Luật Hộ tịch năm 2014 ra đời với nhiều quy định mới tiến bộ,ểnbiếntốttrongcngtchộtịđội hình fc augsburg gặp borussia mönchengladbach trong đó việc chuyển thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho UBND cấp huyện thực hiện được người dân tích cực đón nhận, từng bước đi vào nề nếp, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Công dân đến thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Phòng Tư pháp thị xã Ngã Bảy.
Chị Lê Thị Thảo, ở khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, kết hôn với chồng mang quốc tịch Hoa Kỳ, chia sẻ: “Hiện hai vợ chồng tôi đều bận rộn với công việc, nên không có nhiều thời gian để đi lại làm các thủ tục. Tuy nhiên, khi biết pháp luật về hộ tịch có quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, nhờ các hồ sơ, trình tự được đơn giản hơn. Vì thế chúng tôi đã tranh thủ thời gian đến UBND thị xã để làm thủ tục đăng ký kết hôn”.
Quả thật hiện nay, quy trình giải quyết các vấn đề hộ tịch có yếu tố nước ngoài đã được đơn giản hóa, nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, nhất là với thủ tục ghi chú ly hôn. Theo đó, nếu trước đây các địa phương phải gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp, thì giờ đây chỉ cần tra cứu tại cổng thông tin của bộ là đảm bảo giải quyết hồ sơ. Nhờ vậy mà thời gian đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài được rút ngắn, từ 25 ngày làm việc xuống còn 15 ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, việc phân cấp cho UBND cấp huyện giải quyết đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài sẽ tăng tính chính xác và thuận lợi khi xác minh thông tin công dân. Bởi khi các thông tin về công dân phía Việt Nam chưa rõ, UBND cấp huyện có thể tiến hành xác minh trực tiếp tại địa phương trong khoảng thời gian ngắn.
Chưa kể trước đây, Sở Tư pháp muốn xác minh các thông tin về công dân thường phải gửi văn bản qua đường bưu điện đến phòng tư pháp để xác minh và chờ đợi kết quả. Do đó thời gian giải quyết dài ngày, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.
Báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh cho thấy, sau hơn 2 năm thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại UBND cấp huyện, đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết đăng ký khai sinh cho trên 100 trường hợp và đăng ký kết hôn cho trên 350 trường hợp.
Thế nhưng, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Chẳng hạn như việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thường phức tạp, bởi liên quan đến nhiều quốc gia với các biểu mẫu, quy định khác nhau. Có nơi mẫu là giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, có nơi mẫu lại là giấy xác nhận tình trạng độc thân,... khiến cán bộ cơ sở lúng túng trong giải quyết hồ sơ.
Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, cho rằng, việc bỏ thủ tục phỏng vấn trong đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, dù tạo thuận lợi cho người dân, rút ngắn thời gian giải quyết đăng ký kết hôn, nhưng gia tăng gánh nặng và trách nhiệm cho cán bộ tư pháp trong khâu xác nhận, thẩm định hồ sơ, đặc biệt là khâu xác minh mục đích hôn nhân.
Trên thực tế, có không ít trường hợp kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế hoặc vì nhiều lý do khác mà không thể tìm hiểu, kéo theo những rủi ro, hệ lụy ngoài mong muốn. Trong đó vướng mắc lớn nhất về pháp lý là việc các cô dâu Việt Nam có tình trạng hôn nhân không như ý.
Vậy mà sau khi trở về nước, họ cũng không lấy được bản án ly hôn tại nước ngoài hay chưa nộp đơn ly hôn ra tòa án nước ngoài, nên không thể kết hôn lại ở Việt Nam. Từ đó khi lập gia đình mới, con cái sinh ra trong giấy khai sinh chỉ có thể ghi họ tên mẹ, không thể ghi họ tên cha.
Có thể thấy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, bên cạnh công tác tuyên truyền thì chính cán bộ tư pháp địa phương là một trong những mắt xích quan trọng nhất giúp Luật Hộ tịch thực sự đi vào đời sống.
Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, phân tích: “Việc đăng ký và cấp các loại giấy tờ hộ tịch có yếu tố nước ngoài là công việc cực kỳ quan trọng, thể hiện chính sách của Nhà nước đối với quyền con người trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, công chức tư pháp - hộ tịch cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật khi đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài”.
Muốn vậy, theo bà Tuyền, công chức tư pháp - hộ tịch phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng xử lý công việc. Đồng thời chủ động rà soát những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và kịp thời phản ánh đến Sở Tư pháp để có chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ, đảm bảo công tác hộ tịch được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO