Công nhận địa điểm thu gom hàng lẻ tại KCN Việt Nam – Singapore tại Bình Dương | |
Hải quan Bình Dương tạo sức bật mới | |
Bình Dương: Kim ngạch xuất khẩu tăng cao |
Không chỉ tăng về số lượng, năm 2022 dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh chất lượng hơn. Ảnh: Chí Tưởng |
Dự án tỷ USD khởi động
Vượt qua ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, kinh tế Bình Dương đã phục hồi mạnh mẽ. Thu hút đầu tư trên địa bàn đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 3 tháng năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,32 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 5,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã trao 22 giấy chứng nhận đầu tư mới cho các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn. Đáng chú ý, ngày 19/3, dự án xây dựng nhà máy sản xuất trên diện tích 44ha đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 3 (VSIP3) của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD đã được cấp phép.
Ngay sau khi nhận giấy phép đầu tư, ông Preben Elef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO bày tỏ sự phấn khởi và cho biết việc nhận được giấy chứng nhận đầu tư từ chính quyền tỉnh Bình Dương là cột mốc quan trọng đầu tiên của tập đoàn; mở đường cho lễ động thổ và khởi công của nhà máy LEGO tại Việt Nam. Nhà máy LEGO xây tại Bình Dương là nhà máy thứ 6 của LEGO trên thế giới và thứ 2 ở châu Á. Mục tiêu của LEGO khi xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương dự kiến mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Bên cạnh đó, LEGO sẽ gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cộng đồng tại địa phương.
Tương tự, là một doanh nghiệp FDI vừa được cấp chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) có vốn đầu tư 185 triệu USD chuyên về sản xuất màn hình vô tuyến, màn hình hiển thị, xây dựng nhà xưởng, dịch vụ kho bãi. Ông Lim Hua Tiong, Tổng giám đốc công ty cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Singapore chọn lựa Bình Dương để đầu tư. Điều này cũng chứng tỏ môi trường đầu tư năng động và thuận lợi của tỉnh luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Singapore nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Công ty TNHH Công nghiệp New Motion cam kết triển khai dự án đúng tiến độ, hoàn thành khoảng 40.000m2 nhà xưởng trong quý 2/2022 và đặt mục tiêu phát triển hơn 200.000m2 nhà xưởng cùng với nhiều tiện ích trong thời gian 6 - 7 năm.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có gần 4.050 dự án có vốn đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 39,4 tỷ USD. Trong đó, có 29 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích gần 13.000 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 83,4%. Việc hình thành các KCN đang tạo nền tảng vững chắc cho những thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương về thu hút đầu tư và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Tiếp tục bứt phá
Với kết quả này, Bình Dương đã vượt mục tiêu thu hút vốn ngoại cho cả năm 2022 của tỉnh. Không chỉ tăng về số lượng, năm 2022 dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh chất lượng hơn. Nhiều dự án trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo, năng lượng vươn lên dẫn đầu, đang dần thay thế những dự án ít giá trị gia tăng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, những “trái ngọt” có được như vậy là nhờ phần lớn vào việc địa phương luôn nhất quán chủ trương "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư", "trải thảm đỏ để thu hút nhân tài" và cho đến bây giờ, "chiếc chiếu hoa" vẫn tiếp tục được trải để mời các nhà đầu tư đến với Bình Dương.
Mặc dù đạt được những thành quả đáng tự hào nhưng Bình Dương không tự thỏa mãn mà tiếp tục tìm kiếm những cách làm mới. Để duy trì lợi thế thu hút đầu tư, Bình Dương đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; duy trì thực hiện hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính nhanh gọn; tích hợp các dịch vụ tiện ích trong hỗ trợ doanh nghiệp...
Năm 2022 tỉnh phấn đấu thu hút trên 1,8 tỷ USD vốn FDI. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang chủ động mọi giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI ngày càng chất lượng và hiệu quả. Trong đó, chú trọng đối tác giàu tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore... để hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tận dụng khả năng lan tỏa tới ngành công nghiệp nội địa. Hiện Bình Dương đang chú trọng quy hoạch KCN nhằm đáp ứng cho các đối tác chuyển giao công nghệ có hàm lượng chất xám cao, với các lĩnh vực sản xuất có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện như quỹ đất sạch, chủ động quy hoạch các KCN gắn với hệ sinh thái công nghệ trong chuyển đổi số, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn Bình Dương.
Mới đây nhất, tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã động thổ xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP III) với diện tích 1.000 ha. Đây là dự án thứ 3 mang thương hiệu VSIP tại Bình Dương và là dự án thứ 11 của Tập đoàn VSIP đầu tư tại Việt Nam. Ngoài dự án lớn như VSIP, dự kiến trong quý 2 năm nay KCN Cây Trường với diện tích khoảng 1.000 ha cũng sẽ được khởi công. Bình Dương cũng sẽ cập nhật quy hoạch một số KCN khác để mở rộng KCN Nam Tân Uyên; KCN Rạch Bắp và một số KCN khác trên cơ sở quỹ đất sạch, có sẵn nhằm tiếp tục thu hút làn sóng đầu tư FDI.