ĐÁP ỨNG NGUYỆN VỌNG NHÂN DÂN
Năm 2011,ban xep han phap xã Tân Khai được UBND tỉnh công nhận đô thị loại 5. Trong 6 năm qua, chính quyền huyện đã đầu tư đồng bộ xây dựng theo quy hoạch thị trấn Tân Khai đến năm 2020. Ngày 10-11-2017, HĐND huyện Hớn Quản đã thông qua nghị quyết thành lập thị trấn Tân Khai.
Đảng viên cao tuổi đảng Nguyễn Đua ở ấp 5, xã Tân Khai cho biết: “Tôi rất phấn khởi khi biết HĐND huyện đã thông qua nghị quyết thành lập thị trấn Tân Khai. Xã Tân Khai có lịch sử lâu đời, được thành lập từ năm 1906 thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Thủ Dầu Một. Trong các cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, Tân Khai luôn đồng hành với cách mạng. Trong chiến tranh, người dân tản cư đi vô rừng ở, đến năm 1975 đất nước thống nhất tất cả quay về Tân Khai xây dựng kinh tế. Tân Khai thay da đổi thịt từng ngày, hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Tôi nghĩ Tân Khai lên thị trấn sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực từ phát triển kinh tế, an sinh xã hội đến văn hóa, môi trường, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”.
Một tuyến đường ở khu trung tâm hành chính huyện Hớn Quản - Ảnh: S.H
Ông Đàm Ngọc Linh, ấp 5, xã Tân Khai phấn khởi: “Tôi sống ở đây từ năm 1976, việc nâng cấp lên thị trấn Tân Khai là niềm mong mỏi không chỉ riêng tôi mà của nhiều người dân. Ấp 5 ngày trước là những căn nhà lá, nhà tranh quanh cánh đồng lúa nước. Qua từng giai đoạn, người dân Tân Khai dần thay đổi tập quán sinh hoạt, canh tác. Đến nay, những đồng lúa nước của người dân ấp 5 đã nhường chỗ cho vườn cao su bạt ngàn, vườn tiêu xanh mướt hay những trang trại chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Quốc lộ 13 thẳng tắp, đưa Tân Khai trở thành điểm trung chuyển giữa các huyện và tỉnh lân cận. Nâng cấp Tân Khai lên thị trấn sẽ góp phần giúp người dân có điều kiện mở rộng sản xuất, hòa mình vào sự phát triển chung của huyện, tỉnh. Đó cũng là điều kiện để Hớn Quản chỉnh trang đô thị, thu hút dự án, phát triển dịch vụ, công nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân.
NỀN TẢNG CHO PHÁT TRIỂN
Hiện nay, thu nhập bình quân của xã Tân Khai đạt 39 triệu đồng/người/năm. Ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp thì với lợi thế đất rộng, người dân Tân Khai còn phát triển kinh tế gia đình với các loại cây chủ lực như điều, tiêu, cao su và cây ăn trái. Trong đó, bình quân tiêu đạt năng suất 25 tạ/ha; cao su 34,5 tạ/ha... Ngoài ra, xã có nhiều trang trại chăn nuôi đại gia súc với tổng 4.370 con, gia cầm trên 72.000 con... Những tiềm lực này đã tạo niềm tin cho ông Đua, ông Linh và rất nhiều người dân về diện mạo tươi sáng của Tân Khai khi lên thị trấn.
Trong 4 tiêu chuẩn để công nhận thị trấn, Tân Khai cơ bản đạt về số dân 15.269 người; diện tích tự nhiên 42,75km2; đô thị loại 5; là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Với lợi thế trên trục quốc lộ 13, kinh tế của Tân Khai phát triển toàn diện, đặc biệt là công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Thu ngân sách năm 2017 của Tân Khai ước 10,342 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm 2015-2017 còn 1,16% (bình quân của huyện 2,39%). Hiện tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là 46,6% (chưa đạt quy định). Tuy nhiên, lao động của xã phần lớn làm công nhân trong các nông trường cao su, hưởng chế độ ngày công lao động từ sản phẩm cây công nghiệp dài ngày. Vì thế, nếu tính cả số công nhân này thì tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của xã đạt tiêu chí quy định.
Theo dự thảo đề án, thị trấn Tân Khai dự kiến thành lập trải dài theo quốc lộ 13 - trục đường phát triển đô thị chủ đạo của huyện Hớn Quản; trên cơ sở diện tích hiện hữu (42,75km2), 15.269 người và 7 ấp của xã. Trong định hướng phát triển giai đoạn 2016-2021, thị trấn Tân Khai đặt ra những chỉ tiêu cụ thể như: giá trị sản xuất công nghiệp - dịch vụ đạt 80 tỷ đồng; thu ngân sách tăng 10% trở lên so với chỉ tiêu huyện giao; hoàn thành cơ bản xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới; hình thành 11 khu dân cư... Đề án cũng chú trọng việc định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và xây dựng đô thị như bố trí công trình công cộng, công viên cây xanh, sân vận động; quy hoạch cụm công nghiệp, Khu công nghiệp Tân Khai; đầu tư hạ tầng kỹ thuật và giao thông.
Ông Trịnh Minh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản cho biết: Sau 8 năm thành lập, kinh tế - xã hội Hớn Quản đã có sự thay đổi mạnh mẽ, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục đều được quan tâm đầu tư đúng mức, trong đó kinh tế tăng trưởng hằng năm trên 15%. Xã Tân Khai được chọn là trung tâm hành chính của huyện, nằm trên quốc lộ 13, là tuyến đường nối các tỉnh miền Đông và thành phố Hồ Chí Minh. Việc thành lập thị trấn Tân Khai sẽ giúp người dân có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế và tiếp cận các dịch vụ. UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện các giai đoạn của Khu công nghiệp Tân Khai. Ngoài ra, Công ty cổ phần công nghiệp Minh Hưng - Sikico đã khởi công xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico với quy mô 1.500 ha tại xã Đồng Nơ. Dự kiến sau khi lấp đầy, khu công nghiệp này sẽ tạo việc làm từ 40-50 ngàn lao động. Đây là những tín hiệu khả quan để nâng cao thu nhập cũng như đảm bảo tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của người dân Tân Khai khi nâng cấp lên thị trấn.
Thanh Nga