Ông Nguyễn Đức Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho biết, 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 128 ngàn tấn nhân điều, đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, giá điều XK cũng tăng, khoảng 12%.
Năm nay, thị trường có sự thay đổi, nếu như trước đây Trung Quốc là thị trường quan trọng, luôn có kim ngạch cao, nhưng trong 5 tháng đầu năm nay, Mỹ đã vượt Trung Quốc, vươn lên là thị trường tiêu thụ hàng đầu về sản phẩm điều của nước ta.
Theo ông Thanh, thời gian qua, người tiêu dùng Mỹ ngày càng nhận thấy rằng Việt Nam là nước cung cấp nhiều sản phẩm điều và có công nghệ chế biến đứng đầu thế giới, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm so với các nước khác. Do đó, họ đã chuyển hướng sử dụng sản phẩm điều của Việt Nam nhiều hơn các nước khác như Ấn Độ, Bờ Biển Ngà…
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc công ty CP Long Sơn cho rằng với lợi thế sản lượng điều khá lớn từ Việt Nam và Campuchia cùng với công nghệ chế biến hiện đại, ngành chế biến điều Việt Nam sẽ vẫn có lợi thế trong khoảng 2 – 3 năm tới. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm do cạnh tranh gay gắt.
Cũng theo ông Sơn, ngành cơ khí sản xuất chế biến điều có tương lai rất tốt. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Vinacas, nhiều máy móc chế biến điều đã được xuất khẩu qua Ấn Độ. Nhiều nhà sản xuất của châu Phi cũng chia sẻ, trước đây họ sản xuất đều lỗ, từ khi chuyển sang dùng máy của Việt Nam thì rất tốt và có lãi.
Tuy nhiên, khi dự báo về ngành điều trong 4 năm sau đó, ông Sơn lại bày tỏ lo ngại. Cụ thể, ngành điều trong nước phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu mà không tự trồng đủ nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chủ yếu từ Châu Phi và Campuchia. Mà đã phụ thuộc vào nguyên liệu xuất khẩu thì đến một lúc nào đó các nước mình nhập khẩu sẽ tự sản xuất và đánh thuế xuất khẩu điều thô (như Việt Nam đã từng làm để hạn chế xuất thô đi Ấn Độ).
Ngoài ra, ngành chế tạo máy chế biến điều lại đang cung cấp thiệt bị cho những đối thủ của các nhà máy sản xuất điều trong nước. Do đó, tương lai châu Phi sẽ tự sản xuất được điều nhân để xuất khẩu và giảm xuất khẩu điều thô về Việt Nam. Điều này sẽ đặt ngành điều Việt Nam trước một bài toán khó khăn về nguyên liệu. Vì vậy, tăng diện tích trồng điều là việc cần thiết và cần bắt tay vào thực hiện ngay lập tức
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, chế tài xuất nhập khẩu điều của nước ta với các nước còn rất lỏng lẻo. Cụ thể là hàng năm nước ta nhập trên 700.000 tấn điều thô từ Châu Phi. Từ năm 2015 đến nay, do giá điều tăng mạnh nên khách hàng bán điều thô “xù” hợp đồng, đòi tăng giá từ 100 – 150 USD/tấn thì mới giao hàng, giao hàng xấu cũng không chịu bồi thường. Trong khi chúng ta đã chốt giá bán với người mua phương Tây và khó có thể điều chỉnh hợp đồng với họ, làm cho doanh nghiệp trong nước bị thua lỗ.
Theo luật sư Ths. Nguyễn Thị Hồng Ngân, đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) , các tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong các giao dịch nước ngoài tăng lên rõ rệt trong khoảng hai năm trở lại đây. Từ năm 2008 – 2014, VIAC đã giải quyết 539 vụ kiện, trong đó 60% có liên quan đến hợp đồng mua bán. Các tranh chấp không chỉ tăng về số lượng và còn tăng về giá trị. Đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt cho các tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh vì thiếu hiểu biết về pháp luật. Do đó, khi gặp rủi ro, nhiều doanh nghiệp thường chấp nhận thua thiệt.
Nhiều ý kiến cho rằng, Vinacas cần khuyến cáo doanh nghiệp, đơn vị sản xuất không nên ký bán điều sớm khi chưa tới mùa vụ, cần thống nhất giá mua tối đa, giá bán tối thiểu. Khi có tranh chấp thì nên thống nhất để Singapore là nước trung gian để thuận tiện cho việc đi lại, đồng thời Vinacas nên hỗ trợ luật sư cho các nhà máy để đưa ra xét xử rồi buộc họ phải bồi thường…