Du lịch,ểnkinhtếkêo bong da dịch vụ là đòn bẩy
Quý II là mùa cao điểm của du lịch. Với nhiều hoạt động được chuẩn bị sẵn sàng để thu hút du khách, hứa hẹn tạo ra nguồn lực lớn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh tiềm năng, thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa, con người, tỉnh có sự đầu tư phát triển bài bản, tạo nên những điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng có chất lượng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đạt tiêu chuẩn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Mặc dù không phải ở thời điểm cao điểm, quý I/2024 khu vực dịch vụ của tỉnh ước tăng 12,98%, cao hơn 0,21 điểm % so với kịch bản quý I UBND tỉnh đề ra, đóng góp 4,09 điểm % tăng trưởng GRDP, chiếm tỷ trọng 30%. Trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 15,31%; hoạt động nghệ thuật, vui chơi, giải trí chiếm 15,69%; dịch vụ vận tải, kho bãi chiếm 22,78%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy 13,55%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 791 triệu USD, tăng 17,42% so với cùng kỳ, tăng 1,2% so kịch bản tăng trưởng.
Đặc biệt, khách du lịch đến tỉnh ước đạt trên 5,3 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ 2023, đạt 105% kịch bản tăng trưởng. Trong đó khách quốc tế ước đạt 1.260.000 lượt, tăng 310%; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 10.284 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 103% kịch bản tăng trưởng quý I đề ra.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, kết quả du lịch - dịch vụ đạt được trong quý I/2024 của tỉnh chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình "bùng nổ" trong quý II, khi mà mùa du lịch cao điểm đang đến gần. Theo tính toán của các đơn vị quản lý nhà nước, dự kiến tquý II lĩnh vực du lịch - dịch vụ của tỉnh tăng khoảng 14,29%, là mức tăng cao nhất trong tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh phấn đấu trong quý II, để góp phần đạt mức tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh khoảng 9,15%.
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của lĩnh vực dịch vụ - du lịch được xác định trong quý II, đơn vị đang cùng với các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực này. Trong đó tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Hạ Long; các điểm đến du lịch trong toàn tỉnh, với đa dạng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, níu chân du khách.
Thời điểm quý II hằng năm, Quảng Ninh luôn là địa điểm hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, trải nghiệm, đạt từ 8-9 triệu lượt; kéo theo đó là các hoạt động dịch vụ đi kèm, tạo nên nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. Để tận dụng cơ hội này, tỉnh đang lên kế hoạch tổ chức Tuần du lịch hè Hạ Long 2024, gồm chuỗi các sự kiện, hoạt động VHTT, du lịch, như: Chương trình Carnaval Hạ Long hè 2024; Lễ hội truyền thống Bạch Đằng; Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh; Liên hoan ẩm thực 2024; Gala xiếc 3 miền; Hội chợ OCOP hè 2024.
Các địa phương trong tỉnh triển khai xây dựng đề án thí điểm kinh tế ban đêm; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư hoàn thành các dự án lĩnh vực du lịch - dịch vụ, như sân golf Đông Triều, sân golf Hạ Long Xanh... Tại huyện Vân Đồn tới đây sẽ khánh thành đưa vào khai thác Khách sạn Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn thuộc Tổ hợp Khu nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (dự kiến 30-4 và 1-5) và dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (dự kiến 1-6); thí điểm hoạt động tham quan, du lịch, sử dụng các dịch vụ nghỉ đêm trên Vịnh Bái Tử Long với du thuyền đẳng cấp quốc tế, tạo nên sức hấp dẫn, mới mẻ cho điểm đến du lịch Vân Đồn.
Các công ty lữ hành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang gấp rút triển khai các tour du lịch với nhiều sản phẩm du lịch mới, chính sách hấp dẫn. Bà Phạm Thị Thân, Phó trưởng Ban Dự án - Định hướng - Chiến lược, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận, đơn vị chủ đầu tư du thuyền Essence Grand Halong Bay Cruise, cho biết: Bên cạnh dịch vụ đẳng cấp, Công ty đưa du khách trải nghiệm hải trình 3 ngày 2 đêm khám phá Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, khai phá những tiềm năng rất lớn của Vịnh Bái Tử Long mà lâu nay chưa được phát huy xứng tầm.
