Với mục tiêu này,ệnđạihóagắnvớicảicáchhànhchíxỉu 3/3.5 KBNN đã không ngừng nỗ lực cải cách và hiện đại hóa các khâu nghiệp vụ nhằm hướng tới phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
Không ngừng cải cách khâu kiểm soát chi
Kiểm soát chi (KSC) là một nghiệp vụ quan trọng hàng đầu của KBNN, nguồn vốn ngân sách có được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng hay không nằm chính ở khâu này. Nắm rõ tầm quan trọng đó, từ nhiều năm nay, KBNN đã rất chú trọng cải cách và hiện đại hóa khâu nghiệp vụ này.
Trước tiên phải kể đến việc áp dụng hình thức giao dịch một cửa được KBNN thực hiện theo nguyên tắc: Mỗi giao dịch viên là “1 cửa” (trừ trường hợp thanh toán bằng tiền mặt), người tiếp nhận hồ sơ cũng chính là người xử lý công việc cho đơn vị giao dịch. Qua đó đã giúp tăng cường cải cách hành chính trong thủ tục kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, trách nhiệm kiểm soát. Bên cạnh đó, KBNN đã bước đầu thống nhất đầu mối thực hiện KSC đầu tư và chi các chương trình mục tiêu quốc gia về một đầu mối (phòng/bộ phận KSC NSNN). Đồng thời, quy trình nghiệp vụ về KSC thường xuyên và chi đầu tư cũng dần được đồng bộ, thống nhất.
Ngoài ra, với việc hoàn thành 3 đề án chính sách: Quy trình cam kết chi; Quy trình KSC NSNN một cửa; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KSC NSNN qua KBNN, đã góp phần đổi mới nhiều nội dung quan trọng như tạo cơ sở thực hiện việc lập ngân sách trung hạn của cơ quan tài chính các cấp, các bộ ngành, địa phương; góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán. Hiện, KBNN đang hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát cam kết chi để phù hợp với những quy định mới của Luật Đầu tư công, Luật NSNN.
Trong công tác quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, KBNN thực hiện nguyên tắc “Thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với từng lần thanh toán của công việc, do đó đã rút ngắn được thời gian KSC xuống còn 3 ngày (trước đây là 4 ngày). Với cách làm này, KBNN đã đáp ứng nhanh hơn, kịp thời hơn các yêu cầu thanh toán của các chủ đầu tư và ban quản lý dự án.
Hiện nay, Đề án “Xây dựng quy trình KSC điện tử” đang được KBNN nghiên cứu xây dựng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi hơn nữa trong khâu nghiệp vụ này.
Cải cách trong thu NSNN
Công tác thu nộp NSNN cũng được KBNN tích cực cải cách. Với việc hoàn thành Đề án “Hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa Thuế - Hải quan - KBNN”, KBNN cũng song song hoàn thiện các quy định pháp lý về thu NSNN qua kho bạc theo hướng đơn giản về thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế. Ngoài ra, KBNN còn tổ chức phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (NHTM) cho tất cả 63 đơn vị KBNN tỉnh, thành phố và khoảng 700 đơn vị KBNN cấp huyện.
Qua triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN và phối hợp thu đã giúp số thu được tập hợp về NSNN nhanh chóng, chính xác; hỗ trợ việc theo dõi tình trạng thu nộp tiền thuế, phí của cơ quan thu; thống nhất dữ liệu và giảm thiểu việc nhập liệu tại các cơ quan, đơn vị đảm bảo dữ liệu được nhập 1 nơi và sử dụng ở nhiều nơi. Đồng thời còn giúp khắc phục tình trạng chứng từ chuyển từ ngân hàng về bị thiếu hoặc sai thông tin. Đặc biệt, việc phối hợp thu còn giúp đơn giản hóa và cải cách thủ tục hành chính trong quy trình thu nộp NSNN và tạo thuận lợi cho người nộp thuế (có thể lựa chọn địa điểm nộp tiền phù hợp nhất với mình - nơi có trụ sở KBNN hoặc chi nhánh/điểm giao dịch của NHTM; nộp ngoài giờ hành chính; tiếp cận thêm được các dịch vụ thu nộp NSNN văn minh, hiện đại khác như Internet, ATM, POS,…); hạn chế thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN.
Lấy khách hàng là mục tiêu phục vụ, trong thời gian tới, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp thu NSNN với các NHTM thông qua việc mở và sử dụng tài khoản chuyên thu của KBNN tỉnh, thành phố và KBNN cấp quận, huyện nơi có số lượng người nộp thuế đông nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Đồng thời, triển khai phối hợp thu NSNN với các NHTM cổ phần đã đáp ứng đủ các tiêu chí tham gia phối hợp thu đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Bên cạnh đó, KBNN cũng tăng cường việc ủy nhiệm các khoản thu NSNN khác như: Thu thuế nhà đất, thuế trước bạ, thu phạt vi phạm hành chính cho các NHTM và mở rộng các hình thức thu nộp NSNN hiện đại (thu qua Internetbanking, thu qua ATM, tổ chức thu đa điểm, mở rộng triển khai thu NSNN qua máy chấp nhận thẻ lắp đặt tại trụ sở KBNN,…) cùng với việc phát triển một cách đồng bộ các dịch vụ liên quan khác (bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu) để mở rộng và thu hút sự quan tâm, sử dụng của người nộp thuế../.
Hệ thống KBNN đã phối hợp với 4 hệ thống NHTM (VietinBank, BIDV, Agribank, Vietcombank) xây dựng và triển khai thành công hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu (TTSPĐT và PHT). Đến nay, việc triển khai TTSPĐT và PHT trên phạm vi toàn quốc đã hoàn thành. KBNN đã hoàn thành triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước tại 7 đơn vị để từng bước thực hiện tập trung ngân quỹ KBNN. Trên cơ sở Hệ thống TTSPĐT và PHT, KBNN thực hiện thí điểm để từng bước mở rộng phát triển dịch vụ thông qua các kênh thanh toán như Internetbanking, thu qua các máy chấp nhận thẻ (POS)…, tạo điều kiện thuận tiện cho người nộp thuế, từ đó tập trung kịp thời các khoản thu NSNN, tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt. KBNN đã hoàn thành việc xây dựng và cung cấp 3 dịch vụ công trực tuyến mức 3 gồm: Khai báo giao nhận hồ sơ và giao dịch một cửa thuộc lĩnh vực Kho bạc; Giao diện thông tin yêu cầu thanh toán và Chương trình kê khai yêu cầu thanh toán qua mạng; Đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN (KSC điện tử). Dự kiến hoàn thành triển khai tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 1/4/2016 và đánh giá, đề xuất triển khai diện rộng trong các năm 2017 và 2018. |
Vân Hà