Hành trình đã qua của Miss Universe VN: Đáng chú ý nhất là việc ban tổ chức chi tiền tỷ
Một mùa Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nữa đã khép lại. Hiện tại, cuộc thi vẫn là chủ đề được nhiều người quan tâm và bàn tán.
Ngày 25/6, đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 đã diễn ra trong sự mong chờ của hàng triệu khán giả. Sau nhiều tháng tranh tài, cuối cùng người đẹp đến từ Tây Ninh - Nguyễn Thị Ngọc Châu đã giành chiến thắng. Cô trở thành chủ nhân của chiếc vương miện Vinawoman sang trọng và đầy quyền lực. Vị trí Á hậu 1 thuộc về Lê Thảo Nhi và Á hậu 2 là Huỳnh Phạm Thủy Tiên.
Mặc dù cuộc thi đã kết thúc được hơn 1 tuần nhưng vẫn là chủ đề được nhiều khán giả quan tâm. Được biết, chi phí tổ chức cuộc thi năm nay lên đến hơn 10 triệu USD (khoảng 230 tỷ đồng). Đây là con số “khủng”, gần bằng 1 kỳ đăng cai Miss Universe. MC Đức Bảo từng chia sẻ, cuộc thi được tổ chức lớn và chuyên nghiệp không kém gì so với lễ khai mạc Sea Games 31. Đến các fanpage sắc đẹp của Thái Lan cũng phải công nhận rằng họ chưa bao giờ thấy một cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia lại hoành tráng như vậy, không thua kém gì cuộc thi quốc tế.
Vậy sau gần 3 năm quay trở lại và với số tiền đầu tư khổng lồ, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã có những thay đổi tích cực ra sao? Những vấn đề nào vẫn còn tồn đọng tại một trong những đấu trường sắc đẹp lớn nhất Việt Nam này?
Format chương trình đổi mới, bám sát với cuộc thi Miss Universe quốc tế
Giống với năm 2019, ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình thực tế Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 để các thí sinh tham gia thử thách. Tuy nhiên, format đã hoàn toàn thay đổi, thí sinh được chia team và có mentor để hỗ trợ, giúp đỡ trong các thử thách trong từng tập.
Ban đầu, một số ý kiến cho rằng việc chia team như vậy sẽ khiến cho các thí sinh phải đấu đá lẫn nhau, mất đi tinh thần của một cuộc thi sắc đẹp. Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược, việc chia nhỏ ngay từ đầu đã giúp cho thí sinh được lên sóng nhiều hơn thay vì mờ nhạt hoàn toàn như những năm trước. Ngoài ra, ban tổ chức đã sắp xếp Mâu Thủy và Kim Duyên trở thành mentor để dẫn dắt, giúp đỡ cho thí sinh nhằm tránh những màn đấu khẩu như chương trình năm 2019.
Bên cạnh việc training catwalk, chụp hình cho thí sinh thì chương trình năm nay cũng có thêm nhiều thử thách thú vị. Một trong số đó chính là debate (tranh luận) - các thí sinh hai đội sẽ phải nêu ý kiến trong một khoảng thời gian nhất định bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Debate nhằm kiểm tra được khả năng tư duy và ngôn ngữ của thí sinh. Trong vòng chung kết, các thí sinh cũng được trình bày câu trả lời theo hình thức song ngữ để thể hiện khả năng tiếng Anh. Tưởng chừng như không liên quan nhưng các thử thách này đều sẽ xuất hiện trong những vòng thi tại đấu trường quốc tế.
Vì bám sát format của cuộc thi quốc tế nên năm nay Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã có thêm phần thi Trang phục dân tộc. Phần thi này tạo điều kiện cho các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo và cũng giúp ban tổ chức tìm được trang phục dân tộc phù hợp cho hoa hậu tương lai.
