Đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Ngoài trời sương ướt đẫm. Chín Hùm bước xuống bến sông, cái lạnh thấm vào làm da nổi gai ốc. “Nước đã ròng sát rồi, phải tranh thủ làm thôi”, ông tự nhủ. Giờ này mà gọi anh em dậy xuống nước cũng có phần ái ngại. Nhưng biết làm sao, kế hoạch cũng đã tính. Ông nhớ đến niềm háo hức của bà con, nhớ đến lời chửi bới của mấy chủ phà khi biết nơi đây sắp có được cây cầu. Cũng phải, cây cầu mọc lên cũng đồng nghĩa với việc họ mất đi phần thu nhập đều đều “trời cho” mà suốt mấy chục năm qua họ được hưởng.
Đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Ngoài trời sương ướt đẫm. Chín Hùm bước xuống bến sông, cái lạnh thấm vào làm da nổi gai ốc. “Nước đã ròng sát rồi, phải tranh thủ làm thôi”, ông tự nhủ. Giờ này mà gọi anh em dậy xuống nước cũng có phần ái ngại. Nhưng biết làm sao, kế hoạch cũng đã tính. Ông nhớ đến niềm háo hức của bà con, nhớ đến lời chửi bới của mấy chủ phà khi biết nơi đây sắp có được cây cầu. Cũng phải, cây cầu mọc lên cũng đồng nghĩa với việc họ mất đi phần thu nhập đều đều “trời cho” mà suốt mấy chục năm qua họ được hưởng.
Ở đâu cũng vậy, cái sự độc quyền đã làm con người ta cảm thấy mình có giá và có quyền “hoạnh hoẹ”. Người dân kể, mấy mươi năm qua, họ luôn phải lệ thuộc các chủ phà. Lỡ có chuyện đi đêm về hôm, điều cản trở nhất là việc qua sông. Các chủ phà thích thì đưa, không thì thôi; đưa thì lấy giá cao, còn làm trịch, làm thượng. Ban ngày thì chở nhồi nhét, thái độ phục vụ thì… Ôi thôi, đủ thứ chuyện gây bất bình! Nếu đợi con nước xoay dần để ròng sát vào ban ngày thì phải mất mấy ngày và ông đã bàn bạc, quyết định làm vào ban đêm để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ðó là lần làm cầu ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cây cầu có chiều ngang 3 m, dài 120 m bắc qua 3 cồn: Cồn Tương, Cồn Tre và Cồn Ngạch. Ông và anh em thợ phải trầm mình dưới nước từ 12 giờ đêm đến sáng suốt mấy đêm liền.
Được chia sẻ khó khăn với người dân là niềm vui của ông Chín Hùm. |
Năm ngoái, người dân phường 8, TP Cà Mau cũng từng chứng kiến Chín Hùm và mấy người thợ lặn ngụp dưới kinh Rạch Rập nước đen ngòm, đầy rác chìm, rác nổi thấy rợn người để bắc cây cầu qua đường 26/3, nơi có Trường THCS Lương Thế Vinh mới dời tới. Nhắc lại chuyện này, Chín Hùm thật lòng: “Nếu bình thường, biểu chú lặn xuống đó rồi cho năm bảy trăm ngàn, chú cũng không màng. Nhưng lúc làm cầu, mình chẳng so đo gì hết, cứ nghĩ làm cho thật nhanh để bà con đi, đặc biệt là các cháu học sinh đến trường. Cứ thế mà làm!”.
Ðợt này, ông vận động tài trợ và đứng ra thi công cho phường 8, TP Cà Mau cùng lúc đến 2 cây cầu nữa. Cả 2 cây cùng trên tuyến đường 26/3, thuộc khóm 4 và khóm 6, tổng trị giá 540 triệu đồng.
