Trong những ngày tháng 9 lịch sử này, hơn 4 vạn cán bộ, công chức thuế đang cùng nhau nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 36a của Chính phủ, để ngày càng gần gũi hơn, đồng hành với người nộp thuế.
Vượt qua chính mình
Cách đây đúng 72 năm, hàng triệu người dân Việt Nam chung niềm vui giành độc lập dân tộc (19/8/1945), khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Ngày 10/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký sắc lệnh số 27, lập ra Sở Thuế quan và thuế gián thu. Trải qua 72 năm, nhiều chính sách thuế đã được cải cách, sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, có lợi cho người nộp thuế. Và đặc biệt những người làm thuế hôm nay đã chuyển từ tư duy quản lý thuần túy sang tư duy phục vụ, đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Nói về thành tích mà ngành Thuế đã đạt được trong những năm qua tại một số diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhiều lần nhắc đến cụm từ “vượt qua chính mình”. Quả thật, sau mỗi lần chính sách thuế được sửa đổi, cùng với việc mang lại nhiều thuận lợi cho người nộp thuế, cơ quan thuế lại có nhiều việc phải làm hơn.
Người viết bài này từng nghe kể, chứng kiến nhiều câu chuyện, những hình ảnh đẹp của cán bộ thuế tận tụy với công việc. Họ đã làm việc không kể ngày đêm, với phương châm “Làm hết việc không phải hết giờ”. Giờ hành chính không hết việc, phải mang cả tài liệu về nhà để làm thêm cho kịp tiến độ được giao, từ người giữ trọng trách lãnh đạo cho đến những cán bộ bình thường trực tiếp đi thu. Điển hình là chị Lê Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Cuối ngày làm việc, người ta bắt gặp chồng chị đến cơ quan đón vợ. Hình ảnh anh chồng giúp vợ ôm một đống tài liệu, khệ nệ mang về nhà để tối làm việc đã quá quen với những người xung quanh. Công việc này lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
Hay câu chuyện của chị Mai Hương - một nữ cán bộ Chi cục Thuế quận Cầu Giấy, thuộc Cục Thuế TP. Hà Nội, kể về những ngày đầu vào ngành, đi thu thuế ở chợ xe máy cũ Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội). Tôi cứ hình dung, một cô gái trẻ nhút nhát, giữa vòng tròn những tay buôn bán chợ giời... Không ít lần cô hoảng sợ trước những ánh mắt trợn ngược, thái độ hùng hổ, những tuyên bố ngạo ngược. Cô bảo: “Mọi chuyện rồi cũng qua đi, khi mình đến với người ta bằng lòng chân thành, bằng lời lẽ hợp lý thì các anh ấy cũng rất vui vẻ mà nộp thuế, lâu dần thành quen, thân…”.
Nhờ sự nỗ lực của những cán bộ như vậy, nên ngành Thuế đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện được những công việc tưởng chừng như “bất khả thi”. Như việc giảm giờ nộp thuế chẳng hạn, chỉ trong vòng 2 năm (2014 - 2015), số giờ nộp thuế từ 537 giờ/năm đã giảm còn 117 giờ/năm (giảm 420 giờ/năm). Một kết quả ngoài sức tưởng tượng.
Trực thu như trực chiến
Những thành viên trong Ban lãnh đạo Tổng cục Thuế không thể nào quên câu chuyện “trực chiến” thu ngân sách vào ngày cuối năm. Hẳn nhiều người còn nhớ, mấy năm nay, giá dầu thô liên tục giảm mạnh so với dự toán, điều này khiến cho tình hình thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ thu, ngành Thuế đã đưa ra rất nhiều giải pháp quản lý thu, chống thất thu... Kết quả, nhiều địa phương đã thu vượt dự toán với tỷ lệ khá cao, nhiều khoản thu đã tăng lên cả nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thu ngân sách trung ương thì lại rất khó khăn, vì phụ thuộc vào kết quả thu của các địa phương có số thu lớn, điều tiết về ngân sách trung ương; phụ thuộc vào sản xuất, kinh doanh của các DN lớn. Vì thế, vào ngày cuối cùng của năm, cả Ban lãnh đạo Tổng cục Thuế như ngồi trên đống lửa, theo dõi, cập nhật thông tin từ các địa phương báo về.
Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế từng chia sẻ với chúng tôi về cái “không khí ngột ngạt” ấy. Những ngày cuối cùng của năm, thời điểm chốt số thu, cả Ban lãnh đạo Tổng cục Thuế phải ở lại trực đến 10 giờ đêm. Tất cả đều một tâm trạng rất căng thẳng, hồi hộp. “Mỗi khi có thông tin từ một địa phương nào đó chuyển về là đã hoàn thành, hoàn thành vượt dự toán, tất cả lại ồ lên, thở phào, niềm vui như vỡ òa. Bản thân tôi, cũng như với nhiều anh, chị em khác trong cơ quan Tổng cục Thuế khó có thể quên được cảm giác lúc đó”, ông Nam chia sẻ.
Ngày càng thấu hiểu, gần gũi người nộp thuế
Nhiều lần vượt qua những thử thách, khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị vào phút chót, cán bộ, công chức ngành Thuế đã được tôi luyện ngày càng bản lĩnh. Ban lãnh đạo Tổng cục Thuế cùng hơn 4 vạn cán bộ, công chức thuế đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ, đã mang lại kết quả đáng mừng: Đó là chính sách thuế ngày càng hoàn thiện, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới; kết quả thu luôn đạt và vượt dự toán; thủ tục hành chính được đơn giản hóa; quy trình thu nộp thuế được hiện đại hóa, điện tử hóa; DN, người nộp thuế ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi… Điều này đã được cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Công ty kiểm toán độc lập (PwC)… ghi nhận, đánh giá cao.
Không dừng lại ở đó, ngành Thuế đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cũng như chính sách pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành Thuế đặt mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN; có mức động viên thuế hợp lý, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả của Đảng và Nhà nước.
Cán bộ, công chức toàn ngành đang tiếp tục xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao…
Luôn hoàn thành nhiệm vụ thu Với nhiệm vụ thu ngân sách, kể từ khi được thành lập cho đến nay, ngành Thuế ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này được thể hiện ở kết quả thu ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, cho dù tình hình kinh tế có những chuyển biến bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu. |
Nhật Minh