【nhận định myanmar】Kiến nghị Bộ Công Thương quản lý giá sữa
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong một văn bản gần đây, Bộ Tài chính đã tỏ quan điểm về lâu dài đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ Công Thương chủ trì vì đây là lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành quản lý sản phẩm sữa của Bộ Công Thương, đồng thời gắn liền với công tác bảo đảm cân đối cung cầu và quản lý thị trường.
Luật Giá quy định Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, và các Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm chủ trì quản lý giá sản phẩm, dịch vụ có tính chuyên sâu của ngành mình.
Bên cạnh đó, tại một số văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định 95/2012/NĐ-CP, Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 28/2013/TT-BCT đều có quy định Bộ Công Thương có chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp thực phẩm, an toàn thực phẩm sản phẩm sữa chế biến, chỉ định cơ quan kiểm tra chuyên môn thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm và cấp thông báo thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu trước khi lưu hành trên thị trường.
Trên thực tế thời gian qua, để quản lý giá sữa, đặc biệt đối với mặt hàng sữa nhập khẩu vai trò của Bộ Công Thương rất quan trọng, từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông trên thị trường.
Theo Bộ Tài chính, nguồn nguyên liệu sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Bộ Công Thương có tham tán thương mại ở các nước nên có thông tin về giá nhập khẩu của các thị trường, diễn biến giá, nguồn cung thị trường thế giới. Do đó, để quản lý giá sữa, thời gian qua Bộ Tài chính đã nhiều lần đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tham thán thương mại ở nước ngoài cung cấp các thông tin nêu trên.
Bộ Tài chính cho rằng, trong công tác quản lý giá nói chung, quản lý giá sữa nói riêng vai trò quản lý thị trường rất quan trọng. Thời gian bình ổn giá sữa vừa qua vai trò quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường của Cục Quản lý thị trường và các Chi cục quản lý thị trường đã góp phần lớn trong việc triển khai công tác bình ổn tại các địa phương.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng (Cục Quản lý giá, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra tài chính) phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện theo chức năng nhiệm vụ để xây dựng, đề xuất phương án quản lý giá sữa phù hợp với từng thời kỳ.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã kiến nghị và Chính phủ đã giao Bộ Công Thương quản lý giá xăng dầu. Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã quy định riêng một điều về công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, quy định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá công khai, minh bạch, đúng quy định tại Nghị định 83; Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố thông tin về giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành, số trích lập, sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo hàng quý… Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu, giám sát mức trích lập, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối.
Như vậy nếu được Chính phủ chấp thuận, các bộ quản lý ngành sẽ chịu trách nhiệm quản lý giá các sản phẩm, dịch vụ có tính chuyên sâu của ngành mình. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, theo đúng quy định tại Luật Giá.