Người ta đồn đại: “Cầu Chín Hùm làm vừa đẹp, bền, chắc mà tốn tiền ít lắm”. Hỏi ông có “bí quyết” gì? Ông chân tình: “Chẳng qua mỗi cây cầu thay vì người ta phải tốn tiền để thuê mướn thiết kế, tiền vật liệu xây dựng, thi công… Còn chú thì tự thiết kế bản vẽ, công làm cầu hoàn toàn từ thiện. Nói “tổng trị giá” là chỉ tính phần vật liệu xây dựng, tiền thuê xáng cặm, ván coffa đổ cột… không tính tiền thi công. Như cây cầu ở phường Vĩnh Hiệp (Rạch Giá) chiều ngang 3,5 m, dài 60 m, người ta dự trù 1,5 tỷ đồng, phường không đủ kinh phí xây dựng, mời chú đến thi công, chú làm chỉ tốn 480 triệu đồng”.
Những người tham gia làm cầu cùng ông cũng không phải dân xây dựng chuyên nghiệp, họ ở nhiều địa phương khác nhau, họ làm thợ hồ có, nghề khác cũng có. Ông đi nhiều, quen biết nhiều, nhất là những người cùng đạo Hoà Hảo. Thấy anh em sẵn có tấm lòng từ thiện, ông rủ họ tham gia làm cầu với mình. Vốn giỏi nghề mộc, nghề xây dựng nên ông chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật, anh em người biết nghề xây dựng thì làm ở những công đoạn quan trọng, người không biết thì phụ những việc giản đơn.
Làm riết thành nếp. Hễ mỗi lần biết nơi nào khó khăn về cầu đi lại, ông đến khảo sát, lập thiết kế, dự trù kinh phí và vận động tài trợ. Khi có đủ tiền, ông điện cho anh em hay ngày khởi công để mọi người sắp xếp tham gia. Thường tỉnh nào, ông huy động anh em nơi đó, riêng ở Cà Mau, có mấy anh em hay theo ông lên tận cả các tỉnh trên để làm cầu. Mỗi cây cầu ông chia làm 3-4 đợt làm, mỗi đợt 4-5 ngày, sau đó cho anh em nghỉ vài ngày rồi trở lại làm tiếp. Ông bảo, anh em đều tự nguyện tham gia nên họ làm rất nhiệt tình, dồn hết tâm sức, vì vậy mỗi cây cầu đội ông thi công chỉ khoảng 1-2 tháng là xong. Anh em nào khó khăn, ông đổ xăng cho đi, anh em cuộc sống ổn định thì tự lực.
Thậm chí, có những khi làm cầu thiếu kinh phí, chính anh em còn góp vào người 500, 700 đến vài triệu đồng để làm cho hoàn thành. Phần cơm nước ông gởi tiền nhờ nhà dân lo. Anh em ở xa, ông bố trí gởi ở nhờ nhà dân trong xóm. Có những chỗ, người dân còn tự nguyện bỏ tiền mua gạo thóc, thức ăn cho đội thi công và bố trí chỗ nghỉ ngơi. Như ở phường 8, TP Cà Mau, 4 lần ông làm cầu trên địa bàn này, ông Lê Văn Hùng (ở khóm 4) đều nhận lo phần cơm nước, chỗ nơi cho anh em ngủ, nghỉ.
Làm từ thiện là không giới hạn ranh giới địa chính, nơi nào bà con cần, là ông có mặt. Vì vậy mà hầu như trên khắp các tỉnh ÐBSCL đều có cầu ông làm.
Hỏi ông, trước giờ vận động xây dựng riêng ở Cà Mau được bao nhiêu cây cầu. Ông bảo, hồi giờ làm từ thiện ông không có sơ kết, tổng kết số lượng, “cứ làm tới, làm tới. Thấy nơi nào bà con cần, mình giúp được thì làm. Làm xong, đem lại niềm vui, chia sẻ được khó khăn với bà con vậy là mãn nguyện”.
