Trong các chuyến đi xa,ếtHàNộiNgõnhỏphốnhỏnhàtôiởđóbxh hq tôi có thêm nhiều bạn mới - những con người bình dị mà đôi khi chưa một lần đặt chân tới Thủ đô. Trong mắt họ, Hà Nội vẫn là một mảnh đất thiêng liêng mà trong lòng luôn mong một lần được tới. Và những lần như thế, tôi luôn chủ động mời mọc, để nếu có dịp, tôi sẽ là một hướng dẫn viên tận tâm, nói về thành phố mình đang sống.
Hà Nội duyên lặn vào trong, cái khí khái hào hoa của Thăng Long nghìn năm tuổi là điều chẳng nơi nào trên dải đất hình chữ S có được.
Đến Hà Nội, người ta dễ dàng chạm vào những vàng son một thuở, những nếp cũ ngày xưa. Không giống như nhiều đô thị khác, Hà Nội có rất nhiều công trình biểu tượng, từ hồ Gươm, tháp Rùa, cầu Thê Húc, chùa Một Cột, cho đến Hoàng Thành, cầu Long Biên, Nhà thờ Lớn… rồi cả 36 phố phường nữa chứ.
Mà đâu phải chỉ dừng lại ở con số 36 phố phường hay các địa danh, người Hà Nội cũng là một phần của di sản đó.
Dầu hơi thở đô thị hiện đại đã khoác lên Hà Nội một manh áo mới, nhưng vẫn còn nhiều lắm những không gian đậm chất xưa. Hai thứ đó tồn tại song hành, cái nọ làm cái kia thêm nổi bật.
Giờ, ghé Thủ đô, người ta không chỉ đến với các di tích, mà cả với các công trình của thời đại mới. Có những anh bạn phương xa, khi đến Hà Nội điểm mong chờ nhất để đến là hồ Gươm, Lăng Bác, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn… Sau đó, người ta quan tâm cả đến những hiện thân mới của Hà Nội thời đô thị hóa, họ muốn đến những trung tâm thương mại, khu đô thị quy mô như Times City, Royal City hay các tòa cao ốc có thể giúp ngắm toàn thành phố, như Keangnam, Lotte. Có anh bạn tôi là dân bất động sản, anh làm cho một chủ đầu tưtrong Nam, khi ra nằng nặc đòi tôi dẫn qua Ecopark bên Hưng Yên để xem thử.
Tôi vẫn tin rằng, Hà Nội là nơi có sự phân định rõ rệt nhất về 4 mùa, dầu vài năm gần đây nó không còn vẹn nguyên như trước. Mùa Xuân về mang theo nét thanh tân. Hạ về lại gọi bao kỷ niệm học trò. Thu tới gieo vào lòng người vô vàn cảm xúc bởi cái gì cũng nhẹ nhàng, tình tứ. Còn Đông ư, niềm vui lớn lại là việc ngồi đâu đó trong quán nước chè, nghe mưa phùn giăng phố nhỏ, mà cảm cái nhịp sống chậm buổi Đông…
Tôi đã tự định nghĩa cho mình một cách ngắm nhìn Thủ đô. Với hồ Gươm, tôi thích đến vào lúc sáng sớm. Trong cái trong veo của cảnh và người, trong tiếng nhạc nhẹ nhàng đâu đó, “cái rốn” của Hà Nội bỗng thật thanh bình. Người già, người trẻ cùng tập thể dục, cùng tản bộ ngắm hồ, ngắm phố.
Còn với hồ Tây, phải là những buổi chiều lênh láng vàng, khi hoàng hôn phủ lên mặt hồ và cảnh vật những tia nắng cuối ngày. Và với bạn hữu, tôi cũng dạy họ cách thưởng Hà Nội như thế. Vẻ như, có nhiều sự đồng tình.
Hà Nội những ngày áp Tết này lại mang một vẻ đẹp lạ kỳ. Cái đẹp không bởi những tòa nhà chăng điện sáng choang, nhấp nháy, mà đó là cái phong vị Tết và những hoạt động đời thường, trong cái nếp quen sinh hoạt.
Các chợ hoa bắt đầu trở nên đông đúc. Thú chơi hoa của người Hà Nội giờ đã trở thành nét văn hóa. Người người tìm lên Bưởi, Hoàng Hoa Thám, Quảng Bá, Âu Cơ để chọn cho mình vài chậu hoa Tết. Đâu đó, đào Nhật Tân xuống phố mang theo khí tượng buổi Xuân về.
Trong cái lành lạnh cuối năm, trong cái rét ngọt của buổi Đông, các chợ hoa, phố hoa sáng bừng lên rực rỡ. Tôi có ông chú, năm nào gần Tết, cũng mất vài ngày sắm sửa, trong đó riêng việc mua hoa là dày công hơn cả. Có khi phải mất vài lần đi mới chọn được cành đào ưng ý. Rồi về đốt gốc, thả vài viên B1 vào bình, sau đó mới cắm.
Ông chú là con thứ, chọn cho nhà mình một cành, trước ngày về quê ăn Tết, sẽ lại lên khu Nhật Tân chọn một cành đào đẹp, giằng buộc cẩn thận, che chắn kỹ càng rồi mang về nhà bác trưởng ở quê. Bao năm vẫn vậy, y như một thói quen.
Gần Tết, chợ ở Hà Nội cũng vui hơn. Những ngày này, các chợ đông hẳn, tuyền người là người. Chợ phố nhưng lại mang không ít nét quê. Người ta bán đủ thứ, măng khô, mộc nhĩ, lá dong, miến dong… Các hàng mã có lẽ đông vui, nhộn nhịp nhất. Riêng từ chiều 22 tháng Chạp đến chiều ngày 23, người bán hàng luôn tay, luôn chân, mồm gọi, tay làm. Ai cũng vội.
Còn hàng cá phóng sinh nữa. Hà Nội nhiều năm nay có cái mốt mua chép đỏ về cúng ông Táo, rồi đem ra ao hồ thả. Nhưng nhiều nhất có lẽ là hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Sau 23 Tết (cái thú của tháng Chạp là từ ngày mồng 1 đến 19 thì gọi ngày, ví dư 19 tháng Chạp, nhưng từ ngày 20 trở đi, người ta sẽ gọi là 20 Tết), chép đỏ lượn thành đàn, chúng chẳng theo ông Táo về trời, mà ở lại đón Xuân cùng người phố.
Những ngày cuối năm và cả đầu năm nữa, người Hà Nội đi chùa đông lắm, người lên phủ, kẻ đến chùa quen. Mùi nhang khói quyện cùng mùi hương của những bông Ngọc Lan, thoang thoảng đưa trong tiếng chuông chùa thánh thót, trong tiếng lâm râm khấn vái.