Ngày 10/12, tổ chức xếp hạng giáo dục của Anh Quacquarelli Symonds (QS) đã công bố kết quả xếp hạng QS World University Rankings: Sustainability 2025 cho 1.751 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới.
Trong kỳ xếp hạng lần này, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vọt lên khi được xếp hạng 325 thế giới về phát triển bền vững, tăng 456 bậc so với vị trí xếp hạng trong top 781-790 tại kỳ xếp hạng QS World University Rankings: Sustainability 2024, đứng vị trí 51 khu vực châu Á và số 1 Việt Nam.
Trong kỳ xếp hạng QS WUR Sustainability 2025, ngoài ĐHQGHN còn có 9 cơ sở giáo dục đại học khác ở Việt Nam được xếp hạng gồm: Đại học Duy Tân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Những đóng góp của ĐHQGHN trong việc xây dựng môi trường và xã hội tương lai bền vững hơn đã được thể hiện rõ qua sự gia tăng thứ hạng ở tất cả các tiêu chí tham gia xếp hạng năm nay gồm: Giáo dục về môi trường; nghiên cứu về môi trường; bền vững trong môi trường; tuyển dụng và kết quả đầu ra; bình đẳng; sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc; ảnh hưởng về giáo dục; chia sẻ kiến thức và quản trị tốt.
Bảng xếp hạng QS đánh giá các cơ sở giáo dục đại học dựa trên ba tiêu chuẩn chính: tác động môi trường, tác động xã hội, và quản trị tốt.
Trong đó, điểm số tác động môi trường của ĐHQGHN đạt 61.8/100. Cụ thể, giáo dục về môi trường của ĐHQGHN xếp hạng 350 thế giới; nghiên cứu về môi trường xếp hạng 606; bền vững môi trường xếp hạng 508.
Điểm số tác động xã hội của ĐHQGHN đạt 73.7/100. Trong đó, ở mục chia sẻ kiến thức xếp hạng 189, tăng 264 bậc so với năm 2024.
Tuyển dụng và kết quả đầu ra xếp hạng 577; bình đẳng xếp hạng 340; sức khỏe và phúc lợi xếp hạng 496.
Tổng điểm số quản trị đạt 88.1/100. Đây là lĩnh vực được xếp hạng cao nhất của ĐHQGHN với vị trí 204.
Trước đó, trong kỳ xếp hạng QS AUR 2024, ĐHQGHN đã có bước tiến về uy tín tuyển dụng khi gia tăng lên vị trí 131 của Châu Á (với mức điểm 34,2 điểm).
Ngoài gia tăng về uy tín tuyển dụng, ĐHQGHN vẫn duy trì thế mạnh về mạng lưới nghiên cứu quốc tế (xếp hạng 89 Châu Á - đạt 71,9 điểm) và uy tín học thuật (xếp hạng 147 Châu Á - đạt 27,7 điểm).