Ông không cộng số lượng nhưng qua lời ông kể, tôi đếm được cả thảy 17 cây cầu ông đã làm cho tỉnh Cà Mau. Trong đó, huyện Cái Nước 4 cây (xã Ðông Hưng 3 cây, thị trấn Cái Nước 1 cây); huyện Trần Văn Thời 1 cây (xã Khánh Bình Ðông); huyện U Minh 8 cây (Khánh Tiến 2 cây, Khánh Lâm 3 cây, Khánh Hội 2 cây, Khánh Hoà 1 cây); TP Cà Mau 4 cây (phường 8). Cây dài nhất là ở ấp Cái Cấm, xã Ðông Hưng với chiều ngang 2 m, dài 69 m; cây ngắn nhất cũng có chiều dài trên 20 m. Mỗi cây có giá trên dưới 200 triệu đồng.
Có người thắc mắc, hổng biết tại sao Chín Hùm lại xây cho phường 8 nhiều cầu vậy? Làm 4 cây rồi mà còn hứa sang năm xây thêm 2 cây nữa! Rồi họ tìm ra đáp án rằng, ông Chủ tịch phường 8 Mã Ngoan Cường và Chín Hùm là chỗ thân thiết. Họ bảo, năm trước, khi làm 2 cây cầu đầu tiên ở phường 8, chủ tịch phường đã sốt sắng xin kinh phí thuê xáng cặm trụ, mua ván coffa cho thợ đổ đà, kêu gọi bà con trên địa bàn tiếp sức, rồi nhờ cảnh sát giao thông đường thuỷ phân luồng tàu thuyền qua lại để thuận tiện cho Chín Hùm và anh em thi công... Bản thân chủ tịch thì ngày nào cũng tới lui mấy lượt động viên anh em và xem có vướng mắc gì thì tháo gỡ. Chính sự quan tâm này làm cho Chín Hùm có thêm động lực và thấy có cảm tình với vị cán bộ chính quyền này. Anh em trong đội thi công cũng thấy phấn khích. Họ bàn luận rằng, chính quyền phường 8 biết quan tâm. Họ nói, có những chỗ, làm tới khi hoàn thành hổng biết mặt mũi lãnh đạo phường, xã đó thế nào.
Chủ tịch phường 8 thì bảo, người ta có tấm lòng từ thiện muốn giúp mình, đó là nghĩa cử đáng trân trọng. Vì vậy mình phải tạo điều kiện để người ta hoàn thành tâm nguyện mà bà con mình cũng được hưởng lợi. Có lẽ vì vậy mà “hai tư tưởng lớn gặp nhau”.
Chín Hùm thì trần tình: “Mình đã phát tâm làm từ thiện thì không câu nệ, địa phương quan tâm cũng làm, không quan tâm cũng làm, làm để mang lại niềm vui cho bà con. Nhưng do đi làm nhiều nơi, không thể chở dàn đồ nghề theo được nên làm ở địa phương nào thì nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ phần xáng cặm trụ cầu và ván coffa đổ cột. Có địa phương đáp ứng, có chỗ không. Lúc trước, nơi nào không hợp tác thì mình chịu khó làm luôn phần này, nhưng gần đây do một năm làm trên dưới 10 cây cầu nên mình không đủ thời gian và nguồn vốn để hỗ trợ, đành bỏ cuộc mà lòng thấy tiếc nuối lắm!”.
Chín Hùm đặt chân đến đất Cà Mau lần đầu tiên là thời điểm sau bão số 5 (năm 1997). “Lúc đó chú theo mấy người bạn xuống Cà Mau cứu trợ. Nhìn thấy bà con nghèo khổ quá, mình về cứ trăn trở mãi”, ông chia sẻ.