Công nghiệp - xây dựng là trọng tâm
Quý I/2024, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh ước tăng 7,7%, tăng 0,7 điểm % so cùng kỳ 2023, cao hơn 1,3 điểm % so với kịch bản quý I, đóng góp 3,86 điểm % cho tăng trưởng kinh tế, chiếm tỷ trọng 52,3%. Theo các nhà quản lý, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đánh dấu sự phát triển ngày càng bền vững của lĩnh vực này, khi Quảng Ninh đang dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ phát triển “nóng” sang phát triển “xanh, sạch”.
Phân tích ở khu vực công nghiệp quý I cho thấy, hầu hết các ngành tăng điểm, trong đó công nghiệp khai khoáng ước tăng 0,06%, mặc dù có thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng đề ra, nhưng vẫn đóng góp 0,01 điểm % tăng trưởng GRDP, chiếm tỷ trọng 21% GRDP; sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước ước tăng 2%, đóng góp 0,29 điểm % tăng trưởng GRDP, chiếm tỷ trọng 15,1% GRDP; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 25,95%, tăng 16,16 điểm % so với cùng kỳ, cao hơn 12,97 điểm % so với kịch bản, đóng góp 3,16 điểm % tăng trưởng GRDP.
Khu vực xây dựng ước tăng 7,85%, mặc dù thấp hơn 3,65 điểm % so với kịch bản đề ra, nhưng vẫn đóng góp 0,38 điểm % tăng trưởng GRDP, chiếm tỷ trọng 4% trong GRDP.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Những kết quả đạt được trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tạo đà cho lĩnh vực này tiếp tục bứt tốc trong quý II, khi nhiều nhà máy tại KCN hoàn thiện công tác đầu tư, đưa vào sản xuất; ngành Than tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ phục vụ sản xuất điện mùa nắng nóng, xuất khẩu.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3/2024, từ những phân tích, đánh giá của các sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh xác định trong quý II, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh dự tính tăng trưởng 6,79%, qua đó 6 tháng đầu năm tăng trưởng khoảng 6,61%. Một số ngành công nghiệp - xây dựng được xác định có tốc độ tăng trưởng lớn trong quý II là chế biến, chế tạo, khai khoáng, sản xuất điện, đầu tư công.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng cường ứng dụng KHCN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than; sản xuất điện hiệu quả, cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Để hoàn thành mục tiêu 6 tháng đầu năm 2024 sản lượng sản xuất 21,4 triệu tấn than sạch, ngành Than đang huy động trang thiết bị máy móc, công nghệ, nhân lực đẩy mạnh sản xuất, tăng ca, tăng kíp trên các khai trường, hầm lò, bến cảng. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc TKV, cho biết: Các đơn vị thành viên TKV phát động phong trào thi đua sôi nổi trên hầu khắp công trường, phân xưởng sản xuất với khí thế hết sức khẩn trương, tích cực; cùng với đó áp dụng các biện pháp phòng, chống mưa bão, đảm bảo cho sản xuất an toàn, liên tục, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, nhằm đạt được mục tiêu cao nhất của Tập đoàn đề ra.
Ở khu vực xây dựng, thời điểm quý II, các dự án, công trình khởi công mới sử dụng ngân sách tỉnh sẽ được khởi công, tạo bứt phá cho giải ngân vốn đầu tư công 2024. Dự kiến đến hết quý II tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch giao trong năm. Đây sẽ là điểm nhấn, nguồn động lực được tỉnh kỳ vọng đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công, nhất là liên quan đến nguồn vật liệu san lấp, gia cố nền móng; công tác đền bù, GPMB; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; vị trí đổ thải; đánh giá tác động môi trường; xử lý tài sản công.
Với những ngành, lĩnh vực đã được tỉnh xác định có sự tăng trưởng lớn với những giải pháp hết sức chặt chẽ được chủ động triển khai từ xa, từ sớm, tốc độ tăng trưởng kinh tế do UBND tỉnh đề ra trong quý II/2024 đạt 9,15% là hoàn toàn khả thi, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục có những bứt phá trong những tháng tiếp theo để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 2 con số trong năm 2024, qua đó giữ vững mức tăng trưởng kinh tế 10 năm liên tục (2015-2024).