Ngành y có những bác sĩ không kê đơn,ầmlặngnhữngbcsĩkết quả livescore không được bệnh nhân nhớ đến và phải thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại. Đó là những bác sĩ làm công tác pháp y, người thường xuyên tiếp xúc với tử thi, tìm nguyên nhân để làm sáng tỏa những cái chết uẩn khúc. Và cứ thế, họ thầm lặng với công việc của mình.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tâm (phải) và bác sĩ Phạm Xuân Nghi đang nghiên cứu hồ sơ giám định một vụ việc.
Những người chứng minh sự thật
Đến Trung tâm Pháp y Hậu Giang vào một buổi chiều ngày cuối tuần, không như suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về một trung tâm hoành tráng với những máy móc thiết bị hiện đại, “ngôi nhà chung của những bác sĩ pháp y Hậu Giang” nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với diện tích khoảng chừng 100m2.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc trung tâm, ra đón chúng tôi, rồi hồ hởi giới thiệu: “Trung tâm hiện có 9 cán bộ, nhưng chỉ có 4 giám định viên. Do đặc thù công việc nên tụi tôi làm việc cũng không kể giờ giấc, không ngại trời mưa hay nắng… khi nào có cuộc gọi từ cơ quan điều tra, tố tụng cần tới giám định pháp y là các anh em tại trung tâm lại chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, hành trang để lên đường”.
Ngành pháp y non trẻ của Hậu Giang dù chỉ mới thành lập hơn 10 năm qua, tuy nhiên mỗi năm tiếp nhận hàng trăm trường hợp tử vong cần đến lực lượng pháp y.
Chia sẻ về công việc của mình, bác sĩ Tâm cho biết, anh đến với nghề là do duyên số. Trước đây, anh tham gia công tác y tế ở cơ sở, rồi năm 2006 được chuyển về Trung tâm Pháp y tỉnh. Khi chúng tôi hỏi anh, mỗi năm thực hiện khoảng bao nhiêu vụ việc khám nghiệm hay giám định thương tật, anh nói anh cũng chả nhớ hết số lượng, nhưng anh cũng không thể quên nhiều vụ án với những cái chết nhói lòng, phải tìm dấu vết để làm sáng tỏa cho nạn nhân hay những trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục mà anh trực tiếp giám định.
“Nghề này ít ai biết, nhưng khi biết rồi chẳng mấy ai “cảm”, ngay cả người thân, đồng nghiệp trong ngành y cũng không xem trọng. Nhưng đã dấn thân, mình phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”, bác sĩ Nguyễn Minh Tâm, tâm sự.
Bác sĩ pháp y ngoài bị động về giờ giấc làm việc còn luôn phải sẵn sàng đi công tác, phục vụ yêu cầu giám định của cơ quan điều tra, tố tụng. Việc giám định đòi hỏi sự chính xác, nêu lên sự thật bằng các chứng cứ khoa học, giúp cơ quan điều tra định hướng những bước đi trong quá trình phá án, đồng thời giải tỏa những thắc mắc, hoài nghi trong dư luận.
Cũng có những trường hợp bác sĩ pháp y phải tham gia phiên xét xử tại tòa để trình bày các chứng cứ giám định, buộc các bên liên quan phải tâm phục, khẩu phục. Bằng kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, các bác sĩ pháp y đem đến góc nhìn khoa học về những thương tật, cái chết của nhiều nạn nhân, mà hiểu theo nghĩa nôm na là “nói thay tiếng nói của người đã khuất”.
Theo bác sĩ Tâm, đã đến với nghề này thì người giám định viên phải luôn trong tâm thế sẵn sàng cho công việc, dù bất kể ngày nghỉ hay lễ tết. Như hôm chủ nhật rồi, anh vừa thay bộ quần áo mới chuẩn bị đi đám giỗ ở nhà một người bạn cùng ngành thì nghe tin có án, thế là anh cùng với đồng nghiệp lại tất bật chạy đến hiện trường ở xã Vị Tân. Nạn nhân là một cụ ông đã tử vong trong nhà vệ sinh khoảng 3 ngày, khám nghiệm xong vụ việc thì mùi hôi, thối bám khắp người, tắm cả tuần cũng không hết, thế là hai anh em đành mua vội thùng bia gửi bạn rồi chạy về nhà. “Nếu người ta không hiểu cho công việc của mình, thì mình đành chịu”, bác sĩ Tâm cười nói.
Lặng lẽ với nghề
Khi chúng tôi đề nghị anh chia sẻ về những niềm vui, nỗi buồn trong nghề. Bác sĩ Tâm thẳng thắn nói ngay: “Nghề này buồn nhiều hơn vui em ạ!”. Chỉ nghĩ đơn giản, khi có một người tử vong cần phải khám nghiệm, đến hiện trường thì đã là chuyện buồn, rồi sự mất mát, tức tưởi từ gia đình nạn nhân càng làm không khí thêm sầu thảm. Hay như những người đến đây giám định thương tích, họ cũng chẳng bao giờ có thể mang một vẻ mặt vui.
