Antonin Jullier, Giám đốc toàn cầu về chiến lược kinh doanh chứng khoán tại Citi phát biểu trên đài CNBC cho biết, các chính sách mua trái phiếu của các ngân hàng trung ương lớn như Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang có ảnh hưởng bất lợi trên thị trường.
“Việc thanh khoản thiếu hụt xuất phát từ các gói nới lỏng tiền tệ (QE). Đây là một trong những hậu quả... nó đang hút tiền ra,” Jullier cho biết.
Theo vị chuyên gia này, các gói kích thích mang tính chất một chiều, nó giúp gia tăng giá trị chứng khoán nhưng không tạo ra thêm thanh khoản cũng như sự tăng lên về vốn.
“Việc kiểm kê ròng cho thấy chứng khoán đã không thực sự tăng cho đến năm nay. Vì vậy không có nhiều chứng khoán mới,” Jullier cho biết, gọi đây là giai đoạn “suy giảm chứng khoán lưu hành” (de-equitization).
Các ngân hàng trung ương đang mua các tài sản có thu nhập cố định trên thị trường trái phiếu thứ cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mục đích của hành động này nhằm đẩy mạnh thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, qua đó khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn.
Chính sách này không những được triển khai tại Mỹ và châu Âu, mà còn được thực hiện tại Nhật và Vương quốc Anh.
Một số nhà kinh tế đã chỉ trích phương thức này. Tuy nhiên, gần đây thì ngay cả các thành viên thị trường đã lên tiếng lo ngại về việc định giá quá đắt cũng như sự thiếu thanh khoản từ việc triển khai chương trình này.
Steven Maijoor, Chủ tịch của Cơ quan Quản lý Thị trường và Chứng khoán Châu Âu (ESMA), đã nói về một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể xảy ra ở khu vực đồng tiền chung châu Âu trong một cuộc họp về các quy định tài chính tháng trước.
Trong khi đó vào tháng 11 năm ngoái, một báo cáo của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA) đã xem xét chương trình trái phiếu doanh nghiệp của châu Âu và có kết luận rằng thanh khoản “đang bốc hơi nhanh chóng”, mà nguyên nhân chủ yếu là do các quy định tài chính và chương trình kích thích tiền tệ bất thường.
Tuy nhiên thì không phải ai cũng nhanh chóng quy lỗi tình trạng hiện tại trên thị trường cho chương trình QE.
Jame Dimon của ngân hàng JPMorgan và Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ đều cảnh báo rằng thanh khoản thấp đang gây biến động lớn trong giao dịch hàng ngày trên thị trường. Tuy nhiên, hai vị này lại lý giải những nguyên nhân khác, ví dụ như những quy định mới của các cơ quan quản lý.
“Hệ thống ngân hàng hiện tại đã an toàn hơn nhiều so với quá khứ, nhưng chúng ta cần phải nghĩ đến những hậu quả của vô số các quy định mới và chính sách tiền tệ hiện tại đối với thị trường tiền tệ và thanh khoản, đặc biệt nếu chúng ta bước vào một môi trường khốc liệt hơn,” Dimon cho biết trong một bản tin trong tháng 4./.
Mai Hương (Theo CNBC)