Làn sóng biểu tình ở thủ đô Minsk chống chính phủ đang lan rộng; cũng hôm 16-8 vài giờ trước đó,ấtổnsaubầucửket qua truc tuyên một cuộc tuần hành của phe thân chính phủ cũng được tổ chức.
Biển người tràn qua thủ đô của Belarus, phản đối tổng thống. Ảnh: REUTERS
Cuộc biểu tình diễn ra đúng một tuần sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở Belarus (ngày 9-8). Kết quả Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ sáu bị phe đối lập bác bỏ với cáo buộc chính phủ gian lận phiếu bầu.
Cảnh sát đã tiến hành trấn áp khiến người biểu tình tức giận, tiếp tục biểu tình và tuần hành suốt cả tuần qua. Trên 6.500 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người khác, trong đó có ít nhất 120 cảnh sát, bị thương.
Bộ trưởng Nội vụ Belarus, ông Yuri Karayev cam kết giới chức sẽ điều tra tất cả các trường hợp tố cáo cảnh sát bạo lực và lạm dụng người biểu tình một khi tình hình đất nước trở lại bình thường.
Theo Bộ trưởng Karayev, những người đổ ra đường tham gia biểu tình bạo loạn nhận được tiền từ các nguồn nước ngoài. Nam giới nhận được 12 USD, trong khi phụ nữ nhận được 24 USD nếu như tham gia biểu tình.
Cùng ngày 16-8, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Lukashenko rằng khối này đang triển khai quân sự gần biên giới phía Tây Belarus. Đồng thời, NATO cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình sau khi Tổng thống Lukashenko tái đắc cử.
Theo nhà lãnh đạo Belarus, xe tăng và máy bay của NATO - liên minh quân sự 30 nước - “đã được điều tới khu vực cách biên giới Belarus 15 phút di chuyển”. Tuy nhiên, người phát ngôn NATO Oana Lungescu khẳng định họ không triển khai quân sự giáp biên giới Belarus.
“Sự hiện diện đa quốc gia của NATO ở phía Đông của liên minh không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Nó mang tính phòng thủ nghiêm ngặt và nhằm mục đích ngăn chặn xung đột, gìn giữ hòa bình”, bà Lungescu nói.
Bà Lungescu cũng cho biết NATO đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Belarus, nơi bị ảnh hưởng bởi làn sóng biểu tình kể từ cuộc bầu cử hôm 9-8. Các đối thủ của Tổng thống Lukashenko kêu gọi tôn trọng các quyền tự do cơ bản, bao gồm cả quyền biểu tình ôn hòa.
Trước đó, hôm 14-8, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell đã tuyên bố rằng Brussels từ chối công nhận chiến thắng của Tổng thống Lukashenko, và cho biết EU sẽ tung ra đòn trừng phạt mới nhằm vào các quan chức Belarus. Ngoại trưởng Mỹ cũng không loại trừ khả năng này.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 16-8 vừa qua khẳng định rằng Belarus sẽ không thể tồn tại như một đất nước nữa - nếu như giới chức nước này nhượng bộ trước các yêu cầu tổ chức bầu cử lại, hãng RT (Nga) đưa tin. Bên cạnh đó, ông Lukashenko cũng cảnh báo về sự hiện diện của binh lính NATO ở biên giới nước này.
Ngày 16-8, Tổng thống Lukashenko đã có thêm một cuộc điện đàm nữa với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình ở nước này trong bối cảnh các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Theo thông cáo của văn phòng báo chí của Tổng thống Lukashenko, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng trong trường hợp có “mối đe dọa ngoại bang”, hai bên sẽ có “phản ứng chung” phù hợp với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - hiệp ước phòng thủ khu vực mà cả Minsk và Matxcơva đều tham gia.
Sputnik trích dẫn thông cáo của cơ quan báo chí của Điện Kremlin cho biết: “Phía Nga khẳng định sẵn sàng dành sự hiệp lực cần thiết để giải quyết các vấn đề phát sinh, trên cơ sở các nguyên tắc của Hiệp ước về thành lập Quốc gia Liên minh, cũng như theo tuyến Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể trong trường hợp cần thiết”.
Các nước láng giềng phía Tây của Belarus gồm Ba Lan, Lithuania và Latvia là thành viên của NATO. Liên minh đã cử 4 nhóm tác chiến tới các nước này và Estonia để ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiềm tàng của Nga sau khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Đáp lại, Matxcơva cho biết họ không có ý định tấn công NATO, đồng thời cáo buộc liên minh này gây bất ổn cho châu Âu.
NGUYỄN TẤN tổng hợp