Rồi một hôm, người ta thấy một ông độ tuổi trung niên, người vạm vỡ, nước da rám nắng, tay chân to bè (đúng là con nhà thợ), khệ nệ cùng mấy người mang vác nồi niêu xoong chảo, gạo thóc và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác vào Bệnh viện huyện U Minh. Tò mò, họ dò la và được biết, ông này ở trên miệt Thốt Nốt (Cần Thơ) xuống đây hợp đồng với bệnh viện nấu cháo từ thiện. Nghe người ta gọi ông là “Chú Chín Hùm”. Chỉ một hai hôm sau, những bình thuỷ nước sôi, những chén cháo từ thiện nóng hổi được trao tận tay bệnh nhân nghèo trong bệnh viện. Ông bảo: “Nghèo đã khổ, nghèo còn bị bệnh tật thì khổ vô cùng. Chi phí điều trị, chi phí ăn uống cho người bệnh, người nuôi… đào đâu ra tiền mà lo mãi. Chú thấy thương bà con quá. Mình làm mong chia sẻ tiếp họ chút nào hay chút ấy”. Rồi tiếp theo là Bệnh viện huyện Thới Bình, Cái Nước đều có tổ nấu cháo từ thiện của ông. Giờ đây, khi gầy dựng được phong trào, ông giao lại cho các nhà hảo tâm ở địa phương duy trì và phát triển.
Thấy bà con vùng rừng U Minh điều kiện đi lại khó khăn, nhất là khi bệnh tật, muốn ra tới huyện, tới tỉnh cũng cả vấn đề. Sinh mạng con người là quan trọng, ông lại vận động mua xe chuyển bệnh để giúp bà con. Ông phân công người túc trực suốt 24/24 giờ. Phương thức hoạt động của xe là chở bệnh miễn phí cho người nghèo, người có điều kiện thì chỉ đổ xăng, xe sẽ chở giúp. Ông cũng tiết lộ, đang vận động cho Hội Chữ thập đỏ huyện Cái Nước 1 xe.
Sống cần nhà, chết cần hòm. Thương cảnh bà con nghèo khi gặp cảnh tang tóc, ông đã vận động lập được 3 trại hòm từ thiện ở U Minh, Cái Nước, Ðầm Dơi. “Mỗi năm chú thuê xe chở xuống từ 2-3 chuyến, mỗi chuyến 20 hòm. Cứ nơi nào hết cho hay thì chú vận động tài trợ tiếp”, ông cho biết.
Khoảng 8-9 năm nay, ông tập trung cho việc làm cầu từ thiện. Ông tâm tình: “Ði nhiều vùng sâu, vùng xa, thấy trẻ em đi học phải qua sông bằng những tấm xốp kết lại, nguy hiểm quá. Có em sơ ý té nhào, mình mẩy, tập vở ướt hết. Thấy thương làm sao! Làm được cây cầu là giúp được bà con mình nhiều lắm. Sẵn có nghề xây dựng, mình sẽ đứng ra bỏ công làm, rồi vận động tài trợ phần vật liệu xây dựng”. Làm được cây cầu, bà con mừng lắm, mỗi lần làm mỗi lần khó, vì vậy, phải làm sao cho vừa bền, chắc, đẹp, đó là phương châm của ông.
Có làm, ông mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc của bà con. Nhớ mấy tháng trước ông bắc cây cầu ở Rạch Sỏi (Kiên Giang), địa bàn xã Tân Lộc, ngang phường An Bình. “Cây cầu chỉ dài 36 m, ngang 2,7 m, nhưng người dân cho chú biết, họ đã mong đợi cây cầu từ mấy chục năm nay. Thay vì chỉ qua sông, họ phải đánh một vòng rất xa. Trên địa bàn này có 205 hộ, hơn 960 nhân khẩu, bắc được cây cầu bà con vui như ngày hội. Mình cũng thấy vui và cảm động vô cùng”, ông bộc bạch nỗi lòng. Còn cây cầu dài 120 m ở Cai Lậy (Tiền Giang), vì nỗi bức xúc, trông đợi mà mỗi ngày có cả trăm người đến xem và phụ giúp ông. Thấy bà con háo hức nên ông và các anh em thợ quyết định làm xuyên suốt, kể cả làm đêm, vì vậy, dù đây là cây cầu dài nhất hồi giờ ông bắc nhưng ông làm vỏn vẹn có 58 ngày là hoàn thành.
