BP - Bữa về quê thăm mẹ,điệpcủkeo bd hom nay ngay mai nghe tin o Thanh bệnh nên tôi đến thăm. O là con gái đầu của chú họ tôi. Cứ nhìn dung nhan bây giờ của o cũng đủ biết ngày xưa o thuộc diện mặn mòi thế nào. Thế nhưng hồng nhan bạc phận, tuổi thanh xuân của o đã gửi lại chiến trường. Sau 4 năm làm nhiệm vụ thanh niên xung phong trên những cung đường Bình Trị Thiên khói lửa; sau những lần chịu sức ép của bom Mỹ, ngày đất nước toàn thắng, o trở về với bàn chân trái bị mất một nửa và đôi tai nghễnh ngãng. Tuổi đã cao, sức khỏe không còn, nhan sắc cũng tàn phai, những người lính trở về sau chiến trận, dù lành lặn hay thương binh đều trở thành mục tiêu của các cô gái trẻ, o không còn cơ hội để chọn cho mình một tấm chồng. Nghe nói hồi mới trở về, cũng có một người chết vợ ở xã dưới ngấp nghé làm quen, nhưng một lần xuống chơi, nhận thấy thái độ và ánh mắt không thiện cảm của đàn con người đàn ông ấy, o đã chối từ.
Trời mùa thu se lạnh, o Thanh nằm mỏng lét trên chiếc giường lỡ, mảnh chăn Con Công - một sản phẩm từ thời bao cấp đã bạc phếch đắp hờ qua bụng và o đang ho khù khụ. Nghe tiếng chó sủa, o cố ngóc đầu dậy nhưng rồi mệt quá lại nằm xuống. Phải mất một lúc khá lâu o mới nhận ra tôi và có phần ngạc nhiên khi biết tôi từ trong Nam ra thăm. O càng vui hơn khi biết tôi làm báo, bảo họ nhà ta ba đời ăn củ chuối, sao lại “nảy nòi” ra một nhà báo thế này! Biết o còn mệt, nhưng vì bệnh nghề nghiệp nên tôi không ngăn được hàng tràng câu hỏi. Và dường như o cũng vui hơn khi có người ngồi bên cạnh trong lúc đau yếu, lại toàn hỏi chuyện chiến trường.
O nhờ tôi mở chiếc tủ gỗ, lấy ra hộp sắt để dưới đáy ba lô. Bàn tay gầy gò, nhăn nheo của o lần giở những kỷ vật trong cái hộp sắt ấy. Đó là một chiếc khăn mùi soa màu trắng ngà, đã có những chỗ ố vàng và một cuốn album.
Tôi giũ chiếc khăn mùi soa, một đồ vật mà thời của o Thanh nó không phải được làm ra để lau tay hay lau mặt. Đó là một vuông vải phin trắng được móc chỉ màu đỏ xung quanh để vải không bị xổ ra và ở giữa thêu đôi chim bồ câu đang hướng về nhau. Thời thanh niên của o Thanh, mùi soa là phương tiện hữu hiệu nhất để các cô gái tỏ tình với người mình yêu. Chẳng thế mà trong bài thơ Hương thầm, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã có những câu thơ nói thay nỗi lòng biết bao cô gái: “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/Bên ấy có người ngày mai ra trận/Họ ngồi im không biết nói năng chi/Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi...”.
Thời ấy, đã có rất nhiều người lính mang ra chiến trường chiếc khăn mùi soa kỷ niệm. Người lính có thể mất hết tư trang, thậm chí cả những phần thân thể qua trận đánh ác liệt, nhưng mùi soa thì luôn nơi ngực áo. Chỉ thỉnh thoảng kín đáo giở ra xem lúc nghỉ chân hành quân. Những chiếc khăn mùi soa là kỷ niệm thiêng liêng của người lính luôn được gói kỹ và vẫn giữ nguyên nếp gấp cho đến tận ngày giải ngũ. Thấy tôi cầm mãi chiếc khăn mùi soa, o Thanh bồi hồi kể, ngày ấy sau những đợt san lấp mặt đường, o đã quen một chiến sĩ trong đội xe. Khi trao cho anh lính lái xe chiếc khăn mùi soa y hệt chiếc này, o đã nói nếu còn sống đến ngày hòa bình thì nhớ tìm nhau. Nhưng rồi chiến tranh loạn lạc, o biệt tin người yêu. Mối tình đẹp trong chiến tranh, giờ chỉ còn lại chiếc khăn mùi soa làm kỷ vật.
Con gái bây giờ không còn dùng mùi soa nữa, cũng không còn cô gái nào ngơ ngẩn đến mức dùng khăn mùi soa để tặng người yêu. Thay cho những chiếc khăn, trong ví các nàng giờ là khăn giấy, dùng một lần là vứt. Gặp lại o Thanh, được xem những kỷ vật thời chiến của o, tôi chợt nhớ một thời, chiếc khăn mùi soa đã mang một thông điệp cao cả của những đôi trai gái - thông điệp của tình yêu.
Thảo Nguyên