Với tinh thần làm việc hăng say, có trách nhiệm, luôn bám sát địa bàn để hiểu rõ nguồn gốc của mâu thuẫn, tranh chấp trước khi tiến hành hoà giải…, những năm qua, công tác hoà giải của xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời luôn đạt kết quả cao, góp phần tích cực xây dựng cuộc sống bình yên ở địa phương.
Với tinh thần làm việc hăng say, có trách nhiệm, luôn bám sát địa bàn để hiểu rõ nguồn gốc của mâu thuẫn, tranh chấp trước khi tiến hành hoà giải…, những năm qua, công tác hoà giải của xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời luôn đạt kết quả cao, góp phần tích cực xây dựng cuộc sống bình yên ở địa phương.
Chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa vợ chồng ông Nguyễn Văn X, bà Lê Cẩm H (ấp 19/5, xã Khánh Bình) sẽ không hàn gắn được nếu không có sự vào cuộc của Tổ Hoà giải ấp 19/5. Ngồi nhớ lại, ông Nguyễn Văn Trung, Tổ trưởng Tổ Hoà giải, cười bảo: "5 ngày kể từ khi nhận được đơn của ông X, Tổ Hoà giải ấp phối hợp với Tổ Hoà giải ấp Rạch Giếng (xã Khánh An, huyện U Minh) xác minh và tổ chức họp mặt vận động hàn gắn. Sau khi nghe phân tích thấu tình đạt lý, vợ chồng ông X, bà H giảng hoà, hết giận và cùng nhau lo làm ăn".
Công tác hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong đời sống người dân xã Khánh Bình. (Trong ảnh: Người dân tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn). |
Cây cầu bắc ngang sông của gia đình ông Lưu Văn H thấp, ảnh hưởng việc đi lại bằng đường thuỷ của bà con địa phương. Nhiều lần phản ánh không thành, người dân trong ấp viết đơn gửi đến Tổ Hoà giải ấp 19/5. Sau khi nhận đơn phản ánh, tổ họp dân và xác minh, do hoàn cảnh khó khăn nên ông H chỉ dùng cây tạp trong vườn bắc cầu. Vậy là bà con xung quanh thông cảm, hỗ trợ cây cùng với gia đình ông H bắc lại cây cầu qua sông.
Ðó là 2 trong 5 vụ việc mà Tổ hoà giải ấp 19/5 đã nhận và giải quyết thành công từ đầu năm đến nay, không có vụ việc nào phải chuyển đến UBND xã. Nhờ đó mà tình làng nghĩa xóm được gắn kết và ngày càng bền chặt.
Ông Nguyễn Văn Trung cho biết thêm, tổ làm việc theo phương châm hướng dẫn, thuyết phục, giúp đỡ các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những tranh chấp nhỏ. Mỗi thành viên của tổ đều được phân công nhiệm vụ và địa bàn phụ trách cụ thể. Trong đó, thành viên cư trú ở khu vực nào thì có nhiệm vụ thường xuyên nắm bắt những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh ở khu vực đó. Sau khi nắm bắt nội dung mâu thuẫn, tất cả thành viên trong tổ sẽ họp, phân tích, đánh giá vụ việc, bàn cách giải quyết và tìm người thích hợp để tiến hành hoà giải giữa các bên. Tuỳ từng trường hợp, tổ còn mời thêm những người ngoài tổ có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, có uy tín, nhiệt tình, có trách nhiệm với cộng đồng dân cư cùng tham gia hoà giải.
Trong những năm gần đây, công tác hoà giải của huyện Trần Văn Thời thu được nhiều kết quả tốt. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2015, toàn huyện đã tiếp nhận 597 đơn, đưa ra hoà giải 592 đơn, trong đó hoà giải thành 515 đơn, đạt 86,99%; các đương sự đã cam kết tự hoàn trả cho nhau gần 2 tỷ đồng, 191 chỉ vàng 24K, trên 24.000 m2 đất và nhiều tài sản có giá trị khác. |
10 tháng qua, UBND xã Khánh Bình chỉ nhận 16 đơn của 9 tổ hoà giải chuyển đến. Trong đó, Hội đồng Hoà giải xã đã hoà giải thành công 8 vụ việc có liên quan đến tranh chấp đất đai. Theo bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng Hoà giải xã Khánh Bình, công tác kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải luôn được quan tâm hàng đầu. Các thành viên có sự gần gũi, hiểu biết về cộng đồng dân cư, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng thuyết phục, vận động Nhân dân. Ðây chính là một trong những yếu tố quyết định đến thành công trong công tác hoà giải ở cơ sở.
Hoà giải viên cơ sở không chỉ hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong Nhân dân, mà còn góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp. Ðồng thời, xây dựng ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Phương Lài