Vận động làm được 1-2 cây cầu đã là khó, đằng này ông làm hàng mấy chục cây. Rồi còn vận động làm bao nhiêu việc từ thiện khác. Người ta bảo, chắc ông có “bí kíp” gì. Thật ra chẳng có gì bí ẩn. Ðó là ông làm từ thiện thật sự bằng cái tâm, việc làm minh bạch không vụ lợi, làm đâu chất lượng đó, vì vậy mà được tín nhiệm của các nhà tài trợ và Nhân dân các địa phương. Cầu nào nhà tài trợ muốn khánh thành thì ông tổ chức khánh thành, còn cầu ông vận động trong bà con đồng đạo thì thôi. Ông bảo, “khánh thành vừa tốn thời gian và chi phí, để phần đó mình đi làm cây cầu tiếp theo”. Tiếng lành đồn xa nên công việc của ông ngày càng nhiều, trách nhiệm cũng càng nhiều và ông cũng tự nhủ ráng làm tròn để không phụ lòng bà con mong đợi.
Ông Mã Ngoan Cường bảo: “Ông lạ lắm, làm từ thiện rất thầm lặng, không phô trương, không rình rang. Thấy ông đóng góp cho Cà Mau nhiều quá, tôi nói ông làm bảng thành tích tôi đề nghị khen thưởng ông cũng không chịu. Tôi phải “khéo léo” khai thác để biết được việc làm của ông rồi viết bảng thành tích, rồi nài nỉ mãi ông mới chịu ký tên vào để đề nghị cấp trên khen”.
Ông Trang Văn Bé (Hai Bé), Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP Cà Mau, người có mấy chục năm đi vận động tài trợ học bổng cho học sinh nghèo không hề nhận một đồng thù lao nào, phải thốt lên: “Ông Chín Hùm thật đúng nghĩa làm từ thiện!”.
Ông Chín Hùm tên thật Phan Văn Hùm, quê phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Từ thời thanh niên, ông có nghề mộc, rồi nghề xây dựng, ông nhận đóng bàn, tủ, ghế, lãnh thầu làm nhà. Mồ côi cha từ nhỏ, ông nỗ lực làm để nuôi mẹ và mấy người chị cùng các em gái. Từ thuở thanh niên ông đã tham gia làm từ thiện. Cách đây 10 năm, khi mẹ ông mất, chị em có gia đình riêng tư, thì ông dường như dồn tất cả tâm sức để làm từ thiện.
Ông trải lòng: “Chú không lập gia đình riêng nên không bận bịu riêng tư, vì vậy mình có nhiều điều kiện làm từ thiện. Phật luôn dạy, mình phải biết làm việc thiện giúp đời. Hơn nữa, chú cũng nghĩ, mình sinh ra nhờ tổ tiên cha mẹ, sống nhờ quê hương đất nước. Sống trên tấc đất quê hương, ăn cọng rau, hạt gạo của quê hương thì phải biết làm gì đó cho quê hương mình, đó là đạo lý. Người có điều kiện họ làm việc lớn, mình dân dã thì góp những việc nhỏ cho đời trong khả năng mình”.
Không ai tính được bao nhiêu dặm đường ông đi làm từ thiện, ông cũng chẳng cộng xem mình đã giúp bao nhiêu việc cho đời, trị giá bao nhiêu tiền. Cái được mà ông có là đem lại niềm vui, sẻ chia bớt những nỗi đau, bất hạnh của thế nhân. Hạnh phúc của ông thật giản đơn:
“Cực mình mà sướng cho người
Trên đời chẳng có cái vui nào bằng”./.
Bài và ảnh: Trang Anh