Không gian phát triển rộng mở
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Sẽ tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm logistics để tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành Trong thời gian qua, Việt Nam đã có một số trung tâm logistics lớn ở các “đầu tàu” kinh tế như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng… Tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển thêm các trung tâm logistics để tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành dịch vụ này. Trong năm 2018, Bộ Công Thương coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan tâm thúc đẩy. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh rằng, chúng ta sẽ không làm việc đó một cách duy ý chí, bởi luồng hàng hóa di chuyển thì trung tâm logistics sẽ hình thành ở những nơi có nhu cầu lớn nhất. Chúng ta cần căn cứ theo những quy luật, những đòi hỏi khách quan, rồi Nhà nước sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ các DN chứ Nhà nước không làm thay một cách duy ý chí. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Trưởng Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương phân tích: Cơ hội cho ngành logistics Việt Nam đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tiềm năng này ngày càng nhìn thấy rõ hơn trong bối cảnh hội nhập, khi hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới tăng lên.
“Khi thúc đẩy thương mại, làm sao để hàng hóa đi từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại với chi phí cũng như thời gian càng thấp càng tốt là câu chuyện của ngành logistics cần phải tính đến. Thương mại phát triển, tự nhiên dịch vụ logistics cũng phải phát triển theo để đáp ứng xu thế. Về mặt định lượng, liên quan tới tạo thuận lợi thương mại, nếu làm giảm chi phí được 1 USD thì có thể làm tăng thương mại tới 70 USD. Trong năm 2018, năm bản lề của quá trình hội nhập, dưới con mắt chủ quan của tôi thì cơ hội rất lớn, vấn đề là các DN logistics Việt Nam, các cơ quan, bộ ngành có tạo cơ hội để DN tận dụng được cơ hội đó hay không”, bà Hương nhấn mạnh.
Phân tích từ góc độ lợi thế của ngành logistics nói chung, DN logistics Việt Nam nói riêng trên con đường hội nhập, một số chuyên gia nêu quan điểm: Việt Nam có lợi thế là sở hữu phần lớn kho bãi phục vụ dịch vụ logistics và nắm bắt được thị trường, tâm lý khách hàng, địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn DN nước ngoài. Lao động Việt Nam thông minh, nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Bên cạnh đó, các cảng biển Việt Nam đã đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế... rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn nhập siêu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị. Đây chính là thị trường khá tốt cho các công ty logistics của Việt Nam. Nếu như trước đây các nhà NK của Việt Nam chủ yếu mua hàng theo điều kiện CIF (nghĩa là người bán quyết định người chuyên chở), thì nay các DN NK của Việt Nam đang chuyển dần sang hình thức FOB. Điều này tạo ra cơ hội cho các DN logistics Việt Nam khai thác.
Vô vàn thách thức
Bên cạnh những thuận lợi, thực tế, ngành logisitcs Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức như: Cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics nghèo nàn và thiếu đồng bộ, hạn chế. DN logistics quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp, tính hợp tác và liên kết để tạo ra sức cạnh tranh thấp. Cộng đồng khoảng 1.300 DN Việt Nam làm dịch vụ logistics chủ yếu là vừa và nhỏ, chỉ chiếm khoảng 25% thị phần và khoảng 72% lao động (lao động được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5-7%)... Trong khi đó, cả nước có khoảng 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh logistics dưới nhiều hình thức và chiếm 75% thị phần, chủ yếu là các dịch vụ quốc tế.
Một trong những tồn tại nổi cộm của logistics Việt Nam hiện nay là chi phí còn khá cao. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, “Thông thường, chi phí logistics chỉ khoảng 12 -14% GDP, song tại Việt Nam, con số này lên đến 21-23% GDP. Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình trên thế giới gấp 2 lần, trong đó, chi phí vận tải, bốc xếp, cảng và các loại phí khác là rất lớn, điều này làm tăng chi phí của các DN, tăng giá thành sản phẩm của Việt Nam, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”.
Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA): Điểm yếu của các DN logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các DN hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.
Nâng chất lượng, hạ giá thành
Trên thực tế, trong suốt một thời gian dài, nhận thức và cơ sở pháp lý cho phát triển và quản lý các dịch vụ logistics đã không ngừng được cải thiện. Ngay giữa tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025”. Đây là lần đầu tiên ngành dịch vụ logistics có kế hoạch hành động quốc gia về dịch vụ logistics một cách toàn diện nhằm đưa ngành dịch vụ XNK lên một bước mới hiện đại và mở rộng. Trong đó, theo nhiều chuyên gia, điểm đột phá đáng ghi nhận trong chỉ đạo và quản lý nhà nước là đã có sự phân công 60 đầu nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện cơ sở luật pháp, thể chế, hạ tầng, nâng cao năng lực DN, chất lượng dịch vụ và phát triển thị trường logistics… cho các cấp và đơn vị liên quan để triển khai kế hoạch hành động với tính quyết liệt, cụ thể, có đầu mối và thời hạn rõ ràng.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng, để kế hoạch hành động được triển khai suôn sẻ, hiệu quả, cùng với xã hội hóa đầu tư, cần bố trí bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước hàng năm trong dự toán chi theo phân cấp quản lý các dự án, nhiệm vụ phù hợp. Ngoài ra, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại nên có thêm chức năng quản lý và điều phối về mặt logistics và đóng vai trò “nhạc trưởng” chỉ đạo chung quá trình triển khai kế hoạch hành động để phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Nhìn từ những yếu kém về chất lượng cũng như chi phí của ngành logistics, các chuyên gia cũng đánh giá, trong thời gian tới, nâng chất lượng, hạ giá thành là những giải pháp cấp bách cần thúc đẩy để gia tăng sức cạnh tranh cho ngành. Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, “Để giảm chi phí cho các DN, cần tăng cường thêm vận tải đường thủy, đường sắt, đường sông, đường biển và kết nối giữa các phương tiện vận tải với nhau một cách tốt hơn. Đặc biệt, Việt Nam phải tận dụng công nghệ thông tin nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi. Đối với Nhà nước, cần kiên quyết cắt giảm các loại phí và thủ tục. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, do đó ngành logistics cần có những bước cải thiện, cải tiến nhằm giảm chi phí cả về thời gian lẫn tiền bạc”.
Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025”, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước, đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực; hình thành các DN dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các DN dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp. |