải quan lúc đó được tận mắt chứng kiến hải quan nước bạn sử dụng máy X-quang để kiểm tra hàng hóa XNK, máy vi tính, chó nghiệp vụ... Bức xúc trước cách làm thủ công của Hải quan Việt Nam, ông cùng với lãnh đạo Tổng cục Hải quan bàn bạc và đề nghị Tổng cục trưởng Hải quan Cuba giúp trang bị cho Hải quan Việt Nam 1 chiếc máy soi X-quang đặt ở Hải quan Bưu điện Hà Nội kiểm tra hàng hóa, bưu phẩm bưu kiện XNK. Sau đó, ông đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cho phép TCHQ dùng số ngoại tệ thu được từ công tác chống buôn lậu để trang bị máy soi cho các cửa khẩu cần thiết, trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Lúc đó việc nghiên cứu khả năng áp dụng máy vi tính trong ngành Hải quan cũng được đặt ra để việc thống kê được chính xác, cập nhật, song vài năm sau ý tưởng đó mới tiếp tục được triển khai thực hiện.
Là lĩnh vực tương đối phức tạp có liên quan đến nhiều đối tượng, từ doanh nghiệp, hành khách trong nước và nước ngoài, nên công tác quản lý hải quan được thắt chặt so với thời kỳ trước đây ắt không tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm. Trong câu chuyện về những ngày làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Tài có nhắc đến những lần Hải quan bị phàn nàn từ một số hành khách, doanh nghiệp. Là một người quản lý chặt chẽ và sâu sát, ông tìm hiểu lại ngọn nguồn và không phải tất cả các trường hợp cán bộ hải quan đều làm sai mà lỗi lại bắt đầu từ đối tượng làm thủ tục XNK, XNC.
Giờ đây, với hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể, việc đối thoại trao đổi giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp được thường xuyên, nên có thuận lợi hơn so với thời kỳ trước, những hiểu lầm va chạm đó đã được hạn chế rất nhiều. Nhớ lại thời kỳ đó, nguyên Tổng cục trưởng Nguyễn Tài vui mừng trước sự phát triển ngành Hải quan ngày hôm nay, trong đó hướng đi hiện đại hóa và trang bị máy móc phục vụ công tác nghiệp vụ được ông rất tán thành. Đó là ước mơ của lớp cán bộ hải quan của phương pháp làm việc thủ công 20 năm về trước.
Năm nay ngành Hải quan tròn 60 tuổi. Như nhiều cán bộ Hải quan lão thành khác, ông Nguyễn Tài tích cực tham gia các cuộc họp thảo luận đóng góp kinh nghiệm vào quá trình phát triển ngành, tham gia xây dựng cuốn lịch sử 60 năm Hải quan Việt Nam. Giờ đây dù đã ở tuổi 80, song ông vẫn thường quan tâm, theo dõi từng bước phát triển của ngành. Gặp ông, tôi thấy trên gương mặt ông rạng rỡ niềm vui. Có lẽ bởi từ những ý tưởng của ông và lãnh đạo Tổng cục Hải quan thời kỳ đó mà giờ đây nhiều thế hệ lãnh đạo ngành đã tiếp tục vun đắp, gây dựng ngành Hải quan ngày càng chính quy, hiện đại.