Cái khó là vậy, bởi thế mà hơn 10 năm qua, trung tâm chưa có một bác sĩ trẻ nào tự nguyện đến làm việc, các bác sĩ đa phần đều là những người từ nhiều nơi quy tụ về. Như trường hợp bác sĩ, giám định viên Phạm Xuân Nghi là một người như thế.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề y, 10 năm làm công tác pháp y, anh là người trực tiếp khám nghiệm hiện trường nhiều vụ trọng án trên địa bàn tỉnh. Với anh, những lần đón giao thừa tại hiện trường khám nghiệm hay đi công tác nửa đêm không phải là chuyện hiếm.
Anh tâm sự, có năm, ngày 30 tết, anh tham gia khám nghiệm 3 vụ chết người, liên tục từ sáng đến tối. Đã là công việc thường xuyên nên chẳng còn cảm giác chạnh lòng, tủi thân với nghề nữa. Chỉ xót xa, ngậm ngùi cho người xấu số và người thân của họ phải chia lìa đúng vào thời khắc của sum vầy, đoàn tụ.
Với anh Nghi, dù đã có nhiều thâm niên trong nghề, tuy nhiên, ám ảnh nghề nghiệp lớn nhất đối với anh là phải khám nghiệm tử thi những trường hợp người chết đuối hay những vụ án mà nạn nhân là trẻ em.
Bác sĩ Nghi nhớ mãi trong đời lần khám nghiệm tử thi một trường hợp bé trai 3 tuổi ở Phụng Hiệp. Khi anh đến nơi thì bé đã tử vong vài giờ, mọi chuyện tưởng chừng đơn giản qua những dấu vết ban đầu được kết luận là một tai nạn bình thường. Tuy nhiên, bằng cái tâm với nghề và kinh nghiệm nhiều năm của một giám định viên, nghĩ rằng có điều uẩn khúc, anh mạnh dạn điện thoại cho cơ quan điều tra tỉnh yêu cầu được khám nghiệm lại một lần nữa. Qua chứng cứ tại hiện trường và dấu vết trên người em bé cho thấy, em tử vong do có vết đâm xe máy và bị bỏ lại tại hiện trường. Khi vụ việc được điều tra lại, những kẻ thủ ác được xác định là mấy thanh niên thường xuyên ăn chơi, nhậu nhẹt trong xóm gây ra tai nạn đã phải đền tội.
Hay như trường hợp tử vong đã nhiều ngày, nổi trên sông của một thanh niên ở huyện Long Mỹ, thi thể nạn nhân có nhiều vết thương nhưng ban đầu không thể xác định là do tàu thuyền qua lại đụng trúng hay nguyên nhân gì. Thế rồi, sau nhiều ngày nghiên cứu và những vết tích để lại trên người nạn nhân, anh đã chứng minh được nạn nhân bị hung thủ gây thương tích, sau đó đẩy xuống kênh dẫn đến tử vong. Vụ việc được điều tra và phá án thành công.
Khi được hỏi về yếu tố tâm linh trong nghề, bác sĩ Nghi bảo, tùy vào niềm tin của mỗi người, miễn làm việc gắn trách nhiệm trước pháp luật, trách nhiệm với nạn nhân, đúng lương tâm thì không việc gì phải e sợ. Có những trường hợp tai nạn giao thông thương tâm, thi thể nạn nhân không nguyên vẹn hay những trường hợp bệnh nhân tử vong mà người thân chưa tới kịp, hoặc vì lý do nào đó thi thể phải lưu lại nhà xác, bác sĩ pháp y cũng làm mọi thủ tục như người thân của mình”.
Trời đã chiều muộn, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và anh Nghi đứt đoạn bằng tiếng chuông điện thoại liên hồi. Trước khi chia tay, anh tâm sự rằng, còn mấy tháng nữa anh sẽ về hưu, sắp phải chia tay cái nghề bạc bẽo này. Còn chúng tôi nghĩ, nghề bác sĩ pháp y chẳng có gì là bạc bẽo, công việc của các anh cũng giống như người trồng hoa, người chơi nhạc vậy. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn, khi qua bàn tay của các bác sĩ pháp y, cái ác được loại trừ.
“Khi nghe tới “pháp y” là người ta nghĩ ngay đến việc mổ tử thi hay người chết, những suy nghĩ đó khiến công việc này trở nên đáng sợ trong mắt mọi người. Sự thật, công việc của chúng tôi là nói thay tiếng nói của những người đã khuất, giúp các vụ việc, vụ án được thông suốt bằng chứng cứ khoa học, tội ác phải phơi bày trước ánh sáng của công lý”, bác sĩ Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Pháp y Hậu Giang, tâm sự. |
Trong năm 2016, Trung tâm Pháp y Hậu Giang đã giám định 569 trường hợp, bao gồm: Khám nghiệm hiện trường, giám định thương tật, xét nghiệm ADN… hỗ trợ cơ quan điều tra, tố tụng trong quá trình thực thi pháp luật. 3 tháng đầu năm 2017, trung tâm đã giám định 40 trường hợp, trung bình mỗi tuần trung tâm tiến hành giám định khoảng 2 trường hợp tử vong, hơn 5 cas thương tật. |
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO