Thúc đẩy thanh toán số: Vấn đề ở chính sách giá và quản trị rủi ro | |
Khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu lưu ý rủi ro khâu thanh toán |
Các ngân hàng đều đang cung cấp nhiều giải pháp tài trợ thương mại, bảo đảm thanh toán cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa: ST |
Rút kinh nghiệm từ rủi ro
Đến nay, nhờ những hỗ trợ tích cực của các bên liên quan tại cả Việt Nam và Italy, vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, qua môi giới của Công ty Kim Hạnh Việt, đã được xử lý thành công sau khi toàn bộ 35 container hàng bị mất kiểm soát chứng từ gốc được giải phóng. Đây là vụ việc rất được dư luận quan tâm và đã nhận được sự chỉ đạo xử lý từ lãnh đạo cao nhất Chính phủ.
Theo các chuyên gia và luật sư, vụ việc này đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam như về việc kiểm tra đối tác, hợp đồng trước khi giao dịch và ký kết. Đặc biệt là các doanh nghiệp cần chọn phương thức thanh toán an toàn hơn như T/T (chuyển tiền bằng điện) hoặc L/C (thư tín dụng). Do với các hình thức này, người bán hàng sẽ biết được thông tin ngân hàng của người mua, giúp đảm bảo an toàn hơn.
Nhận xét về năng lực trong giao thương với đối tác quốc tế, bà Trịnh Thị Hương, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá thụ động khi tìm hiểu đối tác, bạn hàng cũng như các kĩ năng trong việc thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế… Nhiều doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên môn về xuất nhập khẩu để kiểm soát hợp đồng, kết nối đối tác quốc tế thông qua các cơ quan chức năng, cơ quan đại diện về đầu tư thương mại Việt Nam ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt về hợp đồng, thanh toán quốc tế nhằm giảm thiểu các nguy cơ khi giao dịch với đối tác nước ngoài.
Tận dụng giải pháp từ các ngân hàng
Trong bối cảnh như trên, các ngân hàng đều đã phát triển các giải pháp tài chính hỗ trợ giao dịch thanh toán quốc tế được thuận lợi, an toàn và tránh được nhiều rủi ro. Hiện các ngân hàng có rất nhiều sản phẩm tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế như L/C, D/P (nhờ thu kèm chứng từ), T/T, UPAS L/C (thư tín dụng trả chậm), chuyển tiền nhanh Đông Dương, thanh toán biên mậu, dịch vụ tra cứu giao dịch thanh toán quốc tế qua SWIFT GPI…
Chẳng hạn, tại ABBank, cùng với L/C, sản phẩm UPAS L/C đã trở thành một trong những sản phẩm tài trợ thương mại hiện đại, mang đến nhiều lợi ích dành cho khách hàng xuất nhập khẩu cũng như thương mại nội địa với cả đối tác quốc tế và trong nước. UPAS L/C là thư tín dụng được phát hành dưới dạng trả chậm, trong đó có điều khoản cho phép người thụ hưởng được phép nhận tiền ngay hoặc nhận tiền sớm từ ngân hàng tài trợ vào ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng, ABBank sẽ hoàn trả cả gốc và tiền lãi phát sinh cho Ngân hàng tài trợ.
Tương tự, LienVietPostBank cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả trong thanh toán quốc tế với sản phẩm đa dạng như chuyển tiền đi/đến, nhờ thu, L/C… cùng những hỗ trợ về tỷ giá. Đại diện VietinBank cũng cho biết, ngân hàng có những giải pháp tối đa hóa lợi nhuận, tăng doanh thu, giao dịch thanh toán an toàn… trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Với Sacombank, ngân hàng này đã hoàn thiện số hóa toàn bộ quy trình giao dịch trực tuyến – chứng từ điện tử thông qua website và ebanking. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể thực hiện lệnh thanh toán thông qua các giải pháp tự động, đa dạng kênh và phương thức thanh toán theo từng nhu cầu của doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ hiện đại giúp giao dịch nhanh chóng, an toàn và bảo mật…
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cho biết, để vận hành thanh toán xuất nhập khẩu tiện lợi, ngân hàng có đội ngũ chuyên gia để tư vấn, đồng hành với doanh nghiệp trong xử lý thủ tục hải quan, thanh toán quốc tế.
Nhận xét về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, các doanh nghiệp thường xuyên giao dịch xuất nhập khẩu nên lựa chọn các ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, có khả năng cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản… đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hoá một cách khoa học, dài hạn. Những biện pháp này sẽ tạo lòng tin cho ngân hàng tài trợ cũng như là các khách hàng quốc tế của mình để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào.
Nhưng xét cho cùng, vấn đề của các doanh nghiệp vẫn là phải chủ động và linh hoạt tìm hiểu về khách hàng cũng như các quy định trong thương mại quốc tế, pháp luật của từng thị trường để có giải pháp kinh doanh phù hợp. Bởi rõ ràng, khi gặp đối tác không uy tín thì doanh nghiệp dùng phương thức thanh toán nào cũng vẫn có thể xảy ra rủi ro, mất tiền, mất hàng… Do đó, việc nâng cao năng lực của đội ngũ kinh doanh, xuất nhập khẩu tại mỗi doanh nghiệp là rất cần thiết, cùng với đó là sự hỗ trợ thẩm định đối tác từ các cơ quan tham tán thương mại, hiệp hội… để cùng doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn.