BPO - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia thu hút,n tkết quả các câu lạc bộ châu âu trọng dụng nhân tài”. Nhân dịp này giới thiệu cùng bạn đọc về việc người xưa trọng dụng nhân tài. Trước hết xin giới thiệu đôi nét về nhân tài là gì? Theo định nghĩa của Từ điển Hán ngữ hiện đại: Nhân tài là người có tài năng và đạo đức; có một sở trường nào đó. Theo từ điển Tiếng Việt do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 2000, thì nhân tài là: Người có tài. Còn theo Wikipedia, bách khoa toàn thư mở thì nhân tài là: Người có năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức, có tầm ảnh hưởng lớn trong một vùng; có thể làm thay đổi bộ mặt của một quốc gia. Nhân tài là người tài giỏi, người bộc lộ khả năng, sự hiểu biết hơn người. Đó là những người nổi trội trong chuyên môn cũng như trong ứng xử.
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh rằng, phát hiện và trọng dụng nhân tài là một trong những dấu son trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bởi vì, từ buổi đầu dựng nước, tổ tiên của chúng ta là các vua Hùng, rồi càng về sau, việc tìm kiếm, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài được các triều đại phong kiến ngày càng chú trọng hơn. Trong tác phẩm thiên cổ hùng văn - Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi - anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định rằng: Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/… Dẫu cường nhược từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực trong công việc của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết cán bộ, học viên Trường Dân tộc miền núi Trung ương - Ảnh tư liệu
Bằng chứng là trong truyền thuyết về Thánh Gióng, thời các vua Hùng dựng nước đã thể hiện rõ nội dung nêu trên. Và chuyện xưa kể lại rằng: Ngày ấy, giặc Ân kéo vào cướp nước ta. Chúng đi đến đâu là đốt phá nhà cửa, giết người cướp của đến đấy. Quân đội Hùng Vương nhiều phen xuất trận nhưng đánh không lại chúng. Vua Hùng lấy làm lo lắng vội phái sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm tướng tài để giúp vua cứu nước... Khi đó, mặc dù đã 3 tuổi nhưng chú bé Gióng vẫn không biết nói, biết cười. Một hôm sứ giả đi đến làng, Gióng nhìn mẹ rồi mở miệng bật lên thành tiếng: Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con! Khi sứ giả đến, Gióng chững chạc nói: Về bảo với nhà vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một áo giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho! Khi sứ giả trở lại, Gióng cưỡi ngựa sắt xông trận. Không đầy một buổi, Gióng đã trừ xong nạn cho nước nhà….Với nội dung của truyện cổ tích nêu trên cho thấy, ngay từ thời xa xưa, các vua Hùng đã nhận thức rõ vai trò, vị trí của người tài giỏi. Cao hơn thế là các vua Hùng tin rằng trong dân gian, ở đâu và khi nào cũng có nhân tài.
Đến các triều đại phong kiến về sau như Lý, Trần, Lê cho đến triều Nguyễn vẫn thường xuyên xuống “Chiếu cầu hiền”. Đồng thời, thông qua các kỳ thi tam trường, với 4 môn thi (kinh sách, chế chiếu, thi phú, văn sách) và quy chế khắt khe để phát hiện, thực bồi và trọng dụng nhân tài. Bắt đầu từ đời nhà Lý, vào năm 1075, Lý Nhân Tông đã xuống chiếu thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Đây là khoa thi đầu tiên, chọn nhân tài vào Hàn lâm viện, mở đầu cho truyền thống khoa cử ở Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX. Việc thi cử được tổ chức rất bài bản, đào tạo quan văn được tổ chức ở Quốc Tử Giám, đào tạo quan võ được tổ chức ở Giảng Võ đường. Việc lựa chọn trạng nguyên được chính nhà vua ra đề và chấm thi. Đến thời nhà Lê, khoa cử đã được chế định tương đối hoàn chỉnh. Cứ cách 3 năm có một kỳ thi. Thi hương vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu; còn thi hội vào các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất.
Vào thời nhà Trần, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, không chỉ là nhà quân sự thiên tài, có đạo đức trong sáng, nêu gương trung quân, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của gia tộc và bản thân mà còn là một vị vương gia ham học, quan tâm đến việc trọng dụng và đào tạo nhân tài cho đất nước. Dưới sự giáo dục, chỉ bảo của Trần Quốc Tuấn, nhiều người đã thành đạt, cống hiến hết mình cho đất nước, như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Thì Kiến, Phạm Lãm, Nguyễn Thế Trực... Cũng vào thời Trần, cho đến ngày nay vẫn còn lưu truyền giai thoại về việc Trần Thủ Độ chọn người tài. Chuyện kể rằng, bà Trần Thị Dung là vợ có nhờ ông ưu ái cho người cháu trong việc tuyển chọn một chức quan phủ. Vì ông biết người này không có tài cán gì nên ra điều kiện, nếu chấp nhận chặt 1 ngón chân cái thì sẽ được tuyển làm quan. Nghe vậy, người cháu kia không nói năng gì mà bỏ về. Như vậy, ngay từ xa xưa, tổ tiên chúng ta đã biết gạt bỏ tình riêng trong việc tuyển chọn người hiền tài.
Đến thời hậu Lê, đánh giá về khoa cử thời này, sử cũ có ghi: “Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng: đời sau càng không thể theo kịp. Kẻ sĩ bấy giờ học được rộng mà không cần phải tìm tòi tỉ mỉ. Tài được đem ra ứng dụng mà không bỏ rơi. Trong nước không bỏ sót nhân tài. Triều đình không dùng người kém. Nói về tầm quan trọng của nhân tài và trọng dụng nhân tài để xây dựng, phát triển đất nước, trong văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Thăng Long - Hà Nội) được dựng vào thời vua Lê Thánh Tông - niên hiệu Hồng Đức, Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám Thân Nhân Trung đã khẳng định: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết.
Về sau, hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng căn dặn: Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc. Xuất phát từ tư tưởng này, Nguyễn Huệ đã nhiều lần viết thư, cử người đem cùng lễ vật đến mời ông, rồi còn trực tiếp gặp để mời cho bằng được Nguyễn Thiếp - La Sơn phu tử ra giúp mình. Trong một lá thư, Nguyễn Huệ đã viết rất chân thành thể hiện sự trọng vọng của ông đối với Nguyễn Thiếp: “...Thiên hạ loạn như thế này, dân sinh khổ như thế này mà Phu tử nhất định ẩn không ra thì sinh dân thiên hạ làm sao? ...mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với dân sinh, vụt dậy ra đi, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi”. Trước sự kiên trì và thái độ chiêu hiền đãi sĩ của Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiếp quyết định cống hiến tài năng, sức lực của mình với “những người nông dân áo vải cờ đào”.
Như vậy, để thu hút và trọng dụng người có tài trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, ông cha ta đã vận dụng nhiều phương pháp khác nhau, với những thời điểm và với những đối tượng khác nhau. Kế thừa và phát huy truyền thống trọng dụng người hiền tài của ông cha trong lịch sử, từ khi được thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thu hút, trọng dụng nhân tài, đánh giá cao năng lực sáng tạo và khả năng đóng góp to lớn của tài năng cho đất nước.