Đặc biệt nhất chính là việc ban tổ chức đã trao vé vàng cho Đỗ Nhật Hà - một thí sinh chuyển giới để cô lọt vào Top 71. Điều đó đã khiến cô nàng trở thành thí sinh chuyển giới đầu tiên trong lịch sử tham gia vào cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Theo quy định, Đỗ Nhật Hà sẽ được tham gia đến Top 16 chung cuộc.
Dàn ban giám khảo vừa có tầm và có tâm
Ban tổ chức cuộc thi đã đưa ra những tiêu chí mới để chọn ra Hoa hậu. Chính vì vậy, thành phần ban giám khảo cũng đã có thêm một vài gương mặt mới như Á hậu Hoàng My, Hoa hậu H’Hen Niê, siêu mẫu Hà Anh. Ngoài ra, trong mỗi tập sẽ có những giám khảo khách mời khác nhau.
Các giám khảo đều đưa ra những lời nhận xét công tâm, mang tính xây dựng cho thí sinh. Những bình luận miệt thị ngoại hình, kỹ năng, hay những màn tranh cãi... đã hoàn toàn “bay màu”. Khán giả dành cho ban giám khảo “cơn mưa lời khen” vì tính chuyên nghiệp.
Đáng chú ý, nhà sản xuất đã mời hẳn dàn ban giám khảo “sang - xịn - mịn” trong đêm chung kết cuộc thi. Đó là Miss Universe 2005 Natalie Glebova, Miss Universe 2018 Catriona Gray, Miss Universe 2021 Harnaaz Sandhu, chủ tịch Miss Universe Paula Shugart và CEO Amy Emmrich. Sự xuất hiện của họ đã gây bão trên mạng xã hội, khiến cho dân tình không khỏi xôn xao về độ chịu chi của ban tổ chức. Những giám khảo khách mời này cũng đã có mặt trong vòng phỏng vấn kín với các thí sinh.
Những “hạt sạn” còn tồn đọng
Trong tập cuối cùng của Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, các thí sinh đã phải tham gia thử thách chụp hình trên không. Nhiều người đã gặp rắc rối với đạo cụ và không cho ra được những shoot hình đẹp mắt. Thậm chí, một người nhiều kinh nghiệm như siêu mẫu Võ Hoàng Yến cũng liên tục chới với khi vừa phải bám dây vừa tạo dáng. Khán giả đã cho rằng đây là một thử thách quá khó khăn và vô nghĩa, vì đây là cuộc thi Hoa hậu chứ không phải chương trình tuyển siêu mẫu.
Tiếp theo đó là phần thi Best Interview, các thí sinh sẽ bốc câu hỏi ngẫu nhiên để trả lời. Phần thi này được phát sóng trực tiếp và khán giả có thể bình chọn qua hình thức real-time. Tuy nhiên, phần bình chọn đã gặp trục trặc và đưa ra kết quả bình chọn sai lệch so với con số hiển thị trên màn hình. Trước tình hình đó, CEO Bảo Hoàng đã lên tiếng xin lỗi giữa đêm.
Và cuối cùng, đêm chung kết của cuộc thi vẫn chưa làm khán giả hài lòng. Khi các thí sinh đang đồng diễn trên sân khấu thì ánh đèn nhấp nháy liên tục khiến màn trình diễn không được trọn vẹn. Ngoài ra, góc quay của cameraman đã “dìm” kha khá người đẹp, khiến họ trở thành “nấm lùn”.
Mặc dù vẫn còn vài “hạt sạn” trong suốt quá trình cuộc thi diễn ra nhưng không thể phủ nhận cố gắng thay đổi của ban tổ chức cho Hoa hậu Hoàn vũ 2022. Họ đã đưa ra các tiêu chí phù hợp để tìm ra được chủ nhân xứng đáng nhất cho chiếc vương miện Vinawoman. Và kết quả đã không làm khán giả thất vọng, ai cũng hài lòng khi Ngọc Châu đăng quang, trở thành đại diện Việt Nam tiếp theo xuất hiện tại Miss Universe.
Bài viếtChi Nguyễn