Gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội hãy chung tay để mang lại sự tự tin cho vị thành niên bước vào cuộc đời
PGS.TS Xã hội học Vũ Mạnh Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa và đưa ra những cảnh báo về hiện tượng đau lòng này.
P.V: Thưa ông, vụ việc nam sinh lớp 10 tự tử và để lại thư tuyệt mệnh đang dấy lên trong dư luận nhiều luồng ý kiến khác nhau. Là nhà nghiên cứu xã hội học, xin ông cho biết quan điểm riêng của mình!
- PGS. TS Vũ Mạnh Lợi: Theo tôi, hiện tượng tự tử là hậu quả của vấn đề sức khỏe tâm thần đã tích tụ từ lâu mà chưa được phát hiện và giải quyết kịp thời. Ngày 1.4.2022 thực sự là một ngày rất đáng buồn. Báo chí đưa tin một nam sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhảy lầu tự tử; cũng trong ngày đó, một nữ sinh lớp 8 ở TP Bắc Ninh được phát hiện đã tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng riêng. Cách đây chỉ hơn một tháng, ba nữ sinh ở xã biên giới huyện Kỳ Sơn, Nghệ An rủ nhau ăn lá ngón nhưng không chết vì được cứu kịp thời. Tháng 2.2022, cũng có một trường hợp nữ sinh lớp 10 ở TP.HCM nhảy lầu nhưng may mắn được cứu sống. Và còn vô số chuyện đau lòng khác xảy ra ngày càng nhiều ở các tỉnh, thành trong những năm gần đây, mà các nạn nhân đều đang ở lứa tuổi vị thành niên.
Nếu nhìn sự việc nam sinh nhảy lầu tự tử trong bối cảnh rộng hơn như trên, ta sẽ thấy đây không phải là vấn đề riêng của cá nhân bạn trẻ xấu số đó. Hành vi tự tử có thể có nhiều nguyên nhân, song đây dứt khoát không phải là giải pháp duy nhất cho các vấn đề mà cá nhân đó gặp phải. Tại sao chúng ta đã không thể giúp các em tránh một kết cục đau buồn? Để hiểu rõ hơn, xin hãy cố tìm hiểu những thách thức mà độ tuổi này gặp phải và tình trạng sức khỏe tâm thần khiến họ lựa chọn giải pháp tiêu cực để đối phó với những áp lực về tâm lý, sinh lý, áp lực kinh tế, xã hội…
32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng
Xin ông lý giải vì sao hiện tượng tự tử lại tập trung nhiều ở độ tuổi vị thành niên?
- Nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đã cho thấy, hầu hết các vụ tự tử ở độ tuổi này là kết quả của sự tích tụ lâu dài các vấn đề sức khỏe tâm thần. Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, ai cũng sẽ trải qua những thay đổi lớn về tâm sinh lý, tình dục và việc học hỏi các khuôn mẫu xã hội. Trong khi còn chưa trưởng thành, họ chịu sức ép rất lớn về việc học tập ở trường, sức ép đáp ứng các kỳ vọng của cha mẹ, sức ép từ bạn bè, xã hội, kể cả các sức ép tiêu cực trong thế giới thực và thế giới ảo.
Mỗi người sẽ phải đưa ra những quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến suốt cuộc đời còn lại, như định hướng về học tập, về việc làm, về tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình và nhiều quyết định quan trọng khác. Vị thành niên phải đưa ra các quyết định đó trong bối cảnh còn thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kiến thức, thiếu nguồn lực, thiếu cả quyền uy trong gia đình; nghĩa là họ thiếu tất cả các yếu tố quan trọng để đảm bảo tính đúng đắn của các quyết định quan trọng. Đây là những thách thức rất lớn, tác động đến sức khỏe thể chất và tâm thần vị thành niên. Trên thực tế, không phải vị thành niên nào cũng có khả năng xử lý các thách thức này một cách tốt đẹp mà không cần sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, nhà trường, cộng đồng, và các tổ chức, đoàn thể.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cuộc sống của mọi người, đặc biệt là người trẻ bị đảo lộn nghiêm trọng. Việc học tập phải chuyển lên mạng, trường học đóng cửa dài ngày, các em phải ở nhà, bị hạn chế vận động và tiếp xúc xã hội trong suốt thời gian dài, điều đó đã làm trầm trọng thêm các nguy cơ về sức khỏe tâm thần. Theo một công bố gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%. CDC Mỹ cũng vừa công bố kết quả một nghiên cứu về đối tượng học sinh lớp 9-12, với cỡ mẫu khoảng 7.705 em, cho thấy trong 12 tháng trước điều tra, có đến 44,2% em có cảm giác buồn chán, tuyệt vọng gần như mỗi ngày và kéo dài ít nhất 2 tuần khiến họ không thể hoạt động bình thường; 19,9% học sinh từng nghĩ đến tự tử; 9% đã có hành động tự tử. Tương tự, một nghiên cứu mới đây ở Việt Nam với cỡ mẫu gần 5.000 học sinh tiểu học và THCS cho thấy, 65,1% học sinh có biểu hiện stress theo nhiều mức độ khác nhau. Trong số này, có 32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng; 23,2% đã nghĩ tới việc tự tử... Đây là những con số đáng báo động về sức khỏe tâm thần vị thành niên nói chung và sức khỏe tâm thần vị thành niên trong thời gian dịch bệnh Covid-19 nói riêng.
Sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm
Đã có nhiều tranh cãi về việc đổ lỗi cho cha mẹ, nhà trường và cho bản thân em học sinh, vậy theo ông trách nhiệm thuộc về ai ?
- Tôi cho rằng điều ta cần suy nghĩ nhiều hơn là tìm cách trả lời câu hỏi: Làm thế nào để những vụ việc thương tâm như vậy không xảy ra nữa trong tương lai? Trẻ em và vị thành niên lớn lên trong môi trường gia đình, bạn bè, nhà trường, và cộng đồng. Mỗi một môi trường đó đều chứa đựng yếu tố nguy cơ và cả yếu tố bảo vệ các em tránh khỏi rủi ro.
Các yếu tố nguy cơ trong gia đình có thể là nội bộ lục đục, bạo lực, bạo hành, cha mẹ không quan tâm đến tâm trạng và sức khỏe tâm thần của con cái. Ở trường là bạo lực học đường, bắt nạt, thầy cô giáo không “tâm lý”, không quan tâm đúng mức đến suy nghĩ của học trò, không tạo được sự gắn kết giữa các em với nhà trường, không dạy cho trò kỹ năng sống và kiến thức về sức khỏe tâm thần. Trong nhóm bạn, nếu có nhiều bạn vô kỷ luật, trốn học, đánh nhau, nghiện hút… và ở cộng đồng là sự hiện diện các tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, thiếu không gian văn hóa lành mạnh, thiếu sân chơi văn hóa - thể thao, các tổ chức đoàn thể thiếu quan tâm đến vị thành niên.
Ở chiều ngược lại, các yếu tố bảo vệ trong gia đình là bầu không khí hòa thuận, cha mẹ quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của con, quan tâm đến bạn bè và việc học tập của con ở trường, có sự phối hợp tốt với nhà trường và đoàn thể nơi cư trú. Các yếu tố bảo vệ ở trường học là kiên quyết không dung túng cho nạn bạo lực và bắt nạt, hỗ trợ thường xuyên về tinh thần cho học sinh, thầy cô giáo quan tâm đến cả kỹ năng sống và tâm trạng của các em, là chỗ dựa tinh thần cho các em trong lúc thuận lợi lẫn khi khó khăn. Trong nhóm bạn, đó là các phẩm chất tập thể được đẩy lên thành phong trào như chăm học, đoàn kết, thương yêu nhau, sinh hoạt ngoại khóa lành mạnh, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và đời sống tinh thần. Ở cộng đồng, yếu tố bảo vệ có thể là việc các tổ chức, đoàn thể ở nơi cư trú hỗ trợ các em có ý thức gắn bó, quan tâm đến những người xung quanh, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần để lôi cuốn vị thành niên vào các phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân cư văn hóa, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, phòng, chống bạo lực và tệ nạn xã hội…
Phải là làm sao để tất cả các môi trường đó phối hợp được với nhau, hỗ trợ trẻ em và vị thành niên giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, tăng cường các yếu tố bảo vệ, giúp các em vượt qua vấn đề sức khỏe tâm thần ngay khi nó còn chưa nghiêm trọng.
Vậy gia đình, nhà trường, cộng đồng, và xã hội đã làm được những gì để hỗ trợ vị thành niên vượt qua thách thức về sức khỏe tâm thần kịp thời, tránh cho các em có những quyết định tiêu cực, thưa ông?
- Tôi cho rằng vấn đề sức khỏe tâm thần vị thành niên còn chưa được quan tâm đúng mức. Sự việc hai học sinh tự tử ngày 1.4 vừa qua là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc cho các bậc cha mẹ, nhà trường, cộng đồng dân cư nơi các em cư trú, các tổ chức đoàn thể và cả cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Việc giáo dục và chăm sóc sức khỏe tâm thần vị thành niên cần phải được chú ý nhiều hơn nữa, thường xuyên hơn nữa để hỗ trợ, giúp đỡ các em vượt qua khi dấu hiệu mới vừa xuất hiện. Trong sự nghiệp quan trọng này, truyền thông và báo chí đóng vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao nhận thức của bản thân các em, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe tâm thần và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ.
Những nỗ lực đó sẽ giúp giảm thiểu hậu quả đau xót nói chung, và các ca tự tử ở trẻ vị thành niên nói riêng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
HIỀN LƯƠNG (thực hiện)