Xuất khẩu 4 loài thủy sản vào Nhật Bản phải có chứng nhận thủy sản khai thác | |
Gỡ vướng kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu thức ăn thủy sản |
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Nam Việt. Ảnh: DN cung cấp |
Xuất khẩu (XK) thuỷ sản tính đến hết 31/3/2022 ước đạt 920 triệu USD, vẫn duy trì tăng trưởng 25%, bất chấp chiến sự tại Ukraine làm gián đoạn XK thuỷ sản sang Nga và Ukraine từ cuối tháng 2 và làm tăng các chi phí vận tải, nguyên vật liệu sản xuất chế biến, XK thuỷ sản.
Sau khi tăng 44% trong tháng 1 và 62% trong tháng 2, XK thuỷ sản tháng 3/2022 tăng trưởng chậm hơn nhưng doanh số vẫn cao hơn đáng kể so với 2 tháng đầu năm.
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng XK thuỷ sản của cả nước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam là cá tra và tôm có mức phục hồi và tăng trưởng rất tốt trong những tháng đầu năm 2022.
Theo phân tích bà Lê Hằng, Phó Giám đốc trung tâm VASEP.PRO, kết quả XK khả quan chủ yếu nhờ cá tra vẫn đang đà hồi phục mạnh, với mức tăng 80%, đạt 261 triệu USD trong tháng 3 với các tín hiệu tích cực về nhu cầu ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.
Luỹ kế tới hết tháng 3/2022, XK cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này cho thấy, cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản XK, đến nay chiếm 27% giá trị XK thuỷ sản.
Tôm XK vẫn giữ tỷ trọng cao nhất với 37% mang về hơn 345 triệu USD trong tháng 3, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng XK tôm trong quý 1/2022 đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với quý 1/2021.
Nhu cầu tôm ở các thị trường chính đều cao cùng với giá XK trung bình tăng là những yếu tố giúp kim ngạch XK tôm vượt xa năm trước.
Tuy nhiên, chiến sự Ukraine ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác thuỷ sản vì giá xăng dầu tăng quá cao, nhiều ngư dân cho tàu nằm bờ, thậm chí bán tàu bỏ nghề. Ngành chế biến hải sản vốn đã khó khăn về nguyên liệu lại càng thiếu hụt. Vì vậy, XK hải sản trong tháng 3 chỉ giữ được mức tăng khiêm tốn dưới 3% đạt 312 triệu USD. Trong đó, XK cá ngừ và mực bạch tuộc vẫn duy trì được tăng trưởng 20%, nhưng XK các loài cá biển khác giảm 14%.
Nhờ tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm, nên tổng XK hải sản trong quý 1/2022, ước đạt 878 triệu USD, tăng 20%.Trong đó, nhiều mặt hàng XK tăng khá cao, như: XK cá ngừ đạt 234 triệu USD, tăng 55%; mực bạch tuộc tăng 35% đạt 156 triệu USD. XK thuỷ sản có vỏ và cua ghẹ đạt lần lượt 30 triệu USD và 54 triệu USD, tăng 23% và 70% so với quý I/2021.
Một thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy sản, XK thuỷ sản sang các thị trường chính trong tháng 3/2022 vẫn duy trì tăng trưởng cao. Trong đó XK sang Mỹ tăng 42%, sang Trung Quốc tăng 77%, sang EU tăng 37%, Hàn Quốc tăng 23%. Tuy nhiên, XK sang Nhật Bản chỉ tương đương so với tháng 3/2021.
Riêng thị trường Nga, kim ngạch XK giảm 86% do xung đột Nga – Ukraine. Trong tháng 3, kim ngạch XK sang thị trường này chỉ còn 2,7 triệu USD, và XK sang Ukraine bị dừng hoàn toàn trong tháng 3. Hai tháng đầu năm XK thuỷ sản sang Ukraine vẫn đạt 4,5 triệu USD.
Tuy thị trường Nga chỉ chiếm chưa tới 2% XK thuỷ sản của Việt Nam và Ukraine chiếm 0,3%, nghĩa là sụt giảm về doanh thu ở 2 thị trường này không đáng kể, nhưng hệ luỵ của cuộc chiến đối với ngành thuỷ sản không hề nhỏ vì giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến cả sản xuất, xuất khẩu.
Theo bà Tạ Hà, XK thuỷ sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục bị tác động bởi chiến sự Nga – Ukraine, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường, các DN thuỷ sản Việt Nam lại tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng.
Do vậy, dự báo XK thuỷ sản trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25% đạt 934 triệu USD. Theo đó, XK các loại cá biển có thể giảm 15%, nhưng XK cá tra vẫn tăng 80% và tôm sẽ tăng 20%, cá ngừ tăng 18%, mực, bạch tuộc tăng 25%.