LIÊN KẾT,ếtậpthểlsquorakhơthứ hạng của häcken HỢP TÁC - CON ĐƯỜNG TẤT YẾU
BPO - Nghị quyết số 13-NQ/TW đã thực sự thay đổi cách nhìn, nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân đối với mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, đã khẳng định sự đúng đắn về vai trò, ý nghĩa và thống nhất các quan điểm về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong toàn xã hội. Sự phát triển lớn mạnh của tổ hợp tác, HTX càng khẳng định phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Bà Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thông tin về hướng đi sắp tới trong phát triển KTTT trên địa bàn qua cuộc phỏng vấn của phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV).
NHIỀU ĐỘT PHÁ NHƯNG CŨNG CÒN ĐIỂM NGHẼN
Bà Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, thời gian qua, KTTT trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển, chuyển biến tích cực, số lượng HTX tăng, chất lượng hoạt động được nâng lên rõ rệt. Hầu hết HTX hiện nay được chuyển đổi, tổ chức lại và ngày càng xuất hiện những mô hình hoạt động hiệu quả. Các mô hình tăng cường tự chủ, phát huy nội lực, phương thức làm việc có đổi mới, hướng tới liên doanh, liên kết, chú trọng xây dựng thương hiệu với nhận thức đầy đủ hơn. So với thời điểm 31-12-2001, số HTX tăng 8 lần, tổ hợp tác tăng 9 lần với 284 HTX, gồm 224 HTX đang hoạt động và 53 HTX ngưng hoạt động, 7 HTX tạm ngưng hoạt động.
Khách hàng nước ngoài tham quan và chụp hình lưu niệm tại gian hàng của Liên minh HTX Bình Phước trong đợt xúc tiến thương mại ở Thành phố Hà Nội
Từ những hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tự phát, đến nay KTTT đã hình thành các vùng chuyên canh lớn, nhất là diện tích vùng chuyên canh điều, cao su lên đến hàng ngàn héc ta. Giai đoạn 2014-2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 3 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh là: Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh, nhãn hiệu chứng nhận cao su Bình Phước và chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước. Đồng thời, triển khai trên 50 dự án ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 300 mô hình. Tỉnh cũng đang xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị 6 sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn, như điều, tiêu, rau sạch, bưởi da xanh, ca cao, bơ sáp... Về liên kết chuỗi, hiện có 84 HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như: VietGAP, GlobalGAP, Eurofins, Organic Fairtrade. Hằng năm, nhiều HTX đã thực hiện ký kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên, thực hiện xuất khẩu nông sản.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về KTTT do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển. Và đó cũng là giải pháp đưa nghị quyết phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng đi vào cuộc sống. |
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Phương cũng cho rằng, KTTT trong thời gian qua có những tồn tại, điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Đó là tốc độ phát triển KTTT hiện nay chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh và còn thấp so với các ngành kinh tế khác. Thứ hai là năng lực quản trị trong HTX, quy mô HTX còn nhỏ và so với các mô hình khác sự liên kết trong HTX còn thiếu tính bền vững. Ngoài ra, nhiều chính sách phát triển HTX được tỉnh ban hành song vẫn thiếu nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện.
GÓP SỨC PHÁT TRIỂN “TAM NÔNG”
Bà Nguyễn Thanh Phương chia sẻ, KTTT, HTX đã giúp lao động nông thôn, người sản xuất nhỏ hợp tác với nhau trong một tổ chức để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Khi tăng giá trị chắc chắn tăng được thu nhập cho người nông dân, qua đó thực hiện hiệu quả tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mới, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Bà Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước trao đổi về hướng đi sắp tới của KTTT, HTX trên địa bàn - Ảnh: Phú Quý
Đặc biệt, nhận thức rõ về tiềm năng, vị trí, cũng như đặc trưng của tỉnh có 40 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS), sau khi có Nghị quyết 13 của Trung ương về KTTT, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều mô hình phát triển KTTT trong vùng đồng bào DTTS. Cụ thể như, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện mô hình KTTT bằng những đặc sản riêng của bà con như đan lát, rượu cần, thổ cẩm…, các mô hình cây, con mới hiện nay. Qua đó, KTTT, HTX đã giúp đồng bào DTTS hiểu được cách làm mới trong canh tác, giúp khai thác tốt diện tích của mình, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từ đó nâng cao đời sống đồng bào vùng sâu.
TIẾP TỤC CỦNG CỐ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG
Đánh giá về KTTT, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã nhìn nhận kết quả đạt được, đưa ra mục tiêu nhiệm vụ cho ngành và đã có nghị quyết riêng về KTTT trong tình hình mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW). Căn cứ vào đó, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính.
Trước hết là tuyên truyền để người dân hiểu được mô hình HTX, nhận thấy được vai trò của liên kết sản xuất trong việc ổn định đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời tích cực thay đổi tư duy nhận thức của thành viên HTX để mỗi thành viên nắm bắt được phương thức hoạt động, phải đổi mới theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của HTX nông nghiệp thông qua các mô hình, làm mô hình điểm trong xây dựng HTX xây dựng chuỗi; tập trung 2 mô hình trong vùng đồng bào DTTS và xây dựng chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong HTX vùng đồng bào. Thứ ba là tập trung đẩy mạnh vai trò tổ chức đại diện hỗ trợ cho thành viên.
Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển khoảng 100 tổ hợp tác, 200 HTX với khoảng 2.000 thành viên tăng thêm; số HTX hoạt động tốt, khá chiếm từ 60-70% tổng số HTX toàn tỉnh. Phấn đấu có trên 35 HTX và 2 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. |
Mục tiêu được đặt ra là tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình KTTT với nòng cốt là HTX bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên HTX. Đồng thời thu hút ngày càng nhiều người dân, hộ kinh tế cá thể tham gia KTTT, HTX, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao hình ảnh và vị thế khu vực KTTT trong xã hội.