Tiềm năng xuất khẩu vào thị trường các nước hồi giáo Cơ hội xuất khẩu mặt hàng thế mạnh sang thị trường Ấn Độ |
Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp quan tâm tới thị trường các nước Hồi giáo. Ảnh: N.H |
Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo về thị trường Halal: Khái niệm, tiềm năng và thách thức do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp tổ chức vào chiếu 13/7. Hội thảo có sự tham dự của bà Wong Chia Chiann, Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TPHCM.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho biết, nền công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) hứa hẹn là một trong những ngành xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam không những tại thị trường Malaysia mà còn tại các thị trường hồi giáo khác. Theo thông tin của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI), kim ngạch xuất khẩu Halal năm 2022 của Malaysia đạt 59,46 tỷ RM (Ringgit), tăng 23,16 tỷ RM tương đương với 63,8% so với năm trước đó. Malaysia kỳ vọng ngành công nghiệp Halal sẽ đạt được 113,2 tỷ USD vào năm 2030, đóng góp 8,1% GDP vào năm 2025.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM nhìn nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… và có những lợi thế quan trọng, nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal. Đặc biệt, vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á. Ngay tại Đông Nam Á, Indonesia hay Malaysia…, những quốc gia Hồi giáo đông dân, sẽ là một trong những thị trường tiềm năng, không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.
“Hợp tác giao thương với Malaysia trong chế biến và xuất khẩu thực phẩm Halal sẽ giúp Việt Nam không chỉ khai thác được thị trường Malaysia mà còn mở rộng xuất khẩu sang các nước Trung Đông đầy tiềm năng cũng như thâm nhập thị trường Halal toàn cầu. Ước tính, thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại 2.300 tỷ USD mỗi năm khi nhu cầu về các sản phẩm Halal từ các nước Hồi giáo ngày một tăng” – bà Lý Kim Chi cho hay.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các nước Hồi giáo. Bởi để đưa được các sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal cho các sản phẩm của mình.
Phát biểu tại hội thảo, bà Wong Chia Chiann cùng các đại biểu đến từ Malaysia đều đánh giá rất cao tiềm năng của Việt Nam trong việc xuất khẩu thực phẩm Halal vào Malaysia nói riêng và thị trường Hồi giáo nói chung. Theo đó, các đại diện đến từ Malaysia đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về quy trình chứng nhận Halal và cách thức đáp ứng các điều kiện để đạt chứng nhận Halal. Qua đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thực phẩm Halal vào các thị trường Hồi giáo.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đóc ITPC cho biết, Malaysia hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng đều qua các năm, trong đó năm 2022 đạt gần 14,8 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia 5,57 tỷ USD và nhập khẩu 9,1 tỷ USD). Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt trên 4 tỷ USD. Hai bên nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD năm 2025. Riêng với TPHCM, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 của TPHCM và Malaysia đạt trên 5,4 tỷ USD tăng 8% so với năm 2021. Tính đến hết quý 2/2023, Malaysia đã có 334 dự án đầu tư vào TPHCM với tổng số vốn gần 4,9 tỷ USD đứng thứ 6 trên trên tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TPHCM. |