Đây là thông tin do Bộ Y tế cung cấp tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Trách nhiệm, thách thức và sẻ chia” do Báo Nhân Dân và Bộ Y tế vừa phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: ngành Y tế đã có nhiều thành tựu như nâng cao tuổi thọ người dân, thành công trong tiêm chủng mở rộng, sản xuất các loại vaccine…, nhưng bên cạnh đó, cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn.
Theo ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Những năm gần đây, ngân sách Nhà nước chi cho y tế năm sau luôn tăng so với năm trước. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình, đề án lớn đầu tư cho ngành y tế thông qua Trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ vay vốn, xây dựng, mở rộng bệnh viện cũng như nhiều dự án viện trợ phát triển (ODA).
“Công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe người dân ở nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó ngành y tế nói chung và hệ thống khám chữa bệnh nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức phải vượt qua để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân về dịch vụ y tế”, ông Hữu nhấn mạnh.
Các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết như tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện, thủ tục hành chính về khám chữa bệnh còn phức tạp, tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, lạm dụng kỹ thuật chưa thật sự được kiểm soát, thái độ phục vụ người bệnh, đạo đức của một bộ phận cán bộ y tế …
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân chính của vấn đề quá tải bệnh viện là do năng lực chuyên môn, kỹ thuật của tuyến dưới còn yếu, không đồng đều, chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân ngày càng cao, giao thông thuận lợi, sự thay đổi trong mô hình bệnh tật. Giải quyết vấn đề quá tải cần các giải pháp ngắn hạn, dài hạn nhưng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được.
Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh, thực hiện quyết liệt Đề án giảm quá tải bệnh viện theo các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện của các tuyến; sử dụng thuốc an toàn, bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị; hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật cao gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh.
Đồng thời, thời gian tới, Bô Y tế sẽ tăng cường giáo dục, hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vị thế và hình ảnh người thầy thuốc; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh; khuyến khích xã hội hóa công tác khám chữa bệnh./.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 1.180 bệnh viện, không kể các bệnh viện quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý. Các bệnh viện công lập của ngành y tế chiếm khoảng 87% tổng số bệnh viện, được chia thành ba tuyến: trung ương, tỉnh, huyện. Tổng số giường bệnh của toàn hệ thống bệnh viện là hơn 199 nghìn giường bệnh, tương ứng với 22,3 giường bệnh/ một vạn dân. Hệ thống bệnh viện tư nhân có 157 bệnh viện, hơn 30 nghìn phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế. |
Tố Uyên