Kể từ khi tiếp quản Twitter, Elon Musk đã buộc nhân viên phải lựa chọn làm việc "nhiều giờ hơn với cường độ cao" hoặc bị sa thảivới trợ cấp 3 tháng lương. Hiện nay, không chỉ Elon Musk mà hầu hết các công ty công nghệ cũng yêu cầu nhân viên đưa ra lựa chọn tương tự, trong đó có các "ông lớn" như Google, Amazon, Meta.
Mark Zuckerberg: "Có rất nhiều người không nên ở lại công ty".
Từ đầu tháng 7, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, đã đề cập với nhân viên về việc tăng cường hiệu suất làm việc: "Thực tế, có lẽ có rất nhiều người không nên ở lại công ty." Mark cho rằng một số nhân viên có thể cân nhắc xem Meta có dành cho mình hay không.
Trong cuộc họp báo cáo doanh thu quý II/2022, ông tiếp tục chia sẻ kế hoạch "đẩy mạnh cắt giảm số lượng nhân viên năm tới". Đồng thời, nhiều nhóm sẽ bị thu hẹp quy mô hoạt động để ưu tiên cho lĩnh vực khác của công ty".
Vào tháng 10, Meta đã yêu cầu quản lý lên danh sách 15% lao động "cần hỗ trợ". Nhân viên công ty gọi đây là "sa thải thầm lặng". Đến tháng 11, Zuckerberg thông báo sa thải 13% nhân sự, tương đương 11.000 người. Công ty cũng sẽ dừng tuyển dụng ở phần lớn các bộ phận cho đến hết quý I/2023 và giải thể bớt văn phòng để tiết kiệm chi phí.
Alphabet muốn tăng hiệu quả hoạt động hơn 20%
Kể từ mùa hè năm nay, CEO của Google, Sundar Pichai, đã "nhắc nhở" nhân viên phải cải thiện hiệu suất làm việc nếu không muốn mất việc. Vài tuần sau, ông bày tỏ ý muốn công ty hoạt động hiệu quả hơn. Vị CEO này cho rằng công ty đang ngày càng "chậm chạp" hơn do lực lượng lao động "phình to".
"Các bạn cần xem xét toàn bộ quy trình từ đầu đến cuối để tìm ra cách giúp cho công ty hoạt động hiệu quả hơn 20%. Đôi khi có những việc cần ba người mới hoàn thành trong khi thực tế có thể chỉ cần một hoặc hai người. Nếu làm được, chúng ta có thể tăng hiệu suất lên đến 20%", Pichai nói.
Theo Business Insider, "gã khổng lồ" công nghệcũng yêu cầu quản lý của từng nhóm tại Google đánh giá và xếp hạng nhân viên. Dự kiến 6% nhân sự, tương đương 10.000 người có hiệu suất thấp nhất sẽ nằm trong "danh sách đen" có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào.
Amazon yêu cầu "tăng năng suất và rút ngắn thời gian"
Từ đầu tháng 10, tập đoàn Amazon đã thúc giục các quản lý tiến hành "tiết kiệm gấp đôi". Các nhân viên cũng được yêu cầu tăng công suất làm việc đồng thời rút ngắn thời gian hoàn thành công việc.
Đến tháng 11, "ông lớn" thương mại điện tử bắt đầu cắt giảm 10.000 nhân sự, đóng băng tuyển dụng và xem xét loại bỏ bộ phận kinh doanh không có lợi nhuận. Không chỉ vậy, CEO của Amazon, Andy Jassy, còn cho biết công ty sẽ tiếp tục sa thải thêm nhân viên trong năm tới.
Cắt giảm nhân sự để công ty có thể hoạt động hiệu quả hơn
Altimeter Capital, một nhà đầu tư của Meta, từng chia sẻ: “Các công ty ở Thung lũng Silicon từ Google, Meta, Twitter cho đến Uber vẫn có thể đạt mức doanh thu tương tự dù số lượng nhân viên ít hơn”. Thậm chí, họ còn có thể hoạt động tốt hơn sau khi cắt giảm nhân sự.
Trong cuộc trò chuyện với cựu CEO của Alphabet vào tháng 11, TCI Fund Management, một cổ đông của Google, cũng gợi ý cho ông Pichai rằng "doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn với số lượng nhân viên ít hơn."
Hiện tại, hầu hết công ty công nghệ đều lên kế hoạch điều chỉnh nhân sự. Nhiều CEO và nhà đầu tư đang dõi theo Twitter xem nền tảng này hoạt động thế nào sau khi mất đi 66% nhân sự. Các nhà phân tích tại Bernstein Research cho biết Twitter trở thành hình mẫu điển hình để kiểm chứng xem một công ty có thể cắt giảm tối đa bao nhiêu người mà vẫn duy trì hoạt động hiệu quả.