>> Phú Thọ: Dự án giải ngân dưới 50% sẽ bị điều chuyển vốn >> KBNN Phú Thọ: Phối hợp thu ngân sách giúp giảm lượng tiền mặt trong giao dịch >> Kho bạc Phú Thọ làm tốt công tác quản lý tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư
Hồ sơ thanh toán thành công, không có sai sót
Đây là nhận xét của Giám đốc KBNN Phú Thọ - Trần Mạnh Hùng về việc triển khai DVCTT tại đơn vị. Ông Hùng cho biết, tháng 4/2019, KBNN Phú Thọ chính thức triển khai diện rộng loại hình giao dịch mới này tới tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh. Để triển khai thành công, ngoài việc tuyên truyền về các lợi ích của DVCTT đem lại, KBNN Phú Thọ đã bố trí cán bộ hỗ trợ, tập huấn cho các đơn vị tham gia DVCTT.
"Lợi ích của DVCTT là tạo sự công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính, hướng tới tăng độ hài lòng, thuận lợi và giảm thời gian, chi phí đi lại, giảm chi phí hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách. Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách có thể thực hiện gửi hồ sơ và nhận kết quả với kho bạc ngay tại đơn vị. Do vậy, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, DVCTT đã nhận được sự phản ứng tích cực từ phía đơn vị sử dụng ngân sách" - ông Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Hùng còn cho biết, đơn vị đã tranh thủ sự hưởng ứng và hài lòng của các đơn vị sử dụng ngân sách đi trước để lan tỏa cho những đơn vị còn lại. Ngoài ra, do nguồn nhân lực hạn hẹp, KBNN Phú Thọ đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số để tăng cường công tác hỗ trợ cho các đơn vị sử dụng ngân sách. “Nhờ vậy, sự lan tỏa lợi ích của DVCTT nhanh chóng hơn bao giờ hết" - ông Hùng nhấn mạnh.
Chính từ sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị sử dụng ngân sách, nên đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Phú Thọ đã có 785 đơn vị sử dụng ngân sách đăng kí tham gia DVCTT của KBNN (chiếm 40% đơn vị giao dịch trên địa bàn tỉnh). Tổng số hồ sơ được chuyển qua hệ thống DVC là 14.835 hồ sơ. Trong đó số hồ sơ hoàn thành giao dịch là 11.151.
Háo hức với DVCTT
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc sử dụng DVCTT trên toàn tỉnh, Trường Đại học Hùng Vương được KBNN Phú Thọ đánh giá cao về công tác phối hợp cũng như độ nhanh nhạy, tích cực tham gia của nhà trường.
Ông Lê Quang Hưng - Kế toán trưởng Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ, trước đây, khi giao dịch chứng từ giấy, cán bộ kế toán phải mất nhiều thời gian đi lại, rồi lại mất thời gian để theo dõi xem chứng từ đã được ký duyệt chưa, nhưng từ khi thực hiện DVCTT, kế toán nhà trường không phải đi lại nữa. Điểm nổi trội của DVCTT chính là việc ngay khi đơn vị đưa chứng từ lên hệ thống, kế toán có thể nắm rõ bộ hồ sơ đang ở khâu nào, có sai sót gì không và khi có sai sót, ngay lập tức được hệ thống báo trả. Hầu như chứng từ đưa lên hệ thống được xử lý, giải quyết ngay trong ngày.
Bên cạnh đó ông Hưng còn rất ấn tượng với loại hình dịch vụ mới này bởi phần mềm đơn giản, giao diện dễ nhìn, dễ sử dụng, giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian cho người làm công tác kế toán. Do đó, đơn vị đã không gặp bất cứ vướng mắc gì đáng kể từ ngày đầu sử dụng.
Đấy là với các đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia DVCTT, còn đối với những đơn vị chưa triển khai cũng đang rất háo hức với DVCTT.
Chị Phạm Thị Hưng - Trưởng phòng Tài chính Kế toán thuộc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị đang được cán bộ KBNN Phú Thọ hướng dẫn cách sử dụng DVCTT. Song song với việc học hỏi, đơn vị cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết về máy móc, thiết bị, đường truyền để sẵn sàng triển khai DVCTT vào cuối tháng 7 này. “Chúng tôi chưa triển khai DVCTT, nhưng qua sự giới thiệu, hướng dẫn của cán bộ kho bạc cũng như từ các kết quả mà nhiều đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia DVCTT, chúng tôi đang rất mong chờ vào việc triển khai DVCTT vào cuối tháng 7 này” - chị Hưng nói.
Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, với các kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm, KBNN Phú Thọ tiếp tục tập huấn, hỗ trợ cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc sử dụng DVCTT của kho bạc. KBNN Phú Thọ phấn đấu đến hết năm 2019, 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên toàn tỉnh tham gia loại hình giao dịch mới này./.
Thanh Ngọc