Tuyến kênh xáng Ðông Hưng, thuộc địa bàn giáp ranh 2 xã Ðông Thới và Trần Thới, có dòng chảy mạnh, biên độ thuỷ triều dao động rất lớn nên tình trạng sạt lở đất ven sông thường xuyên xảy ra, làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2021, trên tuyến xảy ra 7 vụ sạt lở đất ven sông, làm hư hỏng 240 m lộ bê-tông và rất khó khắc phục, sửa chữa.
Ðể phòng, chống sạt lở ven sông, bảo vệ lộ bê-tông đi qua phần đất gia đình, không ít hộ dân đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng bờ kè bê-tông cốt thép, nhưng chỉ sau thời gian ngắn là bị hư hỏng và không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân là do độ mặn trên sông rất cao, làm cho phần cốt thép bên trong nhanh chóng bị gỉ sét và phá vỡ kết cấu bờ kè.
Trong khi đó, một vài hộ dân trên tuyến kênh xáng Ðông Hưng tạo bãi trồng mắm lại phát huy hiệu quả. Ðiển hình là hộ anh Mai Văn Ða, ở ấp Kinh Lớn, xã Ðông Thới tạo bãi và trồng hàng mắm được gần 10 năm tuổi, anh thường xuyên cắt cành, tỉa nhánh khống chế chiều cao và tạo thành hàng rào mắm ven sông trông rất đẹp. Còn bộ rễ cây mắm phát triển tạo thành một lớp thực vật dày đặc ở bờ sông, không chỉ có tác dụng làm giảm áp lực những cơn sóng do xuồng ghe lưu thông qua lại, mà còn giúp phù sa dễ dàng bồi lắng theo thời gian nên không xảy ra tình trạng sạt lở ven sông, lộ bê-tông trước nhà của gia đình được bảo vệ an toàn.
Ðể bảo vệ công trình trên địa bàn, năm 2021, xã Ðông Thới triển khai dự án thí điểm kè mềm tạo bãi kết hợp trồng cây mắm với tổng chiều dài hơn 2.000 m trên tuyến kênh xáng Ðông Hưng. Trong đó, người dân tận dụng cây gỗ sẵn có ở địa phương làm cọc và lưới mành rào che chắn, Nhà nước hỗ trợ thuê cơ giới múc đất bên ngoài bỏ vào, kết hợp với trồng cây mắm tạo thành bờ kè mềm, dự án được người dân đồng tình ủng hộ rất cao.
Dự án kè mềm được bà con nông dân sáng tạo đào rãnh trồng mắm. |
Ðặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều hộ dân còn sáng tạo, trước khi trồng cây mắm, đào một rãnh nhỏ có chiều ngang khoảng 40 cm, độ sâu 20 cm và vớt hạt mắm trên sông trồng ngay trong rãnh này, rất hiệu quả. Ông Nguyễn Minh Phồi (ấp Kinh Lớn) cho biết, với cách làm này, mỗi khi nước lớn, phù sa sẽ lắng đọng trong rãnh giống như vun gốc cho hàng mắm mới trồng nên cây phát triển rất tốt, sau thời gian, rãnh trồng mắm sẽ được lấp đầy, gốc mắm được chôn vùi sâu xuống đất giúp cây mắm phát triển tốt hơn. Còn trồng trên mặt đất không tạo rãnh, khi xuồng ghe lưu thông tạo ra những cơn sóng, làm cho cây mắm mới trồng thường xuyên bị lay động, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Ông Lâm Hoàng Kiếm, Phó chủ tịch UBND xã Ðông Thới, cho biết: “Hiện cây mắm phát triển rất tốt, sau 2 năm trồng, bộ rễ mắm phát triển sẽ phát huy hiệu quả chống sạt lở. Xã phát động Nhân dân trên địa bàn nhân rộng cách làm này nhằm duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông khi xã Ðông Thới được công nhận xã nông thôn mới”.
Theo tính toán của bà con, để làm hoàn thành 1 m bờ kè mềm chi phí khoảng 150.000 đồng và rất dễ làm, bền vững hơn so với bờ kè bê-tông cốt thép. Kè mềm tạo bãi trồng mắm được xem là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, triều cường thường xuyên dâng cao tác động trực tiếp bờ sông làm tăng nguy cơ sạt lở như hiện nay./.
Việt Tiến