Dự kiến lỗ gần 2.900 tỷ đồng
Theo báo cáo của SBIC, sau 7 tháng tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ - SBIC đạt 249 tỷ đồng, hoàn thành 10,7% kế hoạch năm, giảm mạnh so với mức 740 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong đó 98% là doanh thu từ hoạt động tài chính (đạt tới 242 tỷ đồng), doanh thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chỉ đạt vỏn vẹn hơn 6 tỷ đồng. Trong tháng 7, giá trị sản xuất toàn tổng công ty ước đạt 253 tỷ đồng, nâng tổng giá trị sản xuất 7 tháng lên 1.858 tỷ đồng, qua đó hoàn thành 37% kế hoạch doanh thu cả năm.
Trong cơ cấu doanh thu của Tổng công ty, 2 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là đóng mới tàu, thuyền, phương tiện nổi và sửa chữa mới tàu, thuyền, phương tiện nổi đóng góp tới 93% giá trị sản xuất 7 tháng đầu năm với 1.732 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất mảng đóng mới và sửa chữa tạo ra lần lượt là 1.451 tỷ đồng và 231 tỷ đồng.
Đối với hoạt động của 8 đơn vị giữ lại, sau 7 tháng, giá trị sản xuất ước tính 1.494 tỷ đồng trong khi doanh thu ước đạt 1.135 tỷ đồng, hoàn thành 39% và 40% kế hoạch cả năm. Riêng tháng 7, 8 doanh nghiệp này đã tạo ra 231 tỷ đồng giá trị sản xuất trong đó 2 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính chiếm 97%. Trước đó, trong tháng 6, 8 đơn vị này chỉ tạo ra 238 tỷ đồng giá trị sản xuất, bằng 56% so với cùng kỳ năm ngoái nâng tổng giá trị sản xuất nửa đầu năm lên 1.263 tỷ đồng trong đó mảng đóng mới tàu, thuyền, phương tiện nổi tạo ra 1.082 tỷ đồng, mảng sửa chữa tàu, thuyền, phương tiện nổi tạo ra 149 tỷ đồng.
Theo đánh giá của SBIC, thời gian qua thị trường vận tải và đóng tàu trên thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn và chưa thấy có tín hiệu phục hồi tích cực, thị trường vận tải biển vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do sự bất ổn của nền kinh tế thế giới và hiện tượng thừa cung về năng lực vận tải. Do vậy, giá cước trên thị trường sẽ tiếp tục gây sức ép đối với các chủ tàu, ảnh hưởng tới việc đầu tư đóng mới các phương tiện vận tải, trong đó bao gồm cả các chủ tàu trong và ngoài nước.
Trong các năm 2013, 2014, 2015, 2016 giá trị sản xuất và doanh thu của SBIC đều cao hơn năm trước, nhưng năm nào SBIC cũng lỗ. Đáng chú ý năm 2015, toàn tổng công ty lỗ tới 4.699 tỷ đồng. Năm 2017, SBIC có số lỗ trước thuế lũy kế hơn 3.700 tỷ đồng. Đồng thời doanh nghiệp này cũng đang nợ thuế hàng trăm tỷ đồng. Trước tình hình kinh doanh không mấy khả quan, SBIC dự tính cả năm 2018 Công ty mẹ - SBIC lỗ trước thuế 2.884 tỷ đồng, mặc dù tổng doanh thu và thu nhập khác vẫn được đặt ra tới 2.320 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động tài chính là 2.291 tỷ đồng.
Trong thực hiện Đề án tái cơ cấu, có 4 vấn đề cần đặc biệt quan tâm là: Tái cơ cấu lao động, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu quản trị, sản xuất kinh doanh. Hiện, tái cơ cấu lao động của SBIC cơ bản đã xong. Mục tiêu tiếp theo là tái cơ cấu DN, tài chính và quản trị, sản xuất kinh doanh. Trong năm 2018, SBIC có những chiến lược chủ đạo để tập trung tái cơ cấu về quản trị, sản xuất kinh doanh hướng tới mục tiêu giảm chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.
Trước đó, SBIC đã dành được các hợp đồng đóng series tàu dầu, hóa chất 6.500 tấn cho chủ tàu Hàn Quốc, hiện đang đàm phán tiếp với đối tác Hàn Quốc về đóng tàu trên 10.000 tấn, mở ra hướng mới trong đóng tàu xuất khẩu… Ngoài ra, là thị trường nội địa với các dòng sản phẩm tàu cá, tàu du lịch...
Làm sao cắt lỗ?
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, phân tích rõ hơn về việc tái cơ cấu lại nợ của SBIC, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nguồn vốn của Vinashin mà bây giờ là SBIC rất khó xử lý, bởi trong đó có một khoản nợ vay nước ngoài lớn và việc trả nợ trong điều kiện sản xuất kinh doanh cũng như doanh thu thu nhập của SBIC còn nhiều giới hạn.
Trả lời câu hỏi làm thế nào để SBIC xử lý dứt điểm được “cục máu đông” này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều này là rất khó bởi ngay cả bây giờ nếu các công ty con của SBIC có thể cổ phần hóa hay bán lại được thì các cổ đông, doanh nghiệp hay cá nhân mua lại các công ty này phải chấp việc sẽ phải gánh cả các khoản lỗ lẫn các khoản vay nợ phải trả hiện nay. Tuy nhiên theo ông Thịnh, việc xử lý này rất cần có sự ra tay giúp đỡ của Nhà nước.
Tuy hiện nay ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn nhưng việc giúp đỡ xử lý lại nợ của các doanh nghiệp này là rất cần thiết bởi trước sau thì việc tái cấu trúc cũng sẽ phải diễn ra và Nhà nước cũng không cần thiết phải nắm giữ phần lớn nguồn vốn tại SBIC nữa. Nhà nước phải chấp nhận mất một phần vốn để thực hiện cổ phần hóa cũng như tái cấu trúc cho doanh nghiệp này. Có một điều đáng quan tâm là trước khi cổ phần hóa thì xử lý nợ như thế nào cho hợp lý. Chúng ta có thể bán lại cho doanh nghiệp nào đó đứng ra mua trong đó sẽ có cả vốn và các khoản nợ nên có thể bán cả các khoản nợ. Hoặc Nhà nước sẽ đứng ra “cáng đáng” để giảm bớt một phần các khoản nợ đến mức phù hợp để các doanh nghiệp có thể đứng ra mua lại được các công ty con đang thua lỗ của SBIC. Bởi nếu với mức độ nợ như hiện nay việc bán các doanh nghiệp này cho các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và cổ phần hóa nói chung sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
“Đằng nào, mỗi năm SBIC cũng đều vẫn bị lỗ cả ngàn tỷ đồng thì thà rằng Nhà nước tính toán một mức lỗ nào đó ở mức chấp nhận được để giải phóng bớt nợ xấu từ đó bán được các công ty con đang thua lỗ. Nếu xử lý được các công ty con đang làm ăn thua lỗ sẽ giúp kéo hoạt động sản xuất kinh doanh của SBIC tốt hơn”, ông Thịnh đề xuất.