Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 (VNITO Conference 2017) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Liên minh các DN xuất khẩu phần mềm Việt Nam (VNITO Alliance) và Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp tổ chức ngày 19/10 tại TP.HCM.
Tăng trưởng mạnh
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, trong thời gian qua, ngành gia công, xuất khẩu phần mềm Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và được biết đến như một điểm đến đáng tin cậy. Trong bảng xếp hạng của Cushman & Wakefield năm 2016, Việt Nam đứng số 1 thế giới về địa điểm dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO). Bên cạnh đó, Gartner công bố bản báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ Gia công CNTT tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2016”, trong đó Việt Nam được xếp là một trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Mới đây nhất, A.T. Kearney’s 2017 Global Services Location Index (GSLI) xếp Việt Nam đứng thứ 6 trên thế giới trong lĩnh vực gia công phần mềm và Công viên phần mềm Quang Trung là trung tâm Công nghệ thông tin tập trung lớn nhất ở Việt Nam – đứng thứ 3 trong top 8 Công viên phần mềm được đánh giá cao ở châu Á năm 2017 (báo cáo của KPMG)…
Mặt khác, các DN xuất khẩu phần mềm Việt đang đứng trước rất nhiều cơ hội kinh doanh lớn đến từ thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, Singapore. Đặc biệt là những cơ hội gắn với xu hướng phát triển của công nghệ mới như Cloud (đám mây), Mobility (di động), Big Data (dữ liệu lớn).
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc của Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, Chủ tịch Liên minh các DN gia công công nghệ thông tin Việt Nam (Liên minh VNITO), chưa có con số thống kê chính xác nhưng hiện ngành gia công phần mềm Việt Nam đang phát triển khá mạnh, nhất là tại TP.HCM với xấp xỉ 1 tỷ USD/năm từ xuất khẩu dịch vụ CNTT. Các kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế gần đây cũng đã khẳng định tiềm năng to lớn của ngành gia công phần mềm Việt Nam.
Để đạt được những thành quả trên, theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ, ban hành chính sách ưu đãi, thu hút mời gọi đầu tư của nhà nước còn có vai trò tích cực của các DN tại Việt Nam đã nỗ lực xúc tiến, đón bắt làn song dịch chuyển thị trường dịch vụ phần mềm từ hai trung tâm lớn là Trung Quốc và Ấn Độ sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
“Hụt hơi” về nhân lực chất lượng cao
Mặc dù nhiều lần khẳng định bằng những con số tăng trưởng ấn tượng về doanh thu của ngành CNTT hàng năm nói chung và xuất khẩu phần mềm nói riêng, nhưng Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như chất lượng nguồn nhân lực, cơ chế chính sách… khiến các DN bị hạn chế về khả năng cạnh tranh trước các đối thủ tại các thị trường quốc tế.
Nhận thấy thị trường Nhật Bản đang mở ra cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu phần mềm, dịch vụ CNTT của Việt Nam có thể tham gia bình đẳng hơn trước các đối thủ truyền thống từ Ấn Độ hay Đông Âu, nhưng theo Bà Nguyễn Thị Kiều Quyên, Giám đốc Điều hành Công ty S3 Corp, hiện khó khăn nhất đối với các DN là nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường Nhật Bản về các mặt như: tiếng Nhật, văn hóa kinh doanh, kỹ năng làm việc, tiêu chuẩn, chất lượng... Nhất là với những dự án lớn, việc thiếu nhân lực càng trở lên trầm trọng. Theo đó, để tham gia vào thị trường này, DN đã có những kế hoạch đào tạo đặc biệt về nhân lực thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
Bên cạnh đó, bản thân các DN thâm nhập thị trường này cần tham gia các hiệp hội hoặc liên minh phần mềm để có thể gặp gỡ những người có kinh nghiệm hỗ trợ nguồn lực lẫn nhau để tạo được thương hiệu cho Việt Nam, bà Quyên nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, ngành phần mềm Việt Nam đã được nhiều tổ chức xếp hạng trên thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có quy mô nhỏ nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp thị ra thị trường quốc tế. Vì vậy, việc hỗ trợ xúc tiến và đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh cho ngành phần mềm Việt Nam và TP.HCM trên thị trường quốc tế là hoạt động thiết thực và sẽ được thực hiện thường xuyên trong thời gian tới mở ra cơ hội phát triển kinh doanh cho các DN trong lĩnh vực này.
Ông Hòa cho biết trong giai đoạn tới, thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị quốc tế về CNTT công nghệ cao, tổ chức các đoàn xúc tiến về CNTT tại các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Singapore, Úc... giúp quảng bá